GS Vũ Hà Văn: Cần xem làm tiến sĩ như một 'nghề' được trả lương

Quý Hiên
Quý Hiên
16/12/2019 21:03 GMT+7

GS Vũ Hà Văn kể, làm tiến sĩ ở Mỹ được trả lương, đã giúp người học yên tâm, không phải lo lắng mưu sinh như các bạn trẻ học tiến sĩ ở Việt Nam.

Hôm nay, 16.12, tại Hà Nội, Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF do GS Vũ Hà Văn là Giám đốc khoa học, đã tổ chức lễ trao học bổng cho 160 học viên, nghiên cứu sinh xuất sắc của nhiều trường đại học trong nước. Các học viên, nghiên cứu sinh này hiện đang học tập, nghiên cứu trong các lĩnh vực toán học, vật lý, hóa học, công nghệ sinh học, y dược, khoa học máy tính, dữ liệu, công nghệ mô phỏng, tài nguyên môi trường, công nghệ thực phẩm, tự động hóa…

Làm tiến sĩ ở Việt Nam đang 'khác người'

Mỗi suất học bổng là 120 triệu đồng/năm học với học viên học thạc sĩ, 150 triệu đồng/năm với nghiên cứu sinh. Tổng giá trị học bổng đợt xét năm 2019 này là 23 tỉ đồng. Chương trình nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước một cách bài bản, hệ thống và bền vững.
Tại buổi lể, GS Vũ Hà Văn chúc mừng các bạn trẻ vừa được nhận học bổng, đồng thời chia sẻ vài kỷ niệm vui hồi ông làm tiến sĩ ở Đại học Yale danh tiếng của Mỹ (nơi ông đang làm giáo sư) cách đây 25 năm.
GS Vũ Hà Văn cho biết, ở Mỹ, làm tiến sĩ được xem là làm một “nghề”, có vị trí trong trường đại họcđược trả lương. Dù lương tiến sĩ thì rất thấp, chỉ đủ tiền thuê một căn nhà trọ tồi tàn (ở chung cùng nhiều người). Buổi nào mà khoa có sự kiện gì đó, người trong khoa (bao gồm nghiên cứu sinh) được “chiêu đãi pizza miễn phí là đã đủ khiến cho các nghiên cứu sinh thấy hoan hỉ. “Nhưng ít nhất việc đó (việc làm tiến sĩ - PV) được trả tiền, đủ cho nghiên cứu sinh sống và dồn hết thời gian phục vụ cho việc học tập”, GS Văn nói.
Theo GS Văn, không chỉ ở Mỹ mà nói chung ở các nước, làm tiến sĩ là được trả lương, và người học dành toàn thời gian cho việc học tập, nghiên cứu. Trong khi đó Việt Nam thì lại “khác người”, việc làm tiến sĩ chỉ chiếm một phần nhỏ thời gian của nghiên cứu sinh, còn phần lớn thời gian nghiên cứu sinh phải làm việc khác lo nuôi sống bản thân và gia đình. Với cách khác lạ đó mà dĩ nhiên hoạt động nghiên cứu của nghiên cứu sinh không thể đạt kết quả như kỳ vọng.
Vì thế, dù nhu cầu đào tạo sau đại học ở Việt Nam với lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ rất lớn, nhưng các trường rất khó khăn trong việc tìm người giỏi để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Ngay cả Trường đại học Bách khoa Hà Nội, một cơ sở đào tạo khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước, cũng rất chật vật trong việc tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ. Chính vì vậy, GS Vũ Hà Văn đã đề xuất lãnh đạo tập đoàn Vingroup thành lập chương trình học bổng tài trợ 1 triệu đô la Mỹ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nằm trong Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF.

Mong các nhà làm chính sách “hào phóng” hơn

Tại buổi lễ, PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội, một đơn vị đào tạo có nhiều học viên, nghiên cứu sinh được hưởng học bổng ngay từ đợt xét đầu tiên, cũng chia sẻ về khát vọng giáo dục đại học của Việt Nam có mặt trên bản đồ đại học thế giới. Muốn được như thế, ít nhất đội ngũ giảng viên đại học của ta phải được chuẩn hóa, trong khi đó hiện nay tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ mới chỉ 27%.
Bên cạnh nhu cầu đào tạo giảng viên để chuẩn hóa rất lớn ấy là nhu cầu của xã hội, của các doanh nghiệp, về việc đào tạo một lực lượng lớn nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia… những người học tiến sĩ không phải chỉ để có bằng tiến sĩ, mà là để trở thành những người thực sự có năng lực sáng tạo, tạo ra được sản phẩm mới/dịch vụ mới.
Mặt khác, hiện chúng ta có nhiều bạn trẻ ham mê nghiên cứu khoa học, nhưng lại không có điều kiện. Một số trường, như Bách khoa Hà Nội chẳng hạn, cũng chỉ mới hỗ trợ các học viên, nghiên cứu sinh khoản đóng học phí. Nên việc VinIF cấp khoản học bổng lớn như đang thực hiện, giúp các bạn trẻ đủ để tạm gác nỗi lo mưu sinh mà yên tâm nghiên cứu, sáng tạo, là một hoạt động rất ý nghĩa.
“Các thầy trường tôi kể lại, nhờ có học bổng của VinIF mà giờ các bạn học viên thạc sĩ, nghiên cứu sinh hàng ngày đến trường từ 7 giờ sáng, ra về vào khoảng 7 - 8 giờ tối. Rất khác trước đây, đến trường một chút rồi về còn lo công ăn việc làm. Khi các bạn dành thời gian, tâm trí cho nghiên cứu thì các bạn không chỉ nâng cao năng lực cho bản thân mà còn đóng góp cho công tác nghiên cứu của các trường đại học”, PGS Hoàng Minh Sơn nói.
PGS Hoàng Minh Sơn cũng bày tỏ: “Chúng tôi rất mong chương trình này sẽ lan tỏa, không chỉ tác động tới ý thức trách nhiệm đào tạo nhân lực trình độ cao cho xã hội của các doanh nghiệp khác, mà còn cả với các cơ quan làm chính sách của nhà nước. Từ đây, các cơ quan làm chính sách sẽ nhận thấy là cần phải “hào phóng” hơn trong việc cấp kinh phí và thay đổi chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học với mục đích thúc đẩy phát triển nghiên cứu cho các trường đại học. Có như thế các giáo dục đại học mới có thể cất cánh”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.