GS Trần Thanh Vân: Không muốn xây những dự án khoa học siêu sao rồi đắp chiếu

Quý Hiên
Quý Hiên
16/05/2018 10:33 GMT+7

Giáo sư Trần Thanh Vân , một nhà khoa học Việt kiều nổi tiếng, chia sẻ với Thanh Niên về những mong muốn đóng góp vào đời sống khoa học nước nhà, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập tổ chức Gặp gỡ Việt Nam.

GS Trần Thanh Vân nhớ lại: "Năm 1993 là năm đầu tiên chúng tôi tổ chức hội nghị khoa học quốc tế mang tên Gặp gỡ Việt Nam tại Hà Nội. Khi đó, Việt Nam còn bị cấm vận, đời sống kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. Hồi ấy, thậm chí ở khu vực hồ Hoàn Kiếm còn chưa có điện đường vào buổi tối.
Chúng tôi nghỉ tại nhà khách quân đội ở phố Phạm Ngũ Lão, dịch vụ du lịch khi đó kém phát triển đến mức khách muốn đặt ăn tại chỗ cũng không được đáp ứng, nên đến bữa là chúng tôi phải ra ngoài ăn. Trong bối cảnh đó, việc chúng tôi mời được những giáo sư đoạt giải Nobel về Việt Nam nói chuyện khoa học là điều khiến anh em làm khoa học trong nước rất vui và hết sức ủng hộ.
 Từ đó đến nay, chúng tôi đã tổ chức được 13 lần chuỗi hội nghị Gặp gỡ Việt Nam, với mục đích lấy sự kiện này làm cầu nối giao lưu khoa học giữa cộng đồng khoa học trong nước và cộng đồng khoa học thế giới.
Về sau, chúng tôi nhận thấy cần phải chọn một địa điểm cố định để từ “hạt nhân” Gặp gỡ Việt Nam mà xây dựng một trung tâm khoa học theo mô hình chúng tôi đã xây dựng thành công ở Pháp là Gặp gỡ Moriond. Đó là lý do để ra đời Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ICISE tại Quy Nhơn, Bình Định (khánh thành giai đoạn 1 năm 2013)".
Thưa giáo sư, vì sao ông chọn Bình Định làm nơi đặt Trung tâm ICISE?
GS Trần Thanh Vân: Khi tìm địa chỉ để xây dựng một không gian giao lưu khoa học quốc tế, chúng tôi chỉ đặt mục tiêu là không làm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, bởi những nơi đấy toàn các “cây cổ thụ”, không cần đến chúng tôi cũng đã mạnh rồi (so với mặt bằng Việt Nam - phóng viên). Phải chọn những nơi “không ai thèm đến” thì đóng góp của chúng tôi mới thực sự ý nghĩa, giống như cách đây hơn thế kỷ chúng tôi đã chọn Moriond, một ngôi làng bên dãy núi Alpes, ở xa Paris.
Hơn nữa, phải ở những nơi đó thì chúng tôi mới xây dựng được một không gian khoa học “đắm mình” trong thiên nhiên. Đó là nơi các nhà khoa học có thể thả tâm hồn mình bay bổng để nạp thêm “năng lượng” nuôi dưỡng cho các ý tưởng khoa học.
Chúng tôi cũng nhắm đến một vài nơi dọc bờ biển miền Trung nhưng chính quyền ở nhưng nơi đó lại kỳ vọng chúng tôi mang lại lợi ích thương mại cho địa phương. Còn lãnh đạo tỉnh Bình Định thì nghĩ khác. Chủ tịch tỉnh hồi ấy là anh Vũ Hoàng Hà. Khi chúng tôi ngỏ ý thành lập trung tâm khoa học ở Bình Định, anh Vũ Hoàng Hà hồ hởi đón nhận.
Nhiều lần anh Vũ Hoàng Hà nói, nói mặc dù điều giáo sư Trần Thanh Vân làm không mang lại lợi ích 
Kỷ niệm 25 năm thành ngày tổ chức hội nghị khoa học quốc tế Gặp gỡ Việt Nam đầu tiên (1993 - 2018), tổ chức Gặp gỡ Việt Nam dự kiến tổ chức 18 sự kiện khoa học quốc tế trong năm nay. Trong đó, điểm nhấn sẽ là một loạt hội nghị chuyên ngành vật lý thiên văn, vật lý lý thuyết... diễn ra vào tháng 8.
thương mại cho tỉnh nhà nhưng cái mà giáo sư mang đến cho Bình Định, dù địa phương có hàng triệu đô la đi chăng nữa cũng không thể mua, đó là chất xám. Cách nghĩ của anh Vũ Hoàng Hà là điều giữ chúng tôi ở lại đây.
Một lý do khác để chúng tôi chọn Bình Định là bởi nơi đây có trường đại học. Việc có một trường đại học ở gần trung tâm sẽ làm cho nỗ lực tham gia góp phần xây dựng nền đại học Việt Nam của chúng tôi sẽ khả thi hơn.
Nhìn lại 25 năm hoạt động của tổ chức Gặp gỡ Việt Nam và 5 năm hoạt động của Trung tâm ICISE, giáo sư tự đánh giá thế nào về hiệu quả của những công việc mình đã làm?
Chúng tôi đã góp phần đưa Việt Nam đến gần hơn với đông đảo nhà khoa học đẳng cấp của quốc tế, tạo sự chú ý của họ tới hoạt động khoa học ở Việt Nam. Chúng tôi đã tổ chức được rất nhiều sự kiện khoa học quốc tế tại Việt Nam mà mục tiêu là vì sự phát triển khoa học của nhân loại.
Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ICISE, Bình Định được khánh thành giai đoạn 1 tháng 8.2013. Từ đó đến nay, trung tâm đã tổ chức 40 hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao và 16 trường khoa học chuyên đề với sự tham gia của hơn 3.500 nhà khoa học quốc tế, trong đó có 12 giáo sư đoạt giải Nobel, 2 giáo sư đoạt giải Fields (1 trong 2 người đó là GS Ngô Bảo Châu), 2 giáo sư đoạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất lĩnh vực thiên văn học)… và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác. 
Các nhà khoa học quốc tế đến đây vì hàm lượng khoa học trong các hội thảo. Với tinh thần đó, những nhà khoa học Việt Nam đến với các sự kiện của chúng tôi đã cảm nhận được sự bình đẳng của mình với các nhà khoa học quốc tế.
Ngoài tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế, chúng tôi còn tổ chức các trường hè khoa học, trong đó 50% đại biểu tham gia là sinh viên quốc tế. Đó là cơ hội để sinh viên Việt Nam gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng sinh viên quốc tế, là cơ hội tiếp xúc với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, từ đó tình yêu khoa học trong các em được hun đúc, nuôi dưỡng, hoặc khát vọng được khơi gợi.
Nhưng quan trọng hơn, chúng tôi đã tạo ra được môi trường học thuật đích thực cho một só nhóm nhà khoa học trẻ làm việc. Chúng tôi trả lương cho các bạn trẻ ấy đủ để họ yên tâm tập trung vào nghiên cứu. Đây chính là bước chuẩn bị cho tương lai của ICISE. Con đường phát triển của chúng tôi là song hành với sự phát triển khoa học ở Việt Nam. Chúng tôi hướng đến những dự án thực tế, có giá trị, hiệu quả thực tiễn, không muốn xây dựng lên những dự án khoa học cao siêu rồi đắp chiếu.
Có nhiều người cùng làm nhiều việc nhỏ mà thành công thì khoa học sẽ phát triển. Làm những việc quá lớn, rồi chờ 5 năm, 10 năm nữa không biết có thành công không, không phải là lựa chọn của chúng tôi.
Xin cảm ơn giáo sư Trần Thanh Vân!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.