Gợi ý giải đề thi lớp 10 môn văn tại Hà Nội

08/06/2016 10:20 GMT+7

Đồng hành cùng thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội, Thanh Niên Online sẽ cập nhật đề thi, gợi ý giải đề thi của kỳ thi này.

Sáng nay, 8.6, học sinh tại Hà Nội bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với môn ngữ văn buổi sáng, môn toán thi buổi chiều. Thi hệ chuyên diễn ra trong hai ngày 9 - 10.6 với 1.750 chỉ tiêu.
Đồng hành cùng thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội,Thanh Niên Online sẽ cập nhật đề thi, gợi ý giải đề thi của kỳ thi này.
Gợi ý giải đề thi môn ngữ văn lớp 10 tại Hà Nội:

KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Khóa ngày 8 tháng 06 năm 2016 tại Hà Nội

Môn thi : VĂN

Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC

 

Phần I: (4 điểm)

            Trong bài Phong cách Hồ Chí Minh, sau khi nhắc lại việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, tác giả Lê Anh Trà viết:

            …”Nhưng điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại”…

(Trích Ngữ Văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)

            1. Ở phần trích trên, tác giả đã cho thấy vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa bởi những yếu tố nào? Em hiểu được điều gì về tình cảm của tác giả dành cho Người?

            2. Xác định hai danh từ được sử dụng như tính từ trong phần trích dẫn và cho biết hiệu quả nghệ thuật của cách dùng từ ấy.

            3. Em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy thi) về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc giữ gìn bản sắc, văn hóa dân tộc trong thời kì hội nhập và phát triển.

Phần II (6 điểm)

            Ở bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt), trong dòng hồi tưởng, người cháu nhớ lại:

...”Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi”…

Rồi trở về thực tại:

                                             “Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

                                             Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

                                             Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:

-         Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?...”

(Trích Ngữ Văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)

          1. Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

          2. “Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi” được nhắc tới trong bài thơ gợi nhớ về thời điểm nào của đất nước? Việc nhà thơ tách từ “mòn mỏi” để ghép thành “đói mòn đói mỏi” có tác dụng gì?

          3. Viết một đoạn văn theo cách lập luận diễn dịch (khoảng 12 câu) làm rõ tình cảm sâu nặng của cháu đối với bà ở khổ thơ trên, trong đó có sử dụng phép nối để liên kết và một câu bị động (gạch dưới từ ngữ dùng làm phép nối và câu bị động).

          4. Hãy nêu tên một tác phẩm khác trong chương trình môn Ngữ văn cấp Trung học cơ sở cũng viết về tình cảm bà cháu và ghi rõ tên tác giả.

-----------------Hết----------------

 


BÀI GIẢI GỢI Ý

Phần I:

            1. Trong bài Phong cách Hồ Chí Minh, tác giả Lê Anh Trà đã cho thấy vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa bởi ảnh hưởng của văn hóa quốc tế (mà chủ yếu là phương Tây) với cái gốc của văn hóa dân tộc Việt Nam và tinh hoa của phương Đông. Đó là sự kết hợp giữa bản sắc dân tộc, đậm đà chất phương Đông và tính hiện đại của phương Tây. Nét đẹp của phương Đông là tính giản dị ở hình thức, ẩn chứa chiều sâu của tâm hồn và sự cao nhã của tinh thần. Vẻ đẹp của phương Tây là sự văn minh, nhanh nhẹn, hiện đại, rõ ràng và dứt khoát. Với nhận xét của tác giả về phong cách Hồ Chí Minh, em hiểu rằng tác giả rất yêu thương, trân trọng, kính phục và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

            2. Hai danh từ được dùng như tính từ là “Việt Nam” và “phương Đông” (rất Việt Nam, rất phương Đông). Hiệu quả nghệ thuật của cách dùng từ này là đã khái quát hóa được nhiều tố chất tốt đẹp của cả một dân tộc và một phần thế giới vào phong cách của một con người cụ thể. Cách dùng từ này đã gây được ấn tượng sâu sắc và không thể nào quên cho người đọc về phong cách đặc biệt của Hồ Chí Minh: con người có tầm vóc, có vị trí quốc tế nhưng đồng thời rất tiêu biểu cho bản sắc văn hóa quốc gia Việt Nam và khu vực phương Đông.

            3. Học sinh có thể triển khai bài viết theo những quan điểm riêng. Sau đây là một số gợi ý :

            Đất nước chúng ta đang ở thời kì hội nhập và phát triển. Đây là một cơ hội, cũng là một thách thức. Cơ hội để chúng ta được tiếp xúc và học tập những điều hay ho, đẹp đẽ, văn minh và hiện đại của thế giới. Bên cạnh đó, chúng ta rất có nguy cơ đánh mất đi bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, trách nhiệm của người Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng là phải thận trọng và nổ lực trong việc giữ gìn bản sắc tốt đẹp và văn hóa lâu đời của dân tộc trong thời kì hội nhập và phát triển.

            Bản sắc văn hóa dân tộc là những nét đặc sắc về văn hóa có tính chất ổn định trong lịch sử lâu dài của một dân tộc. Bản sắc ấy bao gồm cả những mặt mạnh, mặt yếu. Theo phó thủ tướng Vũ Khoan trong bài “Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới”, người Việt Nam có những mặt mạnh như là: thông minh, nhạy bén với cái mới, cần cù sáng tạo, yêu thương, đoàn kết,… Bên cạnh đó, người Việt Nam cũng có những mặt yếu như: thiếu đức tính tỉ mỉ, thoải mái tùy tiện, kì thị kinh doanh, trong cư xử có lúc tỏ ra khôn vặt, không coi trọng chữ tín,…

            Vì vậy, trách nhiệm đầu tiên của mọi người trong thời kì hội nhập và phát triển là cần có nhận thức đúng về bản sắc văn hóa dân tộc trong mọi mặt của đời sống (lịch sử, văn học, phong tục tập quán, trang phục, ăn uống, ứng xử,…) với những cái mạnh và cái yếu ở từng lĩnh vực. Từ đó, có thái độ đúng: phát huy cái mạnh; hạn chế, khắc phục cái yếu của văn hóa dân tộc. Đồng thời tiếp thu có chọn lọc cái mạnh, cái hay, cái đẹp của thế giới. Tránh thái độ sùng ngoại hoặc bài ngoại một cách quá lố, thiếu khách quan. Có rất nhiều nét đẹp của văn hóa phương Tây mà chúng ta cần phải học hỏi, nhưng chúng ta không nên học những điều trái ngược với truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chúng ta phải đoàn kết cùng nhau chống lại những kiểu văn hóa lai căng, vi phạm thuần phong mỹ tục. Chúng ta phải động viên nhau cùng bảo vệ giữ gìn nét đẹp của văn hóa phương Đông như hiếu thảo với cha mẹ, tôn sư trọng đạo, nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, thương người như thể thương thân, thờ cúng tổ tiên, trân trọng khí phách anh hùng, yêu quý nét đẹp của tinh thần và chiều sâu của tâm hồn. Trách nhiệm của chúng ta là phải sống gương mẫu, không vi phạm pháp luật, nhân ái, vị tha, luôn cố gắng học hỏi và rèn luyện để thành một công dân tốt. Bên cạnh một lối sống đạo đức gương mẫu, chúng ta cần phải lên án và tuyên chiến với cái xấu, cái ác, với những hành động đi ngược với văn hóa Việt Nam. Chúng ta phải phân biệt được đâu là thuần phong mỹ tục, đâu là mê tín dị đoan và những hủ tục. Cần phải lên án những người nhân danh giữ gìn di sản văn hóa để duy trì những cái quá lỗi thời.

Phần II:

1. Bài thơ Bếp lửa được sáng tác vào năm 1963 lúc nhà thơ đang học ở nước ngoài. Bài thơ được in trong tập Hương cây  - Bếp lửa , được nhà xuất bản văn học, Hà Nội, xuất bản năm 1968.

2. “Năm ấy” trong câu thơ “Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi” là năm 1945, năm đất nước Việt Nam đã phải trải qua một nạn đói lịch sử với gần 2 triệu người chết, tập trung từ Quảng Trị đến Bắc Kì.

Việc nhà thơ tách từ “mòn mỏi” để ghép thành “đói mòn đói mỏi” có nhiều tác dụng. Về ngữ âm, nó tạo sự nhịp nhàng cho câu thơ; về cấu trúc, nó tạo nên sự cân xứng cho từ ngữ; về nội dung ý nghĩa, nó tạo nên sự nhấn mạnh là để ấn gây ấn tượng cho người đọc về cảm giác nặng nề, u ám và lê thê của nạn đói đối với nhân vật trữ tình khi hồi tưởng về thời điểm ấy của lịch sử, của kỉ niệm với người bà.

3. Học sinh có thể triển khai đoạn văn theo những nội dung cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, bài viết phải đáp ứng yêu cầu được đề cập trong đề bài:  đoạn văn được viết theo cách lập luận diễn dịch với độ dài khoảng 12 câu, với nội dung làm rõ tình cảm sâu nặng của cháu đối với bà ở khổ thơ trên. Đoạn văn có sử dụng phép nối để liên kết, có một câu bị động (được gạch dưới). Sau đây là một ví dụ để tham khảo.

            Khổ thơ trên đã thể hiện tình cảm sâu nặng của cháu đối với bà (1). Ngày xưa, cháu sống gần gũi với bà trong khó khăn, gian khổ, thiếu thốn (2). Nhưng nay hoàn cảnh đã thay đổi (3). Cháu đã đến một nơi hoàn toàn khác trước (4). Không chỉ khác trong khoảng cách không gian: “cháu đã đi xa”  (5). Nó còn khác trong tính chất của hiện thực (6). Đó không còn là quê nghèo với bắp, ngô, khoai, sắn mà đó là nơi ấm no, hạnh phúc và tươi sáng: “có khói trăm tàu”, “có lửa trăm nhà”, “có niềm vui trăm ngả” (7). Thông thường, con người ta hay “xa mặt cách lòng”, “giàu đổi bạn sang đổi vợ” (8). Tuy nhiên, người cháu trong khổ thơ này lại khác (9). Rất khác! (10) Dù sống trong hoàn cảnh mới, cháu vẫn luôn luôn nhớ thiết tha:

…“chẳng lúc nào quên nhắc nhở:

-Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?...” (11)

Như vậy, hình ảnh người bà với bếp lửa thân thương vẫn luôn được in đậm trong tâm hồn của người cháu bất chấp sự thay đổi của không gian, thời gian và hoàn cảnh (12).

4. Trong chương trình môn Ngữ Văn cấp trung học cơ sở, bài “Tiếng gà trưa” của nhà thơ Xuân Quỳnh cũng nói về tình cảm bà cháu. Bài thơ là tiếng lòng yêu thương của người cháu – bây giờ đã là một anh bộ đội đang dừng quân nghỉ ngơi và nghe tiếng gà trưa - hồi tưởng về những khó nhọc mà bà đã phải chịu đựng để chăm lo nuôi dưỡng cho mình lúc mình còn nhỏ.

Nguyễn Hữu Dương
(Trường THPT Vĩnh Viễn – TP.HCM)

Lịch thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội:
Ngày
Buổi
Môn thi
Thời gian làm bài
Giờ phát đề thi cho TS
Giờ bắt đầu làm bài
8.6.2016
Sáng
Ngữ văn
120 phút
7 giờ 55
8 giờ 00
Chiều
Toán
120 phút
14 giờ 25
14 giờ 30
9.6.2016
Sáng
Ngoại ngữ
120 phút
7 giờ 55
8 giờ 00
Chiều (thi các môn chuyên)
Ngữ văn, Toán,
Tin học, Sinh học
150 phút
14 giờ 25
14 giờ 30
Tiếng Pháp; Tiếng Nhật(môn thay thế)
120 phút
14 giờ 25
14 giờ 30
10.6.2016
Sáng (thi các môn chuyên)
Vật lí, Lịch sử, Địa lí
150 phút
7 giờ 55
8 giờ 00
Hóa học, Tiếng Anh
120 phút
7 giờ 55
8 giờ 00
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.