Học lịch sử trong bảo tàng riêng

11/11/2015 08:08 GMT+7

Đừng nghĩ cứ nước giàu là trường học của họ cái nào cũng tinh tươm, hoành tráng. Chúng tôi có dịp đến thăm một trường tiểu học bình thường của Israel ở TP.Jerusalem thì đập ngay vào mắt là bàn ghế cái cao, cái thấp.

Đừng nghĩ cứ nước giàu là trường học của họ cái nào cũng tinh tươm, hoành tráng. Chúng tôi có dịp đến thăm một trường tiểu học bình thường của Israel ở TP.Jerusalem thì đập ngay vào mắt là bàn ghế cái cao, cái thấp. 

Thầy Hiệu trưởng Trường tiểu học Uziel Dugma (giữa) giới thiệu về con tàu trong phòng học lịch sử ở trường - Ảnh: Thu HàThầy Hiệu trưởng Trường tiểu học Uziel Dugma (giữa) giới thiệu về con tàu trong phòng học lịch sử ở trường - Ảnh: Thu Hà
Lớp học dùng toàn ghế nhựa, loại mà ở VN chỉ dùng trong các quán nhậu bình dân lề đường. Có hiện đại chăng là hình ảnh mỗi học sinh xài một laptop để học toán với phần mềm, cô giáo cũng dùng phần mềm để biết cả lớp đang học thế nào, có bao nhiêu bạn đang làm bài và đã làm tới đâu.
Bạn nào làm nhanh thì giáo viên gửi thêm riêng link cho bạn ấy làm bài mới, bài nâng cao, bạn nào cần hỗ trợ là giáo viên tới tận bàn chỉ dẫn.
Sau tiết toán, đoàn khách VN được đưa lên lầu xem phòng học lịch sử. Nằm choán kín nửa cuối hành lang là một con tàu bằng gỗ sơn trắng. Thầy giáo mở cửa con tàu cho chúng tôi vào. Một thế giới khác! Một bảo tàng lịch sử hẳn hoi!
Có những góc tái hiện cuộc sống tha hương lênh đênh của những thuyền nhân Do Thái ngày xưa. Có tranh ảnh những cuộc vượt biển trốn chạy. Có góc bếp chật hẹp và xoàng xĩnh với những cái nồi niêu vật dụng cổ cũ kỹ, có những mô hình nhà cổ, làng cổ. Đi tới đâu đoàn chúng tôi ố à tới đó. Thầy hiệu trưởng dẫn đến một góc tàu, đẩy cái giá sách, cái giá sách xoay nghiêng, lộ ra một căn phòng bí mật nhỏ xíu, chỉ vừa một người nằm co.
Ối chao ơi, có phải cô bé Do Thái 13 tuổi Anne Frank trong thời Đức Quốc xã đã viết cuốn Nhật ký Anne Frank khi ẩn náu ở đây không vậy? Tự nhiên thấy muốn khóc, khi nhớ tới cuốn truyện đầy ắp lo lắng, sợ hãi, nhớ hình ảnh cái chết rình rập trên từng trang sách. Tôi đọc cuốn này cách đây hơn 10 năm, giờ đứng trong con thuyền này bỗng nhớ lại rõ mồn một...
Chúng tôi cúi người chui vào những căn phòng bí mật nhỏ xíu, trong đó chỉ có vài vật dụng đơn sơ. Có phòng có chiếc radio cổ được giấu kín sau hộc cửa, thầy bảo thời này là tái dựng lại trại định cư của người Do Thái, khi Anh cấm người Do Thái nghe radio nên họ phải có những bức tường quay thế này để giấu, để chui vào ngồi nghe thông tin.
Hơn mọi bài học, hơn mọi lời giảng giải, những cái hốc phòng chật hẹp này ngay lập tức cho người xem được sống về những ngày tháng lẩn trốn căng thẳng, khắc nghiệt của ông cha họ trong suốt lịch sử bị săn đuổi... Dây thừng, phao cứu sinh, va li, nồi niêu, Kinh thánh... của những cuộc vượt biển trốn chạy của dân Do Thái đều có trong con tàu này.
Tôi hỏi thầy hiệu trưởng rằng tái hiện lịch sử như một bảo tàng vậy thì tốn kém lắm phải không? Thầy cười hiền: "Lịch sử mà, lịch sử thì bao giờ cũng rất đắt giá!".
Thầy đưa chúng tôi mấy cuốn sách photo màu. Thầy bảo đây là giáo trình lịch sử của trường tự soạn. Trường đã trình lên Bộ Giáo dục và được đồng ý duyệt cho trường được dạy cuốn giáo trình này!
Chạnh lòng sực nghĩ lịch sử hào hùng cả nghìn năm dựng và giữ nước của VN đang bị đánh mất sức hấp dẫn bởi các giờ học lịch sử nhàm chán, cả về nội dung lẫn phương pháp.
Tạm biệt ngôi trường tiểu học của Israel ra về. Quay lại nhìn, vẫn là một trường nghèo, bên ngoài chỉ như một nhà dân, đến cái cổng cũng chả thèm xây cho đàng hoàng.
Và ở ngôi trường không có cổng này, học sinh ngồi ghế nhựa, học toán trên laptop riêng và học lịch sử trong một bảo tàng riêng!
Tại sao? 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.