Học 4 năm, xét tuyển học bạ như thế nào ?

06/01/2015 04:00 GMT+7

Chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hóc Môn, TP.HCM) sáng 5.1 ngoài gần 2 giờ dưới sân trường còn phải kéo dài thêm một giờ tại các lớp học theo nguyện vọng của học sinh.

Chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hóc Môn, TP.HCM) sáng 5.1 ngoài gần 2 giờ dưới sân trường còn phải kéo dài thêm một giờ tại các lớp học theo nguyện vọng của học sinh.

 
Theo yêu cầu của học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hóc Môn, TP.HCM), các chuyên gia tiếp tục tư vấn ngay tại lớp học - Ảnh: Đào Ngọc ThạchTheo yêu cầu của học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hóc Môn, TP.HCM), các chuyên gia
tiếp tục tư vấn ngay tại lớp học - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chỉ xét điểm học kỳ lên lớp

Ngay đầu chương trình, học sinh (HS) Hồng Hạnh đặt ra tình huống: “Hầu hết các trường ĐH và CĐ khi xét tuyển theo đề án riêng đều căn cứ vào kết quả học bạ 3 năm THPT, riêng em học 4 năm do lưu ban sẽ xét như thế nào?”. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, giải đáp: “Các trường sẽ dùng điểm cơ bản của các học kỳ chính thức, tuy nhiên mỗi trường sẽ có quy định cụ thể trong đề án tuyển sinh riêng của mình”. Còn thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng, khẳng định ngay: “Trường ĐH Lạc Hồng chỉ xét kết quả của học kỳ chính thức mà thí sinh được lên lớp”.
Mở trang về tuyển sinh
Kể từ hôm nay (6.1), Thanh Niên mở trang thông tin Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ trên trang 10 các ngày thứ ba, năm, bảy hằng tuần. Ngoài những thông tin mới nhất liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ, trang này có Hộp thư tư vấn nhằm trả lời những băn khoăn của thí sinh về chuyện học hành, thi cử, chọn ngành học, nghề nghiệp trong tương lai.
Chúng tôi tin rằng những điều này sẽ giúp học sinh tự tin hơn trước một kỳ thi quan trọng.
Thanh Niên
HS Thanh Minh thắc mắc: “HS giỏi cấp thành phố có được cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển vào ĐH, CĐ?”. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ cho biết, theo dự thảo quy chế việc cộng điểm ưu tiên không thay đổi so với các năm trước. Theo đó, HS giỏi cấp quốc gia trở lên mới được xem xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển vào ĐH và CĐ. Còn HS giỏi cấp tỉnh, thành phố không được ưu tiên theo dự thảo quy chế.

Mở rộng vấn đề, thạc sĩ Hồ Viễn Phương lưu ý: “Điểm ưu tiên được sử dụng để xét tuyển học bạ THPT theo đề án tuyển sinh riêng, chỉ được tính sau khi HS đã đạt điểm điều kiện tối thiểu”. Thạc sĩ Phương ví dụ, HS Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hóc Môn) thuộc khu vực 2 nên được cộng 0,5 điểm ưu tiên khu vực. Tuy nhiên số điểm ưu tiên này chỉ được tính vào tổng điểm sau khi thí sinh đạt điểm xét tuyển tối thiểu vào ĐH là 6,0 và CĐ là 5,5.

Sau gần 2 tiếng tư vấn trực tiếp tại sân trường, theo đề nghị của HS, chuyên gia tiếp tục tới từng lớp học để trao đổi trực tiếp.

Tại lớp 12A2, thầy Châu Minh Quí, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, đã khảo sát việc đăng ký số lượng môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia. Kết quả, có khoảng 2/3 HS lớp này cho biết sẽ đăng ký dự thi 5 môn. Từ đó, thầy Quí chia sẻ: “Chỉ cần đăng ký 5 môn thí sinh có thể tham gia xét tuyển bằng 4 tổ hợp môn khác nhau. Tuy nhiên, các em cần cân nhắc kỹ lưỡng ở nguyện vọng đầu tiên”. Cũng tại lớp này, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ phân tích thêm: “ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến cho phép thí sinh trong một phiếu đăng ký xét tuyển được nộp vào các trường khác nhau của ĐH này, thay vì chỉ được nộp vào các ngành khác nhau trong cùng một trường như các trường khác”.

Ngành nào “ngon” hơn ?

Một HS đặt câu hỏi không dễ trả lời: “Công nghệ thực phẩm và điện tử viễn thông, ngành nào “ngon” hơn?”. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, tư vấn: “Không thể nói ngành nào “ngon” hơn ngành nào mà quan trọng là chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân. Vì vậy, các em nên vào chuyên mục trắc nghiệm nghề nghiệp trên Báo Thanh Niên để biết mình thực sự phù hợp với ngành nào. Trên cơ sở này, các em tiếp tục lựa chọn ngành và trường thi”.

Tiếp theo chủ đề này, HS Thành Hưng lớp 12A6 hỏi: “Muốn theo nghề bếp thì học trường nào và việc làm có ổn định không?”. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn định hướng, có thể nói hiện nay nghề bếp khá ổn định với thu nhập cao. Mức lương trung bình của một đầu bếp tốt nghiệp trung cấp khoảng 12 triệu đồng/tháng, nếu tốt nghiệp bậc CĐ có thể lên tới 25 triệu đồng/tháng. Ngành học này hiện được đào tạo ở nhiều trường, như Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist, CĐ Nghề du lịch Sài Gòn, Trung cấp Nghề du lịch và khách sạn Khôi Việt... Riêng bậc ĐH, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức này trong ngành kinh tế gia đình của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Dù mới chỉ học lớp 10 nhưng một HS đã lo xa: “Em muốn thi để làm bác sĩ, em phải làm gì ở thời điểm này để có thể theo đuổi ước mơ?”. Thạc sĩ Hồ Viễn Phương trao đổi: “Ở thời điểm này, việc em cần làm là tập trung học tập thật tốt và nên đầu tư nhiều hơn vào 3 môn toán, hóa, sinh - tổ hợp môn truyền thống của ngành này. Bên cạnh đó, em cần học tốt các môn để có thể tốt nghiệp THPT”.

“Dự thi ngành song ngữ Nga - Anh có cần phải biết tiếng Nga ngay từ đầu và tốt nghiệp sư phạm bậc ĐH sẽ dạy bậc nào?” cũng là câu hỏi nhiều HS quan tâm. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Khảo thí Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thông tin, ngành này thí sinh có thể chọn thi bằng tiếng Anh nếu chưa biết tiếng Nga ngay từ đầu. Tốt nghiệp ngành này, sinh viên sẽ nhận được bằng ĐH tiếng Nga và bằng CĐ tiếng Anh.

Trong khi đó, tư vấn cho sở thích học luật kinh tế, tiến sĩ Trần Phú Vinh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, cho hay trường này có ngành luật đào tạo 5 chuyên ngành, khi ra trường sinh viên được cấp bằng cử nhân luật với từng chuyên ngành cụ thể. Nếu thích lĩnh vực luật kinh tế có thể chọn học luật thương mại.    

Bắt đầu mở chuyên mục Hộp thư tư vấn 24/7

Bắt đầu từ hôm nay (6.1), Báo Thanh Niên sẽ mở chuyên mục Hộp thư tư vấn 24/7 tại địa chỉ tuvanmuathi@thanhnien.com.vn.

So với các năm trước, chuyên mục này năm nay được mở sớm hơn và kéo dài hơn. Thí sinh có bất kỳ thắc mắc nào từ ngành nghề đào tạo, quy chế, cơ hội việc làm, thông tin mới về tuyển sinh của các trường... đều có thể gửi câu hỏi về địa chỉ thư điện tử trên. Để đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy, mọi câu hỏi của thí sinh sẽ được chúng tôi chuyển tới chuyên gia tư vấn. Phần trả lời sẽ cập nhật liên tục trên Báo Thanh Niên điện tử tại địa chỉ www.thanhnien.com.vn. Riêng trên báo in, chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc theo từng vấn đề trên các số báo ra ngày thứ ba, năm, bảy ở trang 10.

* Em rất thích ngành học marketing nhưng không biết người làm công việc này cần có những tố chất gì? (Huỳnh Thị Mê Trân, lớp 12C5 Trường THPT Trí Đức, TP.HCM)

Thạc sĩ Trần Duy Can, chuyên viên đào tạo và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM: Người làm công việc marketing cần có khả năng tư duy, phân tích và sự năng động để có thể nghiên cứu được hành vi người tiêu dùng, định vị sản phẩm, phát triển kênh phân phối. Tuy nhiên, nếu bản thân em ít hoạt bát mà yêu thích công việc này, bù vào đó em cần phải có kiến thức toán học để phân tích dữ liệu, nghiên cứu thị trường và làm việc tại các công ty phát triển thị trường.

* Em có ý định thi vào Trường ĐH Sài Gòn, em muốn hỏi trường có thay đổi gì về ngành đào tạo trong năm tới không? Riêng ngành giáo dục mầm non, thí sinh dự thi có cần phải đẹp? (Hoàng Oanh, lớp 12C5 Trường THPT Trí Đức, TP.HCM)

Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn: Năm 2015 trường sẽ tuyển sinh thêm 2 ngành học mới là tâm lý học và quốc tế học. Về cơ bản, năm 2015 trường sẽ giữ nguyên tổ hợp xét tuyển theo các khối thi truyền thống như năm 2014. Riêng ngành giáo dục mầm non, do được phép tự chủ trong việc lựa chọn tổ hợp môn thi nên trường đã xác định lại tổ hợp môn xét tuyển vào ngành này. Cụ thể, trường sẽ bỏ môn toán, chỉ xét tuyển môn văn và tổ chức thi riêng 2 môn năng khiếu. Với ngành này thí sinh không cần đẹp, quan trọng là thể hiện được sự dạn dĩ và tươi trẻ trong phần thi năng khiếu.

Ngành kinh tế vận tải biển và logistics và vận tải đa phương tiện của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đào tạo kiến thức gì, các ngành này có hạn chế thí sinh nữ không? (Phạm Dương Bảo Ngọc, lớp 12C1 Trường THPT Trí Đức, TP.HCM)

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Chuyên ngành kinh tế vận tải biển thuộc ngành kinh tế vận tải, ngoài kiến thức chung về kinh tế ngành này còn đào tạo kiến thức chuyên sâu về kinh tế đường biển. Ngành logistics và vận tải đa phương tiện đào tạo kiến thức liên quan đến tổ chức điều phối để hàng hóa lưu thông liên tục. Giống với các ngành còn lại của trường, 2 ngành này đều không giới hạn thí sinh nữ dự thi.
Hân Trân
(ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.