Hàng trăm ngàn giáo viên sẽ phải đào tạo lại từ năm 2020

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
10/01/2020 16:27 GMT+7

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo dự kiến sẽ áp dụng với gần 300.000 giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở toàn quốc.

 

Giáo viên được cấp kinh phí để đào tạo lại

Theo dự thảo, giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn gồm: giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, hoặc bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên.
Độ tuổi giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn: tính từ 1.7.2020, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên THCS trừ thời gian đào tạo theo quy định, phải còn đủ 5 năm công tác tính đến tuổi được nghỉ hưu phải thực hiện nâng trình độ chuẩn.
Dự thảo nghị định cũng đưa ra nguyên tắc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên.
Theo đó, thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên phải bảo đảm phù hợp với thực tiễn và điều kiện thực hiện của giáo viên, cơ sở giáo dục, địa phương và không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy.
Giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn sẽ được cơ quan quản lý, sử dụng tạo điều kiện về thời gian và được hỗ trợ, cấp kinh phí đào tạo theo quy định; được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục; được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật; được biểu dương, khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong học tập.
Dự thảo nghị định quy định về thời gian đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên. Theo đó, đào tạo trình độ cao đẳng sư phạm được thực hiện từ 1,5 năm đến 2 năm học đối với giáo viên có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo.
Đào tạo trình độ đại học sư phạm được thực hiện từ 2,5 năm đến 4 năm học đối với giáo viên có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo; từ 1,5 năm đến 2 năm học đối với giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng cùng ngành đào tạo.
Đối với giáo viên đào tạo theo hình thức học tập tích lũy tín chỉ thì thời gian đào tạo để đạt trình độ chuẩn theo quy định tối đa không quá 4 năm học, kể từ ngày trúng tuyển. 

Lộ trình thực hiện trong 10 năm

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục - Đào tạo), cho biết luật Giáo dục sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2020. Trong đó, có những quy định thay đổi lớn về chính sách với đội ngũ giáo viên. Trước đây, bậc mầm non chuẩn trình độ đào tạo chỉ là trung cấp, giờ được nâng lên trình độ cao đẳng.
Giáo viên tiểu học thì nâng chuẩn từ trung cấp lên đại học. Giáo viên cấp THCS từ cao đẳng lên đại học. Như vậy, tới đây, toàn bộ hệ thống giáo viên phổ thông sẽ có chuẩn tối thiểu là trình độ đại học, mầm non là cao đẳng.
Theo lộ trình và độ tuổi phải thực hiện nâng trình độ chuẩn theo phương án đề xuất của dự thảo nghị định thì tổng số giáo viên phải thực hiện việc này (tính đến 15.12.2019) là 257.506 người.
Trong đó, giáo viên mầm non là 89.607 người (công lập 40.158 người, ngoài công lập 49.449 người), giáo viên tiểu học là 116.846 người (công lập 114.972 người, ngoài công lập 1847 người), giáo viên THCS là 51.053 người (công lập 50.752 người, ngoài công lập 301 người).
Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên được thực hiện từ ngày 1.7.2020 đến hết ngày 31.12.2030.
Lộ trình được thực hiện thành 2 giai đoạn: từ 1.7.2020 đến hết ngày 31.12.2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp.
Từ 1.1.2026 đến hết 31.12.2030, thực hiện nâng chuẩn đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên của các cơ sở giáo dục đạt trình độ chuẩn theo quy định.
Cũng theo lộ trình, việc đào tạo bắt đầu thực hiện từ năm 2020 đến năm 2030 thì trung bình mỗi năm cả nước sẽ tuyển sinh để đào tạo 25.705 người (mầm non 8.960 người, tiểu học 11.684 người, THCS 5.105 người). Trung bình mỗi tỉnh/thành phố 1 năm sẽ có khoảng 408 giáo viên được cử đi đào tạo (mầm non 142 người, tiểu học 185 người, THCS 81 người).
Theo cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, tính đến tháng 12.2019, toàn quốc có hơn 1 triệu giáo viên mầm non, phổ thông (công lập 912.996, ngoài công lập 108.851).
Trong đó, có 354.955 giáo viên mầm non (công lập 256.543, ngoài công lập 85.403); tiểu học có 380.987 giáo viên (công lập 374.289, ngoài công lập 6.698); THCS có 285.905 giáo viên (công lập 282.164, ngoài công lập 3741).
Đối với các cơ sở giáo dục công lập, tỷ lệ giáo viên mầm non có trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm trở lên là 73%, trung cấp 26,6%; giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo từ đại học trở lên là 64,26%, cao đẳng là 28,5%, trung cấp là 7,24%; giáo viên THCS có trình độ đào tạo từ đại học trở lên là 78,45%, cao đẳng là 21,55%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.