Học đại học để... thi lại

30/04/2008 14:17 GMT+7

Một ngày đầu tháng 4.2008, giảng đường khoa Khí tượng, thủy văn, hải dương học (gọi tắt là khoa Khí tượng) - ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ có gần 50 trong tổng số 100 SV. Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi mới biết: họ ở nhà ôn thi... đại học.

"Bến đỗ" tạm thời

Khoa Khí tượng trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2007 tuyển vào hơn 100 SV, trong đó nguyện vọng 2 là 70 SV. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong kỳ thi ĐH-CĐ năm nay, hơn 50% SV năm nhất của khoa đăng ký thi lại ĐH khác. T.A, SV năm nhất khoa Khí tượng, năm nay đăng ký thi trường ĐH Dược Hà Nội. Kỳ thi ĐH-CĐ 2007, T.A thi đỗ 2 trường là: ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và trường Cán bộ điều dưỡng Nam Định. Sau khi cân nhắc, T.A đã chọn học khoa Khí tượng trường ĐH Khoa học tự nhiên, vì "nghe trường ĐH thì hấp dẫn hơn là trường Điều dưỡng". Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Trần Tấn Tiến, Trưởng khoa Khí tượng, cho biết: "Việc những SV này thi lại là điều bình thường. Dù sao cũng đã có sẵn một chỗ rồi, có lẽ muốn đăng ký thi sang ngành khác để thử sức. Thực tế số SV thi lại đỗ ngành khác rất ít, đa số sẽ quay lại học ngành này".

Tương tự ở ngành Công nghệ thông tin của Viện ĐH Mở Hà Nội, có tới 20 - 25% SV năm nhất đăng ký thi lại vào các trường ĐH khác trong năm nay. L.N, SV ngành Công nghệ thông tin, đăng ký thi ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết: "Tôi học đỡ để có thêm kinh nghiệm sống, chứ không định theo học ngành này, năm nay tôi sẽ thi lại trường khác". Ở khoa Cơ điện trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội cũng có một tỷ lệ tương tự những SV năm nhất đăng ký thi lại ĐH năm 2008.

Gần như toàn bộ số SV thi lại trường khác đều là những SV đỗ nguyện vọng 2. Ngay từ đầu, những SV này đã tính đây chỉ là "bến đỗ" tạm thời để việc học đỡ bị gián đoạn và ít chán nản hơn so với việc dành cả một năm để ôn thi lại. Nhưng chính tâm lý đó khiến các SV học "cầm chừng", không cố gắng hết mình vì nghĩ rằng "đằng nào cũng thi trường khác". Đối với những SV thi lại may mắn đỗ vào trường mình thích thì sẽ chuyển trường. Còn số SV không đỗ sẽ quay về học trường cũ, tuy nhiên, họ sẽ rất vất vả để có thể bù lại được kết quả học năm đầu.

Đi đường vòng

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy không phải chỉ có những SV năm nhất mới bỏ trường đang học để thi lại trường khác. Một số SV năm 2, thậm chí năm 3 cũng có những lựa chọn tương tự. Câu chuyện về N.M.C, nguyên SV trường ĐH Y Hà Nội, là một trường hợp điển hình trong số đó. Năm 2003, C. đỗ vào ĐH Y Hà Nội - niềm mơ ước của rất nhiều thí sinh thi khối B. "Hồi đó tôi mong muốn được trở thành bác sĩ để giúp đỡ cho người nghèo" - M.C tâm sự. Năm thứ nhất, rồi năm 2, năm 3, C. dần nhận ra ngành Y không phải là đam mê mà chính lĩnh vực kinh tế mới là niềm khao khát của mình. C. đã từ bỏ trường Y dù có sự can ngăn, khuyên bảo, thậm chí chê cười của bạn bè. Hiện tại, C. đang chú tâm học tiếng Anh để đủ điều kiện dự thi vào ĐH RMIT. C. nói: "Cho dù không đỗ RMIT tôi cũng sẽ không quay lại học Y. Tôi đã lựa chọn, đã nhận ra con đường của mình, nên sẽ cố gắng hết sức để đạt được, không đi được đường thẳng thì tôi đi đường vòng. Tôi thích trở thành một doanh nhân thành đạt".

Cũng từng "rẽ cua" như M.C là Đ.Q.T, hiện là SV K50 - khoa Toán Tin ứng dụng, trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Năm 2003, T. đăng ký thi vào khoa Sinh trường ĐH Khoa học tự nhiên. Nhưng sau khi học được 4 tháng, T. cảm thấy ngành nghề này không hợp với mình nên chán nản và quyết định chuyển sang thi trường khác. Lần thi lại đó, T. chọn Học viện Tài chính Kế toán nhưng kết quả không được như ý. Sau lần ấy, T. càng quyết tâm để ôn thi lần nữa vào ĐH. Kỳ thi năm 2005, T. đỗ vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội với 27.5 điểm. Khi hỏi T. có thấy tiếc gì không? , T. trả lời: "Chỉ tiếc một năm ở nhà ôn thi thôi!".

Nguyễn Thị Thúy Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.