GS Vũ Hà Văn: Mong ước gây dựng lớp nhà khoa học trẻ dám khát vọng

Quý Hiên
Quý Hiên
23/08/2019 15:57 GMT+7

Dám có khát vọng, dám theo đuổi khát vọng là kỳ vọng của GS Vũ Hà Văn với thế hệ nhà khoa học trẻ. Đó cũng chính là mục đích hướng tới của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup GS Văn đang điều hành.

Sau sự kiện Quỹ Đổi mới sáng tạo của Vingroup (VINIF) ký kết tài trợ 124 tỉ đồng cho 20 dự án khoa học, GS Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học của Quỹ, đã dành cho Thanh Niên cuộc trò chuyện liên quan tới hoạt động của Quỹ cũng như mong muốn của chính ông.
GS Vũ Hà Văn nói: "Hiện nay, chúng ta có nhiều quỹ tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, nhưng cái khác biệt tôi muốn tạo ra khi vận hành Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) là một phong cách mới trong nghiên cứu khoa học, hướng đến gây dựng một thế hệ nhà khoa học trẻ dám làm những điều lớn lao, dám khát vọng và dám theo đuổi khát vọng. Họ không còn phải luẩn quẩn với những đề tài “chắc ăn”, nghĩa là viết được bài để nghiệm thu được, mà có thể dám làm những điều họ ước mơ".
GS-Vu-Ha-Van-nguoi-tre-dam-khat-vong

GS Vũ Hà Văn chia sẻ vềquá trình xét tài trợ của Ban Điều hành Quỹ VINIF

Ảnh Đỗ Duy Tùng

Tài trợ cho khoa học thì phải dám mạo hiểm

Nhưng liệu đó có phải là một mong muốn đầy phiêu lưu không, thưa giáo sư?
Chúng ta cần phải xác định rằng không phải bất kỳ nghiên cứu nào cũng thành công, không phải bất kỳ nghiên cứu thành công nào cũng tạo ra sản phẩm, và không phải bất kỳ sản phẩm nào cũng thương mại hóa được. Cho nên, đầu tư nghiên cứu khoa học là đầu tư rủi ro nhưng với giá trị thặng dư lớn. Vì trong 1.000 ý tưởng, chỉ cần 1 thành công là có thể dẫn đến một Google mới.
Và tất nhiên, trong quá trình thành công của Google thì đã có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn start-up tương tự phá sản. Đó là tư duy ta cần có khi ta đầu tư vào khoa học công nghệ.
Vậy thì hoạt động tài trợ này của VINIF là một đầu tư có tính rủi ro cao?
Đúng! Đây là một đầu tư mạo hiểm. Nếu có dự án nào đó không thành công thì khoản tài trợ cho dự án là một khoản đầu tư không thành công. Nhưng chúng tôi chấp nhận đánh cược vào tình yêu khoa học và lòng tự trọng của các chủ nhiệm đề tài mà chúng tôi đã lựa chọn; cung cấp tài chính, vật lực tốt nhất cho họ, không đòi hỏi bất kỳ lợi nhuận nào ở đầu ra, để họ làm ra được sản phẩm khoa học tốt.
Nhưng mặt khác, nhiệm vụ của ban điều hành quỹ là làm sao hạn chế tối đa rủi ro. Chúng tôi cố gắng tìm phương pháp lựa chọn tối ưu, để khả năng thành công của những người được lựa chọn là cao nhất có thể. Cụ thể là chúng tôi đã có một quá trình xét duyệt rất kỹ, gồm 3 vòng. Vòng 1 là do các nhà khoa học trong nước thực hiện, vòng 2 do các nhà khoa học nước ngoài, vòng 3 là phỏng vấn trực tiếp các chủ nhiệm dự án.
Thông qua 2 vòng đầu, ban điều hành quỹ chọn được những ứng viên mà chắc chắn là có khả năng nghiên cứu khoa học tốt. Vòng phỏng vấn trực tiếp giúp ban điều hành có thêm cơ sở để tin tưởng về ý định, về quyết tâm mãnh liệt theo đuổi ước mơ của họ. Khi xét duyệt đề tài, ngay cả ở Mỹ, người ta cũng không cần phải làm đến 3 vòng, và cũng không cần phỏng vấn trực tiếp. Bản thân tôi, người từng chủ trì nhiều dự án, cũng chưa bao giờ phải trực tiếp dự các cuộc phỏng vấn để bảo vệ dự án của mình.
Cả ba vòng xét duyệt trên được tiến hành tuần tự trong thời gian 3 tháng. Hạn nộp đề tài là 31.3 và đến 15.7 chúng tôi đã gửi kết quả xuống các nhà khoa học. Để có được một quá trình xét duyệt nhanh đến như vậy, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn sự tham gia rất tích cực và chuyên nghiệp của đông đảo nhà khoa học trong và ngoài nước, với rất nhiều quốc tịch khác nhau.

Tạo kho dữ liệu để cộng đồng khoa học sử dụng miễn phí

Được biết, một trong những yêu cầu để nghiệm thu sản phẩm là các nhà khoa học phải có bài đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín ở mức Q1 (mức cao nhất), trong khi hình như có một số chủ nhiệm đề tài đã được chọn chưa từng có công trình được công bố ở tạp chí đẳng cấp tương tự. Giáo sư có cho rằng các nhà khoa học ấy quá tự tin để bước vào “cuộc chơi” này không?
Tôi không nghĩ việc có bài được đăng ở tạp chí Q1 là quá khó đối với những người làm khoa học một cách nghiêm túc. Nên chúng tôi cũng chỉ xem Q1 là một trong vài ba yêu cầu, chứ không phải yêu cầu duy nhất. Một điều mà chúng tôi đánh giá cao ở đích đến của khá nhiều đề tài là chúng sẽ tạo nên một cơ sở dữ liệu lớn và đáng tin cậy nếu được hoàn thành. Việc lập các ứng dụng trên cơ sở dữ liệu lớn hiện nay là xu hướng của toàn thế giới.
Nhưng khó khăn ở Việt Nam hiện nay là cơ sở dữ liệu đáng tin cậy rất ít, hầu như không có để mà ứng dụng. Vì thế, rất nhiều đề tài của Quỹ đều hướng tới một trong những mục tiêu là xây dựng cơ sở dữ liệu sạch, tức là dữ liệu có thể tin cậy được. Quỹ giao hẹn với các nhà nghiên cứu là các hệ cơ sở dữ liệu này khi đã được tạo ra thì sẽ được công khai đề toàn cộng đồng khoa học có thể sử dụng.
Ví dụ, khi một nhà khoa học của Viện Quân y 108 tạo ra được cơ sở dữ liệu về viêm gan B thì sẽ có rất nhiều bác sĩ trên cả nước, thậm chí của thế giới, cũng có thể sử dụng. Trong con mắt chúng tôi, việc hoàn thành được cơ sở dữ liệu tốt còn quan trọng hơn bài báo vì tính chia sẻ của nó rất cao và lợi ích mang lại cho cộng đồng cũng hơn hẳn.

Giúp người trẻ thực hiện hoài bão

Trong phần trình bày rất ngắn gọn của mình tại lễ ký kết tài trợ của Quỹ với 20 nhà khoa học chủ nhiệm đề tài được lựa chọn, giáo sư tỏ ra rất hào hứng và nhấn mạnh rằng sẽ có nhiều nghiên cứu sinh tham gia thực hiện các đề tài này. Có vẻ như giáo sư đặc biệt quan tâm tới đào tạo?
Hiển nhiên là tôi rất quan tâm, vì tương lai của chúng ta phụ thuộc vào các bạn trẻ. Để khoa học Việt Nam phát triển, không có cách gì khác là đào tạo được lớp trí thức mới mà họ năng động, dám làm những cái mà thế hệ của tôi, thế hệ kế cận tôi chưa dám làm, hay chưa có điều kiện làm.
Có 2 cách để tạo ra lớp trí thức mới này: giúp các bạn trẻ được đào tạo sau đại học ở nước ngoài, hoặc hỗ trợ để các nhà khoa học có điều kiện đào tạo với chất lượng cao ngay ở trong nước. Tôi không phân biệt là gửi ra nước ngoài thì tốt hơn ở trong nước, hoặc cũng không sợ là gửi ra nước ngoài thì họ không về nữa, như chảy máu chất xám. Cho nên, Quỹ đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ cho đào tạo, không chỉ thông qua chương trình mà chúng ta đang nói tới, để các bạn trẻ có khả năng được lựa chọn hình thức phù hợp nhất, giúp họ phát triển cá nhân được mức tốt nhất.
Theo quan sát của phóng viên Báo Thanh Niên, các chủ nhiệm đề tài được chọn để tài trợ hầu hết đều còn trẻ. Điều này là vô tình hay có chủ ý?
Chúng tôi chưa thống kê, nhưng chắc chắn một điều là hầu hết mọi người đều trẻ hơn tôi. Chúng tôi cũng không đặt ra yêu cầu cụ thể lứa tuổi phải là bao nhiêu. Thực tế thì chủ nhiệm những đề tài xuất sắc nhất là những người còn tương đối trẻ. Điều này phù hợp với quy luật tự nhiên, vì khi còn trẻ thì không những họ có nhiều hoài bão mà còn có đủ năng lượng, thời gian và sức khoẻ để thực hiện chúng.
Chỉ tiếc là chúng tôi không chọn được nhiều đề tài hơn. Trong hoàn cảnh hiện tại, nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế, có hoài bão, có kinh nghiệm nghiên cứu ở Việt Nam rất ít. Ngay cả việc tìm nghiên cứu viên cho Viện Big Data của chúng tôi cũng không phải dễ dàng.
Giáo sư có e ngại rằng trong đợt xét tài trợ đề tài đầu tiên này, Quỹ đã “vét” hết nhân tài, nên đợt sau không còn người để xét?
Tôi không nghĩ như vậy. Như năm nay chẳng hạn, ngoài 20 đề tài được xét thì có một số đề tài tôi nghĩ lẽ ra có thể viết tốt hơn, nếu có thêm thời gian để các tác giả đề tài đó suy nghĩ được thấu đáo. Hơn nữa, có thể đây là năm đầu tiên Quỹ chính thức hoạt động nên có nhiều nhà khoa học còn hoài nghi, chưa tin tưởng nên chưa tham gia.
Trong các đề tài hiện tại, đã có khá nhiều nhà khoa học Việt kiều tham gia, con số này trong tương lai có thể cao hơn nữa. Hy vọng rằng ngọn lửa mới nhóm lên hôm nay, sẽ bùng lên mạnh mẽ hơn, lan toả hơn trong tương lai.
Xin cảm ơn giáo sư!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.