Hai anh em và phần mềm trí tuệ Việt

Bích Thanh
Bích Thanh
20/01/2020 14:54 GMT+7

Phần mềm trí tuệ nhân tạo IVY của 2 anh em Trần Đặng Minh Trí và Trần Đặng Đình Áng, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) đang được ngành y khoa các nước ứng dụng trong chuyên khoa thụ tinh nhân tạo.

Trên trang cá nhân của mình, Trần Đặng Minh Trí (33 tuổi) từng chia sẻ: “Tôi thích thiết kế website nhưng lại học tài chính, rồi làm quản lý y tế. Em trai tôi Trần Đặng Đình Áng, thích lập trình, nhưng lại học y. Bây giờ hai anh em mang kiến thức mảng đồ thị tin học được ba dạy hồi bé ra để nghiên cứu y khoa...”.
Và đó chính là bước khởi đầu tạo nên sản phẩm trí tuệ nhân tạo của 2 anh em. Với phát minh khoa học này, bác sĩ chuyên khoa thụ tinh nhân tạo sử dụng để đánh giá, chấm điểm khả năng các phôi có thể cho ra em bé với độ chính xác hơn 93%.
Nói về phát minh, Đình Áng (25 tuổi) cho hay: “Phần mềm này được thực hiện bằng cách thiết kế mô hình của một bộ nơ ron thần kinh (Neuron network) để cho một siêu máy tính tự học (Machine learning) từ việc quan sát video của hơn 10.000 các phôi thụ tinh thành công. Bộ nơ ron thần kinh này sau khi học xong có khả năng chẩn đoán và chấm điểm các phôi chính xác, chúng trợ giúp các bác sĩ và nhà nghiên cứu phôi học ra quyết định nhanh chóng trong việc chọn phôi”.
Bằng phát minh phần mềm có thể đưa ra tỷ lệ chính xác cao đang được sử dụng trong y khoa, hai anh em sáng lập Công ty Harrison.AI và được mời đọc báo cáo tại Hội nghị Y học sinh sản thế giới - ASRM (American Society Reproductive Medicine) tại Mỹ năm 2018, đăng trên tạp chí Human Reproduction của Oxford (Vương quốc Anh), được công nhận đưa vào sử dụng tại Hội nghị ESHRE (European Societive Health Reproduction Exhibition) châu Âu từ năm 2019.
Theo Minh Trí, cơ duyên dẫn đến việc hai anh em thực hiện công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng thực tiễn được nuôi dưỡng từ những ngày còn bé. Những năm 1995, khi đang là học sinh tiểu học, Trí và Áng thấy ba mình cùng học sinh tự nghiên cứu dùng ngôn ngữ Prolog của trí tuệ nhân tạo để xếp thời khóa biểu. Khi sang Úc du học, do đam mê ngành trí tuệ nhân tạo, hai anh em tự học và tự ráp siêu máy tính đầu tiên của riêng mình để nghiên cứu và lập Công ty Harrison.AI ngay tại phòng học. Đến năm 2018, học y khoa năm cuối, Đình Áng có cơ hội tiếp xúc với ngành thụ tinh nhân tạo và có sáng kiến chế tạo phần mềm IVY để giải quyết, hỗ trợ cho các chuyên gia khi sự đánh giá phôi mới đạt độ chính xác khoảng 65%.
Chia sẻ về việc chọn nghề, chọn đam mê và sáng tạo, khởi nghiệp, Áng tâm sự trước những lựa chọn hãy luôn tự hỏi mình, lắng nghe tiếng nói của con tim và theo đuổi những ước mơ của chính mình. Trong cuộc sống chúng ta luôn có thể tự quyết định và thay đổi các lựa chọn. Không điều gì có thể khiến chúng ta phải lựa chọn một lần cho mãi mãi. Hạnh phúc không phải chỉ ở đích đến mà luôn ở trên đường đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.