GS Trương Nguyện Thành: Hãy cho Việt kiều quyền quyết định để làm việc

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
10/05/2018 14:08 GMT+7

Trong buổi trả lời phỏng vấn của Báo Thanh Niên, GS Trương Nguyện Thành cũng đề cập về hai vấn đề được nói nhiều trong những ngày vừa qua là tự chủ ĐH và thu hút trí thức Việt kiều.

[VIDEO] GS Trương Nguyện Thành: Với trí thức Việt kiều, chuyện trải thảm không là gì cả. 
Thực hiện: Truyền hình Báo Thanh Niên

Trong phần trả lời trước, GS nói hiện tại đã là phút 80 của mình. Vậy ông có kế hoạch nào cho giáo dục, giới trẻ VN trong những phút còn lại?

Tôi chỉ nói là tôi tạm gác lại. Tôi chỉ muốn có thời gian ngồi lại và suy nghĩ. Hơn 1 năm vừa qua tôi rất bận rộn ở Trường ĐH Hoa Sen. Những trải nghiệm đó tôi chưa có cơ hội suy nghĩ. Giờ tôi có cơ hội ngồi lại và suy nghĩ, nếu muốn làm tốt hơn, trong khuôn khổ pháp luật, đem lại kinh nghiệm quản lý ở Mỹ, châu Âu về thì những cái nào có thể áp dụng được và áp dụng như thế nào cho hoạt động của trường ĐH ở VN. 

Đương nhiên nếu có cơ hội nào khác mà tôi có thể đóng góp hiệu quả hơn, tôi sẽ xem xét lại.

Ảnh: Thanh Tâm

Bàn rộng ra một chút về vấn đề giáo dục. Những ngày vừa qua có hai điều các chuyên gia, trí thức trong và ngoài nước bàn đến. Đó là tự chủ ĐH và thu hút trí thức Việt kiều. Ông nghĩ như thế nào về tự chủ ĐH?

Cách đây vài tuần, tôi có cơ hội dự một hội nghị của Ngân hàng thế giới, nội dung là lên dự thảo phát triển chiến lược ĐH cho giai đoạn 2020 – 2030. Ở đó, những thành viên khách mời là lãnh đạo các trường ĐH của châu Âu, Hàn Quốc, Malaysia… có chia sẻ, đề xuất về tự chủ trong ĐH. Và tôi thấy rằng Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ VN cũng đã đưa ra những nhận định về tự chủ ĐH rồi. Những nhận định đó rất đúng. Chỉ cần có thời gian để đưa ra chiến lược triển khai. Thái Lan muốn tự chủ ĐH mất 15 năm từ ngày đưa ra nhận định đến ngày có được sự tự chủ như mong muốn. Trong lộ trình đó, vẫn phải duy trì hoạt động của một trường ĐH. Có nhiều hệ lụy trong việc tự chủ. Làm gì với quyền hành của mình khi được tự chủ?  Ở trường công lập, ngân sách tự thu tự chi thế nào?... Tôi là người ngoài, không hiểu hết vấn đề bên trong, nên không muốn phê phán hay đưa ra nhận định gì khi không hiểu hết vấn đề đưa tới quyết định đó.

Còn vấn đề thu hút trí thức Việt kiều thì sao, thưa giáo sư?

Thật sự rằng, qua một số trao đổi trên mạng hay trao đổi cá nhân của tôi với trí thức Việt kiều, tôi thấy rằng những người mong mỏi về VN thường đã ở tuổi lớn, đã thành đạt, nghĩ rằng thời gian còn lại không đóng góp gì nhiều cho nước họ đang ở. Họ lấy kinh nghiệm từ nước nggoài để về giúp đỡ VN và họ nghĩ rằng giá trị đem lại sẽ cao hơn. Việc “trải thảm” ở VN không là gì với họ vì họ có tiếng rồi.

Thời gian trước đây cũng hay nói nhiều về thu nhập. 10 năm trước, tại Viện Khoa học và Công nghệ tính toán có thảo luận về chuyện này. Tôi nói nếu trả lương bằng lương tôi đang có ở nước ngoài là cái “bạt tai” cho đồng nghiệp của tôi, gây ra chia rẽ. Nhưng nếu trả lương theo khả năng của đơn vị VN thì lại là cái “bạt tai” cho tôi. Đó không phải là vấn đề. 10 năm nay tôi làm việc tôi không hề lấy lương, Chính phủ trả chi phí đi lại và ăn ở cho tôi thôi.

Ảnh: Thanh Tâm

Vì vậy, Chính phủ ở vị trí rất khó. Nhưng, cái quan trọng với trí thức Việt kiều là họ được làm, được triển khai kinh nghiệm những điều mới. Hãy cho họ quyền quyết định để làm. Nếu họ không được quyền quyết, không ở vị trí thích hợp sẽ rất khó cho họ. Họ sẽ chán nản và bỏ đi. Chính phủ nên suy nghĩ điều mấu chốt này.

Cái quan trọng với trí thức Việt kiều là họ được làm, được triển khai kinh nghiệm những điều mới. Hãy cho họ quyền quyết định để làm. Nếu họ không được quyền quyết, không ở vị trí thích hợp sẽ rất khó cho họ. Họ sẽ chán nản và bỏ đi.
GS Trương Nguyện Thành

Thời gian hơn một năm qua, tôi có cơ hội hiểu hết mọi ngõ ngách , quy trình của VN. Nó rất quý báu, không phải Việt kiều nào cũng có cơ hội đó. Thường họ giảng dạy, làm workshop, ở 1 – 2 tuần… chứ không ở lại để biết phòng quản lý đào tạo làm gì, phòng chiêu sinh có hoạt động nào, quản lý cơ sở vật chất, các khoa tổ chức ra sao, quản lý học tập giảng viên, sinh… Đó là bài học quý giá vô cùng.

GS cảm thấy như thế nào khi nhiều người nói ông là phép thử cho luật hiện nay?

Tôi không cho rằng mình là một cá nhân đặc biệt mình để xem như một phép thử. Tôi có mong muốn đóng góp cho giáo dục VN, bỏ nhiều thời gian ở VN, nên sẽ có những va chạm với thực tế. Nhưng những cái đó không phải là phép thử cho môi trường làm việc ở VN. Khi nào thay đổi môi trường làm việc cũng đem lại thử thách cả. Đó là chuyện bình thường.

 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.