Giáo viên ngại đổi mới

25/06/2016 08:07 GMT+7

Lẽ ra sư phạm có vai trò đi đầu trong đổi mới giáo dục phổ thông nhưng thực tế ngược lại. Chính điều này tạo ra những giáo viên lỗi thời.

Nội dung này đã được bàn luận tại hội thảo khoa học quốc gia về đổi mới phương pháp giảng dạy trong các trường sư phạm theo hướng tiếp cận người học do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức sáng 24.6.
Một thực tế hiện nay, giáo viên trường phổ thông chê sinh viên sư phạm. PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng thừa nhận điều này. Theo ông Hồng, dù điểm đầu vào của sinh viên (SV) sư phạm cao hơn nhiều ngành khác nhưng vẫn có những mặt yếu hơn SV ngành khác. Nguyên nhân chỉ có thể nằm ở phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên sư phạm.
PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng theo phản hồi từ các giáo viên trường phổ thông, SV sư phạm rất yếu về năng lực tổ chức xã hội, khả năng nghiên cứu và giao tiếp với phụ huynh bị hạn chế.

tin liên quan

Giáo viên quyết định thành bại đổi mới giáo dục
Ngành giáo dục đang đứng trước một đợt đổi mới căn bản, toàn diện. Từ thực tế những gì đang diễn ra và qua phát biểu mới đây của người đứng đầu ngành, có thể thấy chất lượng giáo viên được nhắc đến như điều kiện tiên quyết làm nên công cuộc đổi mới này.

Cùng cách tiếp cận này, tiến sĩ Phạm Thị Bình, giảng viên khoa địa lý thông tin, kết quả khảo sát và hướng dẫn luận văn cho thấy khả năng tự đọc sách của SV chưa tốt, ý thức tự học chưa cao. Trong số 200 SV có 70% chỉ đọc giáo trình bắt buộc, số còn lại đọc thêm 1 - 2 tài liệu tham khảo. Chỉ có 20% SV tham gia nghiên cứu nhưng hầu hết chưa biết đọc tài liệu và khai thác thông tin, khả năng tư duy phản biện thấp.
Từ góc nhìn của giáo viên trường phổ thông, thạc sĩ Lê Tấn Thái Bình, giáo viên Trường THPT Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), cho biết đây là năm thứ 5 tỉnh này không tuyển dụng giáo viên phổ thông. Theo ông Bình, từ khi thay sách giáo khoa mới năm 2007, giáo viên chỉ sử dụng giáo án đã soạn, không cập nhật kiến thức bài giảng.

tin liên quan

Giáo viên quyết định thành bại đổi mới giáo dục: Quy hoạch lại cơ sở đào tạo sư phạm
Dù vai trò của giáo viên vô cùng quan trọng, nhưng theo Bộ GD-ĐT thời gian qua công tác dự báo quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ này chưa được chú trọng đúng mức, cũng như chưa có những biện pháp hiệu quả để đáp ứng nhu cầu sử dụng và đổi mới giáo dục.
 

Ở góc độ khác, hiện có một bộ phận giáo viên lỗi thời nhưng không muốn đổi mới. Thạc sĩ Trịnh Chí Thâm, giảng viên Khoa Sư phạm Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng rào cản lớn nhất của việc dạy học sư phạm hiện nay là quan điểm giảng dạy truyền thống. Ông Thâm cho biết trong số 7 giảng viên bộ môn sư phạm địa lý trường này được phỏng vấn thì có 5 người vẫn sử dụng cách dạy truyền thống vì không hiểu nhiều các mô hình dạy học tiên tiến.
Theo PGS-TS Ngô Minh Oanh, những đổi mới của trường sư phạm vẫn đi sau phổ thông thì sẽ khó có được đội ngũ giáo viên phổ thông đủ năng lực đáp ứng yêu cầu mới.
Thạc sĩ Huỳnh Xuân Nhựt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, cho rằng một nghiên cứu về phương pháp giảng dạy của giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã chỉ ra SV chưa thực sự hài lòng với phương pháp giảng dạy mà giảng viên đang sử dụng. Cũng theo ông Nhựt, trong báo cáo đánh giá ngoài của một khoa tại trường này năm 2009 cho thấy đa số giảng viên của khoa không ủng hộ việc đổi mới phương pháp giảng dạy.
Tương tự, thạc sĩ Vương Cẩm Hương, Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) cũng nêu lên một thực tế từ kết quả điều tra 86 SV sư phạm ngành hóa của trường, có 33% cho rằng giảng viên còn sử dụng hình thức theo dõi giáo trình và đọc chép.
Theo thạc sĩ Lê Thị Thanh Hoa, giảng viên Khoa Lý luận chính trị Trường CĐ Sư phạm Nghệ An, một nghiên cứu của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội kết luận có tới 90% giảng viên các trường sư phạm hầu như chưa từng tham gia giảng dạy tại các trường phổ thông nên thiếu kinh nghiệm thực tế, khiến việc trang bị kiến thức kỹ năng cho SV chưa tương ứng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.