Học cùng robot

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
15/02/2018 10:00 GMT+7

Thời gian gần đây, robot NAO, một robot hiện đại đến từ Nhật Bản, đã được Tập đoàn giáo dục Hoa Kỳ (IAE) đưa vào một số trường tiểu học tại TP.HCM như Lê Lai, Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú), Nguyễn Huệ (Q.6)...

Đây là một robot có chiều cao 58 cm, biết nhận dạng giọng nói, hình ảnh cùng khả năng biểu cảm, sao chép hành vi con người và tự động kết nối internet. Hàng trăm cảm biến trong 4 khu vực cảm biến và 25 động cơ mô tơ điện giúp NAO dễ dàng thực hiện các cử động và di chuyển linh hoạt. Không chỉ tiếng Anh, robot này còn có khả năng nói 19 ngôn ngữ khác như Nhật, Hàn, Trung...
Tiến sĩ Trần Vũ Hùng, người lên ý tưởng để đưa NAO về Việt Nam, cho biết năm 2014, ông cùng con trai xem bộ phim Big Hero 6 của Disney. Nhân vật chính của phim, Baymax tốt bụng, đã khiến ông mơ về một chú robot trợ giảng có thể truyền cảm hứng học tập cho học sinh. Một năm sau, thấy robot NAO khi tham gia Robocup (giải vô địch thế giới dành cho robot), ông mới có thể hiện thực hóa giấc mơ của mình. “Dù chỉ cao có 58 cm thôi nhưng NAO di chuyển lanh lẹ, thông minh và đặc biệt là luôn “tự đứng dậy” khi vấp ngã là hình ảnh in sâu trong tâm trí tôi”, tiến sĩ Hùng cho biết.
Vào tiết học, robot NAO sẽ bước vào lớp, chào hỏi, giới thiệu bản thân. Sau đó, giới thiệu sơ về chủ đề bài học, cùng giáo viên thực hành kiến thức tiếng Anh khoa học với học sinh thông qua các trò chơi. NAO có thể nhảy (Chicken Dance, Gangnam Style) cùng học sinh, biểu diễn beatbox với micro và biểu diễn thái cực quyền. Hiện tại, chức năng chính của robot là giúp gây sự chú ý, tạo hứng thú cho học sinh trong việc học thông qua tương tác, làm trọng tài trong những hoạt động, cuộc thi nhỏ giữa học sinh trong lớp học; tạo ra một hình thức học tập tiếng Anh kiểu mới, nhiều cảm hứng, giúp học sinh học tiếng Anh và toán/khoa học bằng tiếng Anh một cách chủ động. Đinh Thế Vinh, lớp 3, Trường tiểu học Nguyễn Huệ (Q.6), hào hứng: “Bạn NAO vô cùng đáng yêu và vui tính. Con rất thích học tiếng Anh với bạn ấy và cũng muốn có bạn ấy ở nhà nữa”.
Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) cũng đã nhập robot này về để đưa vào hỗ trợ công tác giảng dạy. Thậm chí phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo (AlLab) của Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM đã bắt đầu mở lớp lập trình trí tuệ nhân tạo cho robot NAO dành cho học sinh trung học phổ thông tham gia.
Sản phẩm AI hỗ trợ giáo dục của người Việt
Văn Đinh Hồng Vũ (34 tuổi, TP.HCM, thạc sĩ giáo dục, Trường ĐH Stanford, Mỹ) đã ứng dụng AI để tạo ra ELSA. Đây là ứng dụng di động giúp người học ngoại ngữ luyện tập phát âm tiếng Anh theo giọng chuẩn Anh - Mỹ. ELSA giúp người học phát hiện chính xác lỗi phát âm tiếng Anh của mình và nhận được những hướng dẫn chi tiết cách để chỉnh khẩu hình miệng, lưỡi hoặc chỉnh lại cách nhấn âm để có thể phát âm và nói chuyện theo giọng Anh - Mỹ một cách chuẩn xác nhất bởi có công nghệ máy học sâu, ứng dụng, công nghệ nhận diện giọng nói tiên tiến nhất. Bên cạnh đó, người học cũng có thể nghe lại giọng của mình và so sánh sự khác biệt với giọng chuẩn để có thể tiếp tục luyện tập nhấn nhá ngữ điệu sao cho giống giọng của người bản xứ.
Với những học sinh không có khả năng di chuyển đến trường học, Công ty OhmniLabs của tiến sĩ Vũ Duy Thức cũng đang hướng tới việc sản xuất những phiên bản robot tí hon để làm người thay thế học sinh đến trường. “Mọi tương tác vẫn là của học sinh ấy với bạn bè. Ohmni hỗ trợ học sinh ấy trong việc di chuyển và hiện diện trực tuyến”, tiến sĩ Thức cho biết.
Trần Việt Hùng (37 tuổi, Nam Định), tiến sĩ ngành khoa học máy tính, Trường đại học Iowa (Mỹ), đã áp dụng rất nhiều công nghệ AI vào nền tảng GotIt!, giúp người dùng chia sẻ kiến thức theo yêu cầu. Mỗi khi người dùng có câu hỏi về bất cứ lĩnh vực nào thì gửi lên nền tảng của GotIt! và gần như lập tức người dùng sẽ được kết nối với một chuyên gia. Chuyên gia đó sẽ trò chuyện với người dùng và giúp người dùng tìm câu trả lời cho câu hỏi của mình trong tích tắc. Trong một số trường hợp, chatbox của GotIt! hoàn toàn có thể giúp người dùng mà không cần chuyên gia.
Xuân Phương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.