Học nghề song bằng Việt - Úc: Lương 15 - 30 triệu đồng mỗi tháng

Quý Hiên
Quý Hiên
14/01/2020 19:25 GMT+7

Nhiều em trong khóa đầu tiên tốt nghiệp chương trình đào tạo nghề được chuyển giao từ Úc, được cấp bằng của 2 trường Việt Nam và Úc, đã có được việc làm với mức thu nhập dao động từ 15 - 30 triệu đồng/tháng.

Hôm nay, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH đã tổ chức hội nghị tổng kết việc đào tạo thí điểm 12 nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế theo các bộ chương trình chuyển giao từ Úc.
Tại hội nghị, TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết chương trình đào tạo 12 nghề này được xây dựng theo quy trình tiên tiến của Úc, và được Hội đồng ngành của Úc công nhận. Đây là 12 bộ chương trình nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế đầu tiên của Việt Nam theo phương thức chuyển giao, đã được kiểm nghiệm trong thực tế qua việc đào tạo thí điểm.
Tính đến tháng 12.2019, toàn bộ 41 lớp của 12 nghề đào tạo thí điểm đã hoàn thành chương trình đào tạo thí điểm đã hoàn thành chương trình đào tạo, với tổng số 724 sinh viên tốt nghiệp. Những em này vừa được trường Việt Nam cấp bằng, vừa được Học viện Chisholm của Úc cấp bằng.
Dù vừa mới tốt nghiệp chưa đầy tháng, nhưng 477 em (chiếm tỉ lệ 66%) đã có việc làm, trong đó 40 em đã đi làm việc hoặc đang hoàn thiện thủ tục để đi làm việc ở các nước ngoài (Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc…); 214 em làm việc trong các công ty liên doanh với nước ngoài hoặc 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Với vị trí làm việc tốt, thu nhập của các em cũng khá cao. Chẳng hạn, với nhiều em làm việc tại các doanh nghiệp trong nước ở một số lĩnh vực như du lịch, cơ điện tử, công nghệ thông tin,…mức thu nhập từ 15 đến 30 triệu đồng/tháng.
TS Hùng cũng cho biết, sắp tới chương trình sẽ được đưa vào triển khai tổ chức đào tạo chính thức trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp của ta.

Đích đến của chương trình là tạo sự lan tỏa của công nghệ đào tạo trên diện rộng

Theo GS Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, hiện ngoài chương trình chuyển giao từ Úc (12 nghề), chúng ta cũng đang thực hiện chương trình chuyển giao từ Đức (22 nghề). Đây là giải pháp giúp chúng ta đào tạo lao động có trình độ, có kỹ năng tay nghề cao, đạt chuẩn quốc tế, để hội nhập tốt trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Dù trong quá trình triển khai, các trường nghề gặp vô cùng nhiều khó khăn vướng mắc mà trong đó đáng chú ý nhất là trình độ của người học xuất phát điểm thấp (rào cản lớn nhất là ngoại ngữ kém), nhưng đến giờ chúng ta đã có thể “thở phào” vì có một lứa sinh viên đầu tiên ra trường đạt chất lượng như mong muốn.
GS Quân cho rằng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đúng đắn khi lựa chọn 12 nghề đầu tiên để làm thí điểm tập trung vào các nghề về công nghệ - kỹ thuật, đều là những nghề mà thị trường rất cần, nhu cầu rất lớn. Đích đến của chương trình là tạo sự lan tỏa của công nghệ đào tạo trên diện rộng, với sự hỗ trợ của đối tác quốc tế, để các trường nhân rộng ra, trở thành một chương trình đào tạo chính thức của các trường.
Tuy nhiên, theo GS Lê Quân, có một điều đáng tiếc của chương trình là mức độ tham gia sâu của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo hơi ít.
“Phải làm sao để ngay trong quá trình học, các em đã có thời gian thực tập thật nhiều tại doanh nghiệp. Phải gắn kết với doanh nghiệp hơn nữa, để các em chưa tốt nghiệp đã có việc làm tại doanh nghiệp. Chúng ta hy vọng từ khóa 2, một tỉ lệ lớn sinh viên có việc làm trước khi nhận bằng ít nhất 6 tháng”, GS Quân nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.