GS Ngô Bảo Châu mong tạp chí toán học 'cũ đi' trên bàn của các thầy cô

18/12/2016 13:01 GMT+7

“Tôi mong muốn được nhìn thấy những cuốn tạp chí Pi có quăn mép, cũ đi, nó vẫn nằm trên bàn làm việc, bàn uống nước của các thầy cô, các em học sinh”, GS Ngô Bảo Châu nói như vậy sáng nay, 18.12.

Xuất hiện trong buổi giới thiệu và ra mắt tạp chí toán học Pi sáng nay tại Đại học Bách khoa, Hà Nội, GS Ngô Bảo Châu đã chia sẻ, mơ ước, ý tưởng của ông về sự ra đời của cuốn tạp chí toán học này đã có từ rất lâu. Sau nhiều ngày ấp ủ, “thai nghén” ý tưởng, bắt tay thực hiện, cuốn tạp chí Pi số đầu tiên sẽ ra mắt vào tháng 1.2017, đó là một hành trình rất dài.Theo GS Ngô Bảo Châu, để tạp chí Pi được ra đời, trở thành cuốn tạp chí của mọi người, ngoài sự nỗ lực của Tổng biên tập, các thư ký, còn có sự đóng góp sức người, sức của của các tổ chức, cá nhân…
GS Ngô Bảo Châu hi vọng, cuốn tạp chí Pi sẽ là bạn của các em thiếu nhi, các học sinh, sinh viên, thầy cô giáo, mọi người đón đọc Pi, nâng niu Pi cho đến khi cuốn tạp chí có sờn rách: “Tôi mong muốn được nhìn thấy những cuốn tạp chí có quăn mép, cũ đi, nó vẫn nằm trên bàn làm việc, bàn uống nước của các thầy cô, các em học sinh”.
Một học sinh lớp 12 hỏi GS Ngô Bảo Châu, em đã từng đọc cuốn Toán tuổi thơToán học và tuổi trẻ, nhưng mới đầu chỉ hiểu được 30% thôi, phải chăng kiến thức trong sách giáo khoa và tạp chí cách quá xa nhau? GS Ngô Bảo Châu cười: Em đọc mà hiểu được 30% là siêu quá. Tôi mới lần đầu đọc chỉ hiểu 5% thôi, lần sau thì 10%, sau nữa là hiểu dần dần. Có bài toán tôi đọc đến 10 lần. Quan trọng là mình đọc, hiểu những quá trình, những hướng đi mới, lâu dần sẽ sáng tỏ.
Buổi ra mắt tạp chí toán học Pi sáng nay còn có sự hiện diện của GS Hà Huy Khoái, Tổng biên tập Tạp chí Pi; tiến sĩ Trần Văn Nhung, tiến sĩ Trần Nam Dũng… và các thành viên trong ban biên tập khác là những nhà toán học, những nhà giáo dục đang làm việc trong và ngoài nước, quen thuộc với cộng đồng toán học Việt Nam, .
GS Ngô Bảo Châu, Ủy viên ban biên tập tạp chí Pi (thứ 3 từ trái sang) và các thành viên trong ban biên tập Ảnh Thúy Hằng
GS Hà Huy Khoái chia sẻ: “Tôi đã 70 tuổi nhưng còn liều lĩnh đảm nhận vai trò Tổng biên tập của tạp chí Pi, vì toán học là công việc mà tôi yêu thích, tôi được làm việc cùng GS Ngô Bảo Châu và hơn cả, tôi được sự ủng hộ của tất cả mọi người”.
GS Hà Huy Khoái sẽ đích thân phụ trách chuyên mục Lịch sử toán học, nhằm đưa bạn đọc đến với những ý tưởng, những sự kiện, những con người của toán học, từ ngày xưa đến hôm nay.
GS Ngô Bảo Châu phụ trách chuyên mục Từ cổ điển đến hiện đại, giới thiệu góc nhìn hiện đại về những khái niệm cổ điển, hoặc tiếp cận một cách cổ điển đến những khái niệm hiện đại.
GS Ngô Bảo Châu cùng GS Hà Huy Khoái, Tổng biên tập tạp chí Pi (bìa trái) Ảnh Thúy Hằng
Ngoài ra, tạp chí Pi còn nhiều chuyên mục thú vị khác như Thách thức toán học, Quán toán Violympic, Toán của Bi, Đấu trường toán học, Đối thoại toán học
GS Hà Huy Khoái, Tổng biên tập tạp chí Pi cho hay, Pi khác với các tạp chí toán học khác là hướng đến mọi thành phần học sinh, sinh viên, các giáo viên, giảng viên đại học hay bất cứ ai quan tâm đến toán học và các ứng dụng của nó, những người thích toán và cả những người tạm thời chưa thích toán.
Tạp chí Pi có cơ chế tài chính tự chủ, không dựa vào ngân sách của cơ quan chủ quản là Hội toán học Việt Nam. Thời gian đầu, tạp chí làm việc trên cơ sở tài trợ của các tổ chức, cá nhân. GS Ngô Bảo Châu là người khởi đầu, ông đã dành trọn số tiền thưởng 15.000 USD đi kèm giải thưởng Fields mà mình nhận được năm 2010 để tài trợ cho sự ra đời của tạp chí này.
“Ra đời đã khó, duy trì phát triển chất lượng cao, đóng góp nó cho sự phát triển của đất nước, con người lại càng khó hơn”
Đó là những lời bộc bạch của GS Trần Văn Nhung, Ủy viên ban biên tập Tạp chí toán học Pi trong sáng nay.
GS Trần Văn Nhung nói: “Những năm 60 thế kỷ trước tạp chí Toán học và tuổi trẻ ra đời, nửa thế kỷ trôi qua, có thêm một tạp chí toán học Pi ra đời. Tờ Toán học và tuổi trẻ trước đây ra đời như một cuốn cẩm nang cho học sinh khắp miền Bắc yêu toán, chúng tôi vẫn còn nhớ cảm giác của những trẻ em sơ tán lên Thái Nguyên vẫn chờ đợi cuốn tạp chí đến với mình. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, Toán học và tuổi trẻ đã đóng góp to lớn cho nhà trường, xã hội. Tôi cũng mong muốn tờ tạp chí Pi nhanh chóng trở thành cuốn tạp chí quan trọng trong đời sống của chúng ta.
Tạp chí ra đời đã khó, duy trì phát triển chất lượng cao, đóng góp nó cho sự phát triển của đất nước, con người lại càng khó hơn. Tôi sẽ cố gắng bằng tất cả những gì mình có thể làm cho tạp chí Pi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.