Hà Nội: Trường THCS Thanh Xuân thu 'khoản khác' gấp chục lần học phí vô căn cứ

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
12/11/2018 12:16 GMT+7

Chưa có quyết định là trường chất lượng cao, vẫn được ngân sách nhà nước cấp kinh phí như một trường công lập bình thường nhưng Trường THCS Thanh Xuân vẫn thu một lúc hai loại “học phí” mà không dựa trên căn cứ pháp lý nào.

Hai loại “học phí”
Ngày 8.10, học sinh Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được giáo viên chủ nhiệm phát tờ thông báo để mang về cho bố mẹ với nội dung các khoản thu lên tới 8,298 triệu đồng, truy thu từ tháng 8 tới tháng 11.2018.
Trong đó, mỗi tháng đều có 2 loại học phí, gồm học phí theo quy định của thành phố là 155.000 đồng/tháng và học phí theo hệ chất lượng cao là 1,958 triệu đồng/tháng. Riêng tháng 8 vì chưa chính thức vào năm học mới nên chỉ thu học phí nửa  tháng của hệ chất lượng cao là 979.000 đồng…
Mức tiền học phí với chương trình chất lượng cao tăng từ 1,5 triệu đồng/tháng năm học trước lên 1,958 triệu đồng/tháng. Nhận được thông báo, nhiều phụ huynh xôn xao bởi hàng loạt câu hỏi, nhà trường đã được công nhận là trường chất lượng cao hay chưa mà thu “học phí” hệ chất lương cao? Nếu có thì được công nhận từ khi nào mà lại truy thu học phí chất lượng cao từ tháng 8 đến nay… Hơn nữa, tại sao lại song song tồn tại 2 loại “học phí” trong cùng một nhà trường và áp vào tất cả học sinh như vậy?
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, bà Ngô Diệp Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân, cũng thừa nhận đến thời điểm này nhà trường chưa có quyết định công nhận là "trường chất lượng cao", khoản thu như trên chỉ áp dụng trong lúc chờ có quyết định.
Tuy nhiên, bà Lan đưa ra căn cứ để thu gần 8,3 triệu đồng từ tháng 8 đến tháng 11 là dựa trên văn bản thỏa thuận với phụ huynh học sinh và văn bản của UBND Quận Thanh Xuân do Phó chủ tịch UBND quận, bà Lê Mai Trang ký, thống nhất về các khoản thu năm học 2018 - 2019 của Trường THCS Thanh Xuân.
Về 2 mức học phí, bà Lan cho rằng, thực chất là một khoản là học phí theo quy định của thành phố, còn 1,958 triệu đồng là một “khoản thu” cho chương trình chất lượng cao, gồm: chương trình nâng cao, tăng cường kỹ năng sống, câu lạc bộ năng khiếu với mức thu 1,158 triệu đồng/tháng/học sinh; mô hình liên kết toán tiếng Anh là 400.000 đồng/tháng/học sinh, tiếng Anh bản ngữ là 400.00 đồng/tháng/học sinh.
Điều đáng nói là trong thông báo tuyển sinh năm học mới, Trường THCS Thanh Xuân cũng không hề thông tin về dự kiến thu chi mà nội dung này chỉ được đưa ra vào cuộc họp phụ huynh học sinh ngày 15.9, nghĩa là sau ngày tựu trường tròn 1 tháng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên về việc tại sao không thông báo về học phí trước khi tuyển sinh theo nguyên tắc công khai đã được quy định, bà Lan cho rằng, do trường không tuyển sinh trực tuyến nên khi phụ huynh học sinh đến trường nộp hồ sơ, nhân viên nhà trường có… nói về nội dung này(?).
UBND quận Thanh Xuân "thống nhất" cho trường THCS Thanh Xuân thu 2 loại "học phí"? ẢNH T.N
UBND quận cho phép thu theo cơ sở pháp lý nào?
Viện dẫn thỏa thuận với phụ huynh học sinh và văn bản đồng thuận của UBND  quận, nhưng bà Lan không trả lời được căn cứ pháp lý nào để nhà trường đề xuất những khoản thu như vậy để yêu cầu phụ huynh ký vào biên bản thỏa thuận và trình lên UBND quận phê duyệt, ngoài Đề án xây dựng Trường THCS Thanh Xuân theo mô hình trường chất lượng cao.
Bà Lan nhiều lần nhắc tới việc các khoản thu lên tới 1,958 triệu đồng là “thu theo đề án” và cho hay khi có quyết định trường chất lượng cao thì sẽ chỉ còn một mức học phí.
Tuy nhiên, đề án xây dựng trường không thể coi là căn cứ pháp lý để đưa ra các khoản thu khi nó chưa được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền. Đề án đăng tải trên website của nhà trường có nêu trường sẽ thực hiện tiếp thục thí điểm mô hình trường chất lượng cao trong năm học 2018 - 2019, đồng thời đưa ra cơ chế tài chính thực hiện trong 3 năm thực hiện thí điểm, từ năm học 2017 - 2018 đến năm 2020 - 2021.
Mặc dù vậy, việc cho phép thí điểm hay công nhận trường chất lượng cao không phải là quyền hạn của UBND quận/huyện, càng không phải nhà trường tự xây dựng đề án và cho phép mình thí điểm, miễn là phụ huynh đồng thuận.
Điều 4, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2.10.2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí tại các cơ sở giáo dục quốc dân, quy định: "Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chất lượng cao chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo, trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và thực hiện quy chế công khai do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định".
Như vậy, về nguyên tắc, khi chưa được công nhận là trường chất lượng cao, chưa có quyết định về việc thí điểm trường chất lượng cao của cấp có thẩm quyền, thì Trường THCS Thanh Xuân vẫn chỉ là một trường công lập bình thường.
Điều này đã thể hiện rất rõ khi trường vẫn áp dụng mức thu học phí là 155.000 đồng/học sinh/tháng theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt với trường THCS công lập và trường vẫn được ngân sách thành phố cấp đầy đủ như bất kỳ trường THCS công lập nào trên địa bàn. 
Còn “khoản thu” ngoài học phí lên tới 1,5 triệu của năm học trước và gần 2 triệu đồng/học sinh/tháng của năm học này mà trường đã và đang thu của phụ huynh là khoản thu không có quy định nào cho phép.
Trên thực tế, các trường công lập của Hà Nội cũng không chỉ thu học phí mà được phép thu những khoản thu khác ngoài học phí trên cơ sở thỏa thuận với phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, UBND thành phố và Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội có những văn bản quy định rất rõ về các khoản thu này. Việc thu tiền triệu cho “chương trình chất lượng cao” là nội dung không hề được nhắc tới trong bất cứ văn bản nào với trường chưa phải là trường chất lượng cao.
Điều đáng nói, dù chưa được công nhận là trường chất lượng cao nhưng văn bản ký ngày 6.11.2018, thống nhất các khoản thu năm học 2018 - 2019 của Trường THCS Thanh Xuân thì UBND quận Thanh Xuân lại viện dẫn quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao của HĐND thanh phố Hà Nội.
Ngoài ra, văn bản này còn căn cứ vào những văn bản rất thiếu thuyết phục khác như công văn của UBND thành phố Hà Nội về tổ chức kiểm tra, thẩm định đề án, chương trình giảng dạy đối với cơ sở giáo dục đăng ký mô hình chất lượng cao; đề nghị của hiệu trưởng…
Như vậy, ở Trường THCS Thanh Xuân, từ năm học đầu tiên thành lập cho đến nay, phụ huynh đã ký thoả thuận cho một nội dung nhà trường đề xuất; còn UBND quận Thanh Xuân thì ban hành một văn bản đồng ý cho phép thu không dựa trên một căn cứ pháp lý nào. Tuy nhiên, nhà trường thì chỉ bám vào 2 văn bản đó để nói rằng mình đã thu đúng trước phụ huynh và phương tiện truyền thông. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.