Hiệu trưởng Trường ĐH Huflit lên tiếng về nghi vấn bằng cấp

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
24/08/2018 07:46 GMT+7

Sau nhiều ngày im lặng, ngày 22.8, tiến sĩ Trần Quang Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM ( Huflit ), đã trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên về những nghi vấn xung quanh bằng cấp của mình.

Học thạc sĩ chương trình được Bộ GD-ĐT cấp phép !
Chương trình từng được do Bộ GD-ĐT cho phép
Chương trình đào tạo sau ĐH hợp tác giữa Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và SCUPS được thực hiện theo công văn ngày 29.9.1999 của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Lê Vũ Hùng ký cho phép chương trình thử nghiệm đào tạo trong lĩnh vực quản trị kinh doanh bậc sau ĐH.
Chương trình thực hiện theo giấy phép 2 năm 2000 và 2001, kết thúc vào năm 2003. Theo đó, chương trình được đào tạo tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Hải Phòng tổng cộng 184 học viên thạc sĩ và 8 tiến sĩ. Cùng lúc đó, chương trình đào tạo tại Trường Quản lý cán bộ, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (CBAM) tổng cộng 116 học viên thạc sĩ và 35 tiến sĩ.
Thưa ông, như trong bài viết trên Báo Thanh Niên, hiện có nhiều cán bộ, công nhân viên, giảng viên, sinh viên nghi ngờ về bằng cấp của ông. Ông có thể nói về các bằng cấp này?
Tôi là sinh viên ngành quản trị kinh thương tại Huflit từ năm 1995 - 1999. Sau đó, tôi được trường giữ lại để giảng dạy. Năm 2000, tôi đăng ký học thạc sĩ quản trị kinh doanh của Trường ĐH chuyên ngành Nam California của Mỹ (Southern California - SCUPS). Đây là chương trình liên kết được Bộ GD-ĐT cho phép giữa Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và SCUPS. Chương trình tuyển sinh được 3 khóa, kết thúc vào năm 2003.
Tôi học thạc sĩ hình thức tập trung chứ không phải trực tuyến. Địa điểm học là tại Trường Quản lý cán bộ, Phòng Thương mại -Công nghiệp VN (ban đầu viết tắt là CBAM, sau đó là VCCI). Chương trình học có các giáo sư, tiến sĩ ở Mỹ và VN giảng dạy. Cuối khóa, học viên làm luận văn mới được nhận bằng.
Sau khi học xong thạc sĩ, tôi học tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Trường Business School Lausanne (Thụy Sĩ) theo Chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ trẻ TP.HCM của UBND TP. Đây là trường được kiểm định bởi Tổ chức ACBSP và bằng cấp có giá trị công nhận quốc tế. Thời gian từ tháng 4.2004 - 2.2007, tôi học tiến sĩ tại Thụy Sĩ, lấy bằng xong mới trở về nước.
Sau khi trở về nước, theo quy định phân công công việc, UBND TP.HCM cử tôi về làm tại Trường ĐH Sài Gòn. Tôi làm trưởng khoa quản trị kinh doanh của trường này. Sau đó, năm 2015, Nhà giáo ưu tú Huỳnh Thế Cuộc mời tôi về Trường Huflit. Với 8/8 phiếu bầu của HĐQT, tôi trở thành hiệu trưởng nhà trường.
Liên quan đến Trường ĐH Nam California, trước đó đã từng có trường hợp không được Bộ GD-ĐT công nhận bằng cấp. Ông nghĩ thế nào về bằng thạc sĩ của mình cũng do trường này cấp?
Như đã nói, tôi học thạc sĩ trường này trong chương trình được Bộ GD-ĐT cho phép, học tập trung hoàn toàn và đảm bảo mọi quy định trong việc học. Tôi nghĩ bằng thạc sĩ của tôi hoàn toàn không có vấn đề gì về pháp lý.
Trường hợp không được Bộ GD-ĐT công nhận bằng mà anh nhắc đến liên quan đến bằng tiến sĩ học trong thời gian quá ngắn là 18 tháng chứ không phải là vì bằng thạc sĩ trước đó tại VN theo chương trình này.

Vả lại, khi trúng tuyển Chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ trẻ TP.HCM của UBND TP, rất nhiều cơ quan ban ngành như Sở GD-ĐT, Sở KH-CN, Sở Ngoại vụ xét tuyển hồ sơ của tôi và kiểm tra rất kỹ lưỡng. Trường Business School Lausanne (Thụy Sĩ) cũng phải xét duyệt bằng thạc sĩ của tôi. Nếu có vấn đề gì, tôi nghĩ đã có ý kiến từ thời điểm đó.
Hai lần làm thủ tục gửi Bộ GD-ĐT công nhận văn bằng
Đơn khiếu nại của một cán bộ trường gửi đến Báo Thanh Niên có cho biết HĐQT đã yêu cầu ông gửi hồ sơ lên Bộ GD-ĐT để công nhận văn bằng nhưng ông vẫn cố tình không thực hiện công việc này. Điều đó có đúng không?
Ngày 27.1.2016, HĐQT Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM đã có tờ trình gửi lên UBND TP và Sở GD-ĐT về việc công nhận tôi làm hiệu trưởng nhà trường nhiệm kỳ 2015 - 2020. Kèm theo đó, HĐQT cũng có văn bản kèm theo nói về việc công nhận văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp của tôi. Theo đó, tôi đã liên hệ Cục Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT (nay là Cục Quản lý chất lượng - PV), để thực hiện thủ tục công nhận văn bằng và cam kết gửi bổ sung.
Tuy nhiên, tôi không nắm được lý do gì đến nay chưa có văn bản công nhận của Cục Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục. Vì mới về trường, khối lượng công việc quá nhiều, lại có nhiều vấn đề phức tạp, áp lực lớn, tôi cũng không để ý việc này để hoàn tất. Vừa qua, sau khi HĐQT nhà trường có công văn yêu cầu tôi làm thủ tục công nhận văn bằng, tôi đã tiếp tục làm hồ sơ gửi ra Bộ GD-ĐT để hoàn tất thủ tục này.
Tôi xin khẳng định, đây là lần thứ 2 tôi làm thủ tục công nhận văn bằng chứ không phải đến lúc này mới thực hiện.
Trong một văn bản chúng tôi có được, vào năm 2002, lãnh đạo Trường Huflit có cử ông đi học tại Trường ĐH Barcelona (Tây Ban Nha). Nhưng sau đó ông lại học và lấy bằng tại Trường Business School Lausanne. Tại sao như vậy?
Đúng là ban đầu lãnh đạo nhà trường cử tôi học tại Trường ĐH Barcelona. Tuy nhiên, thời điểm này tôi cũng có ứng tuyển Chương trình học bổng 300 của UBND TP.HCM. Khi đang học tại Barcelona, tôi biết tin trúng tuyển Chương trình 300. Sau khi suy nghĩ, dựa trên ý nghĩa của học bổng là đào tạo cán bộ nguồn cho TP, muốn đóng góp cho TP và truyền thống gia đình, tôi quyết định nghỉ học tại Barcelona để chuyển sang Thụy Sĩ học.
Việc này thuần túy là lựa chọn. Không phải là chọn nhẹ tránh nặng. Tôi phải học ngay tại Thụy Sĩ và học hết sức để có bằng tiến sĩ.
Như vậy, theo ông những nghi ngờ trong dư luận về bằng cấp của ông hiện nay tại trường xuất phát từ lý do gì?
Theo tôi, những ồn ào này xuất phát từ một và một vài cá nhân, cũng như do sự phức tạp trong nội bộ của trường hiện nay thôi.
Thủ tục công nhận chưa hoàn tất vì có nhiều vấn đề phức tạp!
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết việc công nhận văn bằng này chưa thể hoàn tất vì có nhiều vấn đề phức tạp.
Theo ông Nghĩa, bằng thạc sĩ khó có thể được công nhận lý do là chương trình liên kết giữa Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và SCUPS chỉ thử nghiệm trong 3 khóa và không tiếp tục tuyển sinh. Về mặt đảm bảo chất lượng, khó công nhận văn bằng này.
Riêng bằng tiến sĩ của ông Trần Quang Nam học theo Chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ trẻ của UBND TP.HCM thì cần phải xác minh rõ hơn việc học như thế nào, trường này được kiểm định ra sao... Bộ GD-ĐT có thể phải gửi yêu cầu sang Trường Business School Lausanne để kiểm tra trước khi có ý kiến chính thức.
Theo quy định của luật Giáo dục ĐH năm 2012, điều lệ trường ĐH năm 2014, hiệu trưởng trường ĐH có bằng tốt nghiệp ở nước ngoài phải được cơ quan chức năng thuộc Bộ GD-ĐT công nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.