Học để thay đổi số phận

21/04/2015 06:00 GMT+7

(TNO) Tác giả bài viết này là một doanh nhân từng trải qua nhiều vị trí cao cấp ở các tập đoàn đa quốc gia. Ông vừa gửi đến Thanh Niên Online bài viết chia sẻ những kinh nghiệm đối với các bạn trẻ đang tìm việc, phụ huynh đang quan tâm đến việc đầu tư học hành cho con em mình.

(TNO) Tác giả bài viết này là một doanh nhân từng trải qua nhiều vị trí cao cấp ở các tập đoàn đa quốc gia. Ông vừa gửi đến Thanh Niên Online bài viết chia sẻ những kinh nghiệm đối với các bạn trẻ đang tìm việc, phụ huynh đang quan tâm đến việc đầu tư học hành cho con em mình.

Tự tạo việc làm - tại sao không ?Nhiều bạn trẻ tìm việc tại sàn giao dịch việc làm tại TP.HCM - Ảnh: Như Lịch

Một số rất ít sinh viên xuất sắc hoặc gặp may mắn nên ra trường tìm được việc làm tốt với một tương lai tươi sáng. Ngược lại, phần đông trong số 300.000-400.000 sinh viên tốt nghiệp đại học hằng năm không tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn hay nguyện vọng của các em. Các em phải lận đận nhiều năm để xoay xở tìm việc khác tốt hơn hoặc yên phận với công việc không như ý. Thậm chí có em phải ôm bằng đại học về quê làm ruộng hay mở quán buôn bán.

Đáng tiếc hơn là có khá nhiều trong số vài chục ngàn du học sinh tốt nghiệp các trường đại học nước ngoài trở về nước hằng năm mà không tìm được công việc như các em mong đợi dù các em có nhiều lợi thế hơn so với sinh viên trong nước. Có người quen làm tư vấn du học nói với tôi rằng, nhiều phụ huynh có dự định cho con học nước ngoài rồi tìm cơ hội ở lại làm việc làm và sống luôn ở đó. Tôi nghĩ rằng cha mẹ có dự tính như vậy cũng chỉ là bất đắc dĩ do về Việt Nam hiện nay thì khó tìm việc thích hợp với mong đợi của các em chứ không ai muốn con cái phải sống nơi đất khách quê người. Cha mẹ bây giờ chỉ có một đến hai con, các em được đi du học tức gia đình đều có điều kiện sống ở Việt Nam khá tốt nên không việc gì phải đi luôn. Bản thân các em cũng không hẳn là thích sống ở nước ngoài nếu ở Việt Nam các em có việc làm phù hợp và có cơ hội phát triển.
Người Việt sống và làm việc ở Việt Nam thì chắc chắn là có nhiều cơ hội và lợi thế hơn so với sống ở nơi đất khách quê người. Ở nước ngoài, trừ những người xuất sắc thì phần đông chúng ta không có lợi thế cạnh tranh so với người bản xứ trong những nghề đòi hỏi gốc gác văn hóa và mối quan hệ xã hội như nghề quảng cáo, tiếp thị, kinh doanh, quản trị điều hành cấp cao.
Đất nước cần nhiều lao động có trình độ, doanh nghiệp cũng cần chất xám, mà các em lại không về hoặc về rồi lại đi. Uổng!
Nguyên nhân là gì, phải làm sao?
Có nhiều nguyên nhân. Kinh tế đang khó khăn nên ít việc nên khó xin việc. Bản thân các em chưa có kinh nghiệm nên không tìm được việc tốt, lương thấp, không thấy tương lai. Các em không thích ứng với văn hóa công ty...
Trong đó, kinh tế khó khăn và công việc ít chỉ là tạm thời. Các em có học, nhất là học những ngành về kinh tế và kinh doanh, thì các em biết rằng Việt Nam là mảnh đất còn rất nhiều cơ hội phát triển. Dân đông mà mức sống nhìn chung còn thấp quá trên nhiều mặt. Đường sá, cầu cống, nhà cửa, bệnh viện, trường học, nhà máy, nông trường, siêu thị... còn phải làm nhiều, nhiều hơn nữa, gấp trăm lần so với hôm nay. Nhìn qua Singapore và hãy tưởng tượng một ngày nào đó Việt Nam sẽ bằng và còn hơn thế nữa. Tại sao không?
Văn hóa doanh nghiệp, môi trường làm việc ở những công ty chưa được tốt hiện nay rồi cũng sẽ thay đổi nếu họ muốn thu hút và giữ nhân viên tốt. Họ cũng phải thay đổi để tốt hơn nếu họ muốn người tiêu dùng ủng hộ thay vì tẩy chay sản phẩm của công ty họ vì các hành vi kinh doanh kém đạo đức. Kinh tế mạnh lên, cơ hội cho các em sẽ nhiều hơn. Bây giờ các em còn trẻ, còn thiếu kinh nghiệm thì các em có ít lựa chọn. Khi các em giỏi rồi, các em rành việc rồi thì tình thế sẽ thay đổi. Khi đó các em sẽ có nhiều quyền chọn lựa công việc, lựa chọn doanh nghiệp để các em làm.
Vậy các em nên làm gì nếu các em du học sinh quyết định là về Việt Nam để làm việc và sống trên quê hương mình và các sĩ tử trong nước thì không phải về với ruộng lúa, nương dâu?
Đây chính là gút mắc. Thi vào trường học thì có trung tâm luyện thi giúp sức từ toán, lý, hóa, TOEFL, SAT nhưng thi vào trường đời thì lại không có ai giúp vì trường đời đa dạng quá nên không có trung tâm nào giúp luyện nổi. Phần lớn cha mẹ cũng đành chịu không giúp các em được.
Hiểu biết và kinh nghiệm của tôi giới hạn trong lĩnh vực quản trị kinh doanh nên chỉ chia sẻ được cho các em học cùng ngành vài điều cơ bản như sau. Các em đã đi làm rồi cũng có thể áp dụng cách tiếp cận này để xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp cho mình. Các em học ngành khác cũng có thể tham khảo.
Bước 1: Xác định một cách tương đối cụ thể về mục tiêu nghề nghiệp của mình ít nhất là trong 5-7 năm tới. Chẳng hạn, muốn trở thành trưởng nhóm hoặc giám đốc kế hoạch và phân tích tài chính trong một công ty sản xuất kinh doanh.
Bước 2: Tìm hiểu xem để trở đạt được mục tiêu đó thì trước mắt nên bắt đầu từ vị trí nào và vị trí đó đòi hỏi mình phải có kinh nghiệm hay kỹ năng gì hay phải qua lớp học gì. Ví dụ, vị trí bắt đầu sẽ là nhân viên phân tích tài chính và giả sử vị trí đó yêu cầu tốt nghiệp đại học ngành kinh tế hoặc tài chính càng tốt, có kinh nghiệm phân tích báo cáo tài chính, biết xây dựng kế hoạch tài chính.
Bước 3: Tìm lớp, tìm thầy, tìm bạn để học để bổ sung đúng những kiến thức, kỹ năng yêu cầu ở trên. Mấy món này trong trường đại học không dạy kỹ đâu, cơ bản thôi, cả bên Mỹ cũng vậy. Cái này phải tìm các “sư phụ” là những người đã từng làm ở công ty đa quốc gia để mà học nếu muốn tiến bộ nhanh và muốn có nó như là một bảo bối cần thiết cho nghề nghiệp sau này.
Bước 4: Chuẩn bị thật kỹ cho việc phỏng vấn hay thi tuyển để làm sao thuyết phục được người tuyển dụng rằng dù bạn chưa có kinh nghiệm nhưng bù lại bạn đã bổ sung những gì mà công việc cần và rằng bạn có thể làm tốt yêu cầu được giao chỉ với những hướng dẫn ban đầu cần thiết từ người quản lý. Nếu bạn học được bảo bối này thật vững thì tôi tin bạn có thể thuyết phục nhà tuyển dụng cho bạn cơ hội.
Cho nên nếu các em tìm cách trang bị thêm cho mình những kỹ năng chuyên môn có tính thực hành cao và thuộc loại bảo bối như ví dụ nói trên thì các em không những sẽ có thêm lợi thế khi xin việc mà còn có lợi thế để phát triển nghề nghiệp về sau. Các em trang bị đủ bảo bối thì các em sẽ tự tìm thấy hàng trăm, hàng ngàn cơ hội để cải thiện hiệu quả công việc trong các công ty, tha hồ mà dụng võ.
Khi bắt đầu đi làm, tôi chỉ mới tốt nghiệp đại học ở Việt Nam thôi. Sau nhiều năm đi làm rồi tôi mới đi Mỹ học. Tôi đi học vì muốn mở mang hiểu biết chứ tôi trưởng thành chủ yếu là nhờ học và nỗ lực làm trong trong những năm đầu đời. Hồi đó, tôi may mắn được làm cho một tập đoàn của Mỹ vào Việt Nam ngay sau khi Mỹ bỏ cấm vận. Tôi may mắn được những người lãnh đạo và cấp trên thời đó, như những người anh, tạo điều kiện để tôi được tự do làm việc, tự do sáng tạo. Trong thời gian học đại học, tôi học thêm 1 khóa Pascal và 1 khóa DBase lập trình tổng cộng khoảng 6 tháng coi đó là bảo bối xin việc. Sau khi xin vào công ty, chỉ với chút ít kiến thức lập trình cộng với kiến thức tài chính kế toán, tôi mày mò một mình trong vòng 3 tháng ở lại trong công ty luôn để viết phần mềm và chạy thử data sau khi mọi người về hết vì cả phòng chỉ có một máy tính để đánh máy văn bản là chính. Phần mềm hoàn thành bao gồm sổ cái cho đến các phân hệ chi tiết, cho đến giá thành, lãi lỗ,... để phòng tài chính của công ty sử dụng trong 2 năm trước khi công ty mẹ đem phần mềm bên Mỹ qua. Thời đó, viết phần mềm thay cho sổ sách bằng giấy là một bước đột phá trong nghề tài chính kế toán. Tôi nhớ ngày nghiệm thu, anh kế toán trưởng đề xuất ban tổng giám đốc thưởng liền cho tôi hai tháng lương. Nhưng quan trọng hơn là sau đó, công việc của tôi rẽ sang một trang mới. Tôi được đề bạt lên cấp quản lý, được cho đi nước ngoài học rất nhiều, rồi về làm, rồi lại được đề bạt.
Các em có thể chưa gặp được may mắn như thế nhưng rồi may mắn sẽ đến nếu các em nỗ lực để tạo ra sự lợi thế cho chính mình. May mắn kiểu như tôi có trên đây thì các em cũng có thể tạo ra được theo cách tôi đã nói ở trên hoặc cách khác phù hợp với các em.
Cuối cùng, các em hãy tìm nhiều thầy để học. Học chuyên môn và học cả giao tiếp, học cả ứng xử trong cuộc sống. Đừng giới hạn việc học ở trường đại học và trong công ty. Nếu gặp may, có cấp trên giỏi thì tốt. Nếu không may, gặp cấp trên không giỏi thì các em phải tìm “sư phụ” bên ngoài để mà học nếu không muốn bị đụng trần. Học bên ngoài rồi ứng dụng vào công ty thì tốt hơn là chỉ học những gì có trong công ty. Nếu công ty không có đất để dụng võ thì tìm nơi tốt hơn để làm.
Chúc các em thành công!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.