Giáo viên môn phụ chạnh lòng ngày 20.11

17/11/2011 15:21 GMT+7

Ngày nhà giáo Việt Nam, trong khi các thầy cô khác tíu tít dọn dẹp nhà cửa, mua ít trái cây, bánh kẹo để học trò tới chơi thì thầy P. giáo viên công nghệ trường cấp 3 Y. sắp xếp hành lý chuẩn bị về quê.

Ngày nhà giáo Việt Nam, trong khi các thầy cô khác tíu tít dọn dẹp nhà cửa, mua ít trái cây, bánh kẹo để học trò tới chơi thì thầy P. giáo viên công nghệ trường cấp 3 Y. sắp xếp hành lý chuẩn bị về quê.

Năm nào cũng vậy, nếu mít tinh chào mừng ngày 20.11 xong sớm, buổi trưa thế nào cũng thấy thầy đã ở nhà. Thầy giáo trẻ, lại độc thân, từ Thái Bình ra thành phố dạy học, thầy P. ở trọ. Bạn bè nói thầy may mắn khi vừa ra trường đã được nhận ngay trong một trường chuyên của tỉnh. Học sinh ngoan giỏi, tha hồ nhàn. Thế nhưng, có ai biết hết nỗi buồn của giáo viên một môn bị học sinh coi chỉ là “môn phụ”.

 
Hạnh phúc nhất của người thầy, là nhận được tình cảm tri ân của học trò, không phải thứ tình cảm vật chất giả dối.

Học sinh coi thường môn phụ

Cấp 1, cấp 2 học sinh sợ điểm kém các môn sẽ không được xếp loại học sinh giỏi, cha mẹ la mắng nên môn nào cũng học rất chăm, hăng hái phát biểu. Nhưng sang cấp 3, học trò chỉ chú trọng các môn thi Đại học, thi tốt nghiệp, các môn như công nghệ, giáo dục công dân, thể dục bị các em cho “ra rìa”.

Thầy P. than thở cùng đồng nghiệp: “Giờ học vẽ kĩ thuật nhưng mấy em học sinh lớp chuyên văn ngang nhiên mang vở ra soạn văn trên lớp. Mình nhắc nhiều, cũng ngại.”

Học môn khác trong giờ, nói chuyện như pháo rang, bài kiểm tra thì làm chống đối, theo các em học sinh cấp 3 chuẩn bị ra trường, đó chỉ là mấy môn điều kiện. Học cho có chứ không để làm gì (!?).

Kết thúc học kỳ, các giáo viên bộ môn lại bị sức ép từ các cô chủ nhiệm đến xin xỏ. “Thôi thì cuối cấp, thầy/cô chiếu cố cho các em có học bạ đẹp…”. Cho điểm khá, nhận xét tốt, dù thực lòng không muốn, các giáo viên (đặc biệt giáo viên trẻ mới ra trường) dạy công nghệ, thể dục, hay công dân chỉ còn nước than thở, chán ngán cùng nhau.
 
Ngày 20.11 không dành cho mình

Ngày nhà giáo VN, thầy P. dạy công nghệ trường THPT chuyên Y. chuẩn bị hành lý về quê. Cô N. giáo viên dạy Giáo dục công dân trường X. cũng đăng kí đi du lịch cùng bạn bè. Các thầy cô chẳng ai nói ra, nhưng trong lòng ai cũng chạnh buồn. Dịp 20.11, nhà ai cũng rộn ràng hoa, tiếng học trò đến chúc mừng, còn các thầy cô đành đi tìm hạnh phúc ở nơi khác.

Tâm lý chung, các thầy cô nhận thấy rằng, đến các giờ học chính mình đã miệt mài soạn giáo án, làm đồ dùng học tập học trò còn ngó lơ, thì 20.11 đâu phải là ngày các em nhớ đến những “thầy cô môn phụ”.

Cô T. giáo viên dạy Thể dục ở một trường Hà Tây (cũ) cho hay mình đi làm giáo viên không phải mong dịp này, dịp khác để học trò cảm ơn, nhưng ngày 20.11, thực lòng, nhận được một bó hoa của một em học sinh, tôi cũng thấy xúc động nghẹn ngào.

Từng làm trong BCH chi Đoàn các năm Phổ thông, Hồng Liên (sinh viên ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn) cũng thừa nhận một thực tế khi các bạn đi mua quà cho các thầy cô 20.11, cũng có hiện tượng “phân biệt” với quà. Thầy cô môn chính, môn phụ quà khác nhau về giá trị, và nếu kinh phí có quá eo hẹp, chẳng bao giờ thầy thể dục, công nghệ, công dân có hoa hay chỉ một bưu thiếp để cảm ơn.

Tình cảm thầy trò không thể đong đếm qua món quà mà học trò gửi tặng thầy cô. Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11 chỉ có một ngày, nhưng đạo lý thầy trò là nghĩa một đời. Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Thế nhưng, buồn thay, khi hôm nay, đạo lý ấy đang có cả sự phân biệt “chính”, “phụ” và ý nghĩa của một ngày 20.11 vẫn còn trong nhưng gói quà vô hồn, chứa đựng sự cảm ơn giả dối.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.