Hiu hắt ngành học khối C

23/04/2015 05:00 GMT+7

Học xong ra trường khó xin việc hoặc có việc làm nhưng thu nhập không đủ sống là một trong những lý do khiến thí sinh ngày càng ái ngại đăng ký vào những ngành khoa học xã hội, đặc biệt là khối C .

Học xong ra trường khó xin việc hoặc có việc làm nhưng thu nhập không đủ sống là một trong những lý do khiến thí sinh ngày càng ái ngại đăng ký vào những ngành khoa học xã hội, đặc biệt là khối C

Thí sinh đăng ký dự thi ở một số ngành khoa học xã hội đang giảm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh đăng ký dự thi ở một số ngành khoa học xã hội đang giảm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhu cầu học giảm, việc làm ít
GS-TS Lê Văn Thuyết, Trưởng ban Đào tạo ĐH Huế, nhìn nhận: “Những ngành khoa học cơ bản, trong đó là khối C thuộc nhóm ngành xã hội nhân văn luôn gặp khó khăn khi tuyển sinh. Trong đó, nguyên nhân quan trọng là ra trường không có nhiều cơ hội việc làm như những ngành học khác. Các ngành như sử, địa, văn trước đây tốt nghiệp có thể đi dạy nếu có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, bây giờ Bộ GD-ĐT không cho phép nữa, nên các em phải tìm những công việc khác. Mà các viện nghiên cứu thì có hạn, thành phố cũng không có nhu cầu tuyển dụng nhiều, các em phải tỏa về địa phương làm việc ở các cơ quan cấp huyện, xã”. Giáo sư Thuyết cho biết, ngành báo chí, xã hội học thì cơ hội việc làm rộng mở hơn, nhưng đối với ngành triết học, đông phương học thì rất khó.
Trường ĐH Văn hóa TP.HCM có đào tạo một số ngành như văn hóa dân tộc thiểu số, bảo tàng học, là những ngành mà hằng năm chỉ có khoảng 20 sinh viên tốt nghiệp. Có năm ngành dân tộc thiểu số chỉ tuyển được vài thí sinh, ngành thư viện thì lượng thí sinh đăng ký ngày càng giảm.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho hay: “Các cơ quan nhà nước hiện nay biên chế hết sức khó khăn. Chẳng hạn hệ thống bảo tàng mới chỉ có đến cấp tỉnh chứ chưa đến huyện, xã, bảo tàng tư nhân thì mới đang manh nha. Một số em ra trường cũng cố gắng xin được việc đúng ngành, nhưng thu nhập thấp nên lại chuyển sang nghề khác”.
Trong những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM ngày càng giảm. Năm 2013 chỉ còn 10.700 thí sinh, năm 2014 còn 10.500 trong khi trước đó có năm lên tới khoảng 17.466 (năm 2008).
Theo PGS-TS Hà Minh Hồng, Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, những năm trước, có năm ngành sử tuyển được 200 sinh viên, nhưng đến năm 2014 chỉ còn khoảng hơn 100. “Nhu cầu tuyển dụng những ngành như văn, sử, triết rất ít.
Chẳng hạn ngành lịch sử có thể làm việc ở những nơi có tính chất nghiên cứu như Viện Khoa học xã hội VN. Khối công an, quân sự cũng cần, tuy nhiên chỉ tiêu cho cán bộ chuyên nghiên cứu thì hầu như không có”, tiến sĩ Hồng cho hay. Ngoài ra, mức thu nhập của một người đi làm ngành này 10 năm cũng chỉ bằng 1/2 của người mới tốt nghiệp nhiều ngành khác. Đó cũng là lý do khiến nhiều thí sinh vào học chỉ cốt có tấm bằng ĐH, sau đó đi làm việc ở các nghề khác.
Sẽ thiếu hụt nếu không có chính sách ưu đãi
PGS-TS Hà Minh Hồng lo ngại, nếu nhà nước không chăm lo thì đến một thời điểm nào đó, người đam mê học những ngành này sẽ không còn nữa, không có người học sẽ dẫn đến thiếu hụt nhân lực. “Có một nghịch lý là người được đào tạo bài bản về chuyên môn thì thiếu ngoại ngữ, người giỏi ngoại ngữ thì không quan tâm tới chuyên môn. Trong tương lai, những người học nhóm ngành này ở nước ngoài sẽ dần thay thế người học trong nước được đào tạo theo cách cũ”, ông Hồng chia sẻ. Từ đó, ông cho rằng cần thay đổi chương trình đào tạo. Đồng thời cần có sự hợp tác với nước ngoài ở một khâu nào đó, một giai đoạn nào đó, chẳng hạn 3 năm học sử, 1 năm học tiếng Anh...
Việc đổi tên gọi của một số ngành để phù hợp với giai đoạn hiện tại và thu hút thí sinh, cũng được thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng đề cập đến. Ông Tùng nói: “Khi nghe tên gọi của ngành như bảo tàng, văn hóa dân tộc thiểu số..., tâm lý chung của thí sinh là thấy không có gì hấp dẫn. Hiện nay khoa Bảo tàng trước đây đã được đổi thành Di sản văn hóa, nghe thời đại hơn, nhưng tên các ngành thì vẫn phải theo mã ngành của bộ”. Ông Tùng còn cho rằng nhà nước cần xem xét một số ngành mang tính đặc thù như văn hóa dân tộc thiểu số, bảo tàng... Nếu muốn bảo tồn thì phải đầu tư vào con người. Có thể giảm hoặc miễn học phí cho những sinh viên học ngành này giống như một số ngành học khác hiện nay.
Học xong làm trái ngành để có thu nhập
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết: “Nhu cầu nhân lực những ngành khoa học xã hội chiếm tỷ trọng không cao. Chỉ một số ngành như báo chí truyền thông, tâm lý, xã hội học... có phạm vi tuyển dụng rộng hơn. Các ngành thư viện, bảo tàng, lịch sử... gặp nhiều khó khăn, lương thấp, công việc đơn điệu. Đa số sinh viên học xong ra làm trái ngành để có thu nhập”.
Ông Tuấn cho rằng điều đáng ngại là người học lịch sử, bảo tàng, khảo cổ học, văn hóa... ngày càng thiếu hụt do chính sách thu hút người học chưa hấp dẫn. “Không phải lớp trẻ không đam mê những ngành học này, mà do việc làm còn mơ hồ, thu nhập khó khăn nên e ngại. Nhà nước cần có kế hoạch lâu dài trong chính sách đào tạo và tuyển dụng. Theo đó nên đặt hàng các trường đào tạo, cho sinh viên học miễn phí, tạo việc làm, tạo thu nhập”, ông Tuấn đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.