Giúp giáo viên tự tin đứng trước... học trò

07/01/2017 08:01 GMT+7

Với lượng thời gian ít ỏi trong kỳ thực tập, hầu hết sinh viên sư phạm khi ra trường đều bị khớp trước thực tế ở trường phổ thông.

Là một giáo viên trẻ, từng gặp phải những khó khăn như thế nên Lê Thành Vĩnh (giáo viên môn hóa học Trường THPT Đinh Thiện Lý, Q.7, TP.HCM) đã tổ chức khóa học “nghiệp vụ sư phạm” miễn phí cho sinh viên, giáo viên.
Để giúp sinh viên trang bị kiến thức trước khi ra trường, giúp giáo viên có thêm nhiều phương pháp, kỹ năng sư phạm hay, Vĩnh đã mở khóa học với tên gọi “The Great Inspirer” (Người truyền cảm hứng). Nhiều giáo viên, sinh viên đánh giá đây là lớp học cần thiết và giúp ích rất nhiều cho họ trong quá trình va đập thực tế. Còn với Vĩnh, khi tổ chức lớp học này, anh mong muốn tạo ra một cộng đồng giáo viên, sinh viên có sự tương tác, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Qua đó, giúp cải thiện những kỹ năng còn thiếu, phát triển và tìm hướng đi mới trong suy nghĩ, cách dạy và cách làm việc của giáo viên.

Vĩnh chia sẻ: “Sau khi ra trường, tôi và hầu hết bạn học của mình đều phải tự bơi trước thực tế rất khác so với lý thuyết được học tại trường sư phạm. Qua tiếp xúc với một số bạn bè, tôi được biết rất nhiều người mới ra trường bối rối với những tình huống rất nhỏ. Từ đó, tôi nghĩ họ cần được truyền lại những kỹ năng và kinh nghiệm đứng lớp”. Nghĩ thế, Vĩnh đã tự mình soạn giáo án, lên khung chương trình cho từng buổi học cụ thể và bắt đầu hành trình “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Trên cơ sở đó, Vĩnh xây dựng mỗi buổi học với một chủ đề khác nhau. Gần đây nhất, Vĩnh hướng dẫn học viên kỹ năng thuyết trình đứng lớp hiệu quả. Có một thực tế là giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học còn khá hạn chế. Chính vì thế, một nội dung không kém phần quan trọng trong khóa học này là hướng dẫn giáo viên cách ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị điện tử thông minh vào giảng dạy như một phương tiện hỗ trợ đắc lực.

Tham gia khóa học này, Đỗ Gia Linh (sinh viên năm 3 Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Ngoài phong cách tự tin, nhiệt huyết, mỗi tiết dạy của thầy Vĩnh luôn có sự mới mẻ, hiện đại”.
Ngay cả những giáo viên đã có kinh nghiệm giảng dạy tại các trường danh tiếng cũng tham gia lớp học này. Đ.N.N (giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) nói: “Là giáo viên tại trường công lập ảnh hưởng bởi lối dạy truyền thống, khuôn khổ, nhiều khi muốn thay đổi nhưng rất ngại. Lớp học của Vĩnh khá thú vị và rất bổ ích. Nó rất cần cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy theo típ truyền thống có thể học hỏi thêm các phương pháp dạy hiện đại để làm tăng hứng thú của học sinh trên lớp”.
Do kinh phí tổ chức còn hạn hẹp nên mỗi buổi học Vĩnh chỉ có thể tiếp nhận 15 - 20 học viên. Vĩnh cho biết: “Toàn bộ số tiền thuê địa điểm tổ chức, kết nối, chuẩn bị tài liệu đều là tiền tôi tiết kiệm được trong quá trình đi dạy. Dù ở quy mô nhỏ nhưng tôi sẽ cố gắng duy trì các khóa học đều đặn”.

tin liên quan

Chàng trai 9X bỏ nghề kiến trúc đi làm nail
'Trước đây, mình nghĩ nail là một công việc tầm thường. Bây giờ, mình đã thấy khác. Và trên thế giới có rất nhiều gương mặt tên tuổi trong nghề làm nail là nam...', Trần Văn Tân chia sẻ về quan điểm nghề nghiệp của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.