Giáo viên xin nghỉ việc bị thu bằng gốc: 'Sẽ trả bằng nếu giáo viên bồi thường'

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
15/02/2020 15:38 GMT+7

Đó là khẳng định của Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sữa (TP.Đông Hà, Quảng Trị) bởi vị này cho rằng việc giáo viên (GV) nghỉ việc đã gây thiệt hại cho trường...

Như Thanh Niên ngày 15.2, đã thông tin, nhiều GV từng giảng dạy tại Trường mầm non Hoa Sữa (địa chỉ 152 Nguyễn Du, TP.Đông Hà, Quảng Trị) đã tố hiệu trưởng trường này thu bằng gốc và không trả lương cho họ khi họ xin nghỉ việc. Các GV này đi làm nhiều tháng cũng không được ký hợp đồng, không được đóng bảo hiểm nên không biết bấu víu vào đâu.
Ngoài lý giải việc thu bằng gốc và không trả lương là do... quy định riêng của nhà trường, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, bà Phạm Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng nhà trường còn cho biết sẽ trả lại bằng gốc cho các GV nếu GV bồi thường 1 tháng lương, vì khi GV nghỉ việc đã làm ảnh hưởng lớn đến nhà trường. “Họ đã làm sai, họ còn muốn to chuyện. Chắc họ muốn bỏ nghề. Mấy cô làm to chuyện thì không có trường nào dám nhận các cô ấy nữa đâu”, bà Hương nói.
Trong một diễn biến liên quan, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh Niên, ngoài việc giữ bằng gốc, không trả lương cho những GV xin nghỉ việc, bà Phạm Thị Thanh Hương cũng bị “tố” thường xuyên trừ lương GV vì những lý do vô lý. Theo các GV, với mức lương 3 triệu đồng/tháng, tức mỗi ngày các GV phải làm đủ việc để được nhận 100.000 đồng, nhưng chỉ cần đi muộn vài phút liền bị trừ 50.000 đồng. Ngày 20.11.2019, sau lễ kỷ niệm ngày nhà giáo, bà Hương hạ lương hoặc tăng thời gian thử việc đối với nhiều GV vì họ “không tham gia”, “về trước” hoặc “tham gia không hiệu quả” các hoạt động của trường.
Giữ bằng gốc là vi phạm pháp luật, có thể bị phạt đến 25 triệu đồng
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên chiều 15.2, luật sư Trần Đức Anh, Trưởng văn phòng luật sư Trần và cộng sự (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Trị) cho biết lãnh đạo Trường mầm non Hoa Sữa giữ bằng gốc của GV đã vi phạm khoản 1 điều 20 Bộ luật Lao động 2012. Luật quy định người sử dụng lao động không được giữ giấy tờ gốc của người lao động (bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ). Cũng theo luật sư Đức Anh, việc không ký hợp đồng lao động cũng vi phạm điều 18 Bộ luật lao động 2012.
“Đối với trường hợp này, GV có quyền yêu cầu lãnh đạo trường trả lại. Trong trường hợp trường không trả, thì GV có thể liên hệ Phòng GD-ĐT, Phòng LĐ-TB-XH của TP.Đông Hà để nhờ những cơ quan này can thiệp. Hành vi của đơn vị này bị xử phạt theo Nghị định 88/2015/NĐCP ngày 7.10.2015, đối với việc không ký hợp đồng, người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng; đối với việc giữ văn bằng chứng chỉ người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 20 đến 25 triệu đồng”, luật sư Anh phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.