Giáo dục trong kỷ nguyên sáng tạo

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
06/02/2019 08:31 GMT+7

Với sự bùng nổ của công nghệ và trí tuệ nhân tạo, biên giới của giáo dục truyền thống đang dần bị xóa nhòa.

“Đi ngược” với đại học truyền thống

Tôi đi dạy nhiều, nhận ra rằng khả năng tư duy phản biện của người Việt rất thấp và tôi muốn dạy về điều đó. Tư duy phản biện là chủ đề không mới trên thế giới. Nhưng với Việt Nam không có sự giảng dạy chính thống và không phát triển thành một ngành khoa học
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng
Tháng 9.2018, tiến sĩ Vũ Thế Dũng (45 tuổi), thời điểm này là Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), bất ngờ nghỉ việc. Khi “bứt” ra khỏi môi trường công lập quen thuộc, anh bắt đầu xây những viên gạch đầu tiên cho Thinking School, một chương trình học bằng công nghệ e-learning, live streaming, qua các buổi giảng bài trên mạng về sáng tạo, tư duy phản biện.
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng nhớ lại: “Lý do tôi thành lập Thinking School nằm ở hai góc độ. Một là ở chữ Thinking. Tôi đi dạy nhiều, nhận ra rằng khả năng tư duy phản biện của người Việt rất thấp và tôi muốn dạy về điều đó. Tư duy phản biện là chủ đề không mới trên thế giới. Nhưng với Việt Nam không có sự giảng dạy chính thống và không phát triển thành một ngành khoa học. Hai là công nghệ. Hệ thống
e-learning và các hệ thống hiện nay cho phép làm tất cả nội dung mình giảng dạy, kể cả chơi game tư duy, học nội dung... Nếu cần tương tác, có hệ thống live streaming. Học trò ở Mỹ, Bình Dương, Đồng Nai… nếu vắng buổi học đó có thể xem lại. Toàn bộ hệ thống công nghệ hiện nay rất hoàn chỉnh. Tôi cảm thấy rất sướng và hạnh phúc vì sự sáng tạo ở đây rất lớn”.
Theo tiến sĩ Dũng, sự phát triển của Thinking School sẽ đi ngược với đại học truyền thống. Đi từ phát triển chương trình cho ngành công nghiệp, cho các công ty, sau đó mới quay lại xây dựng sản phẩm cho sinh viên. Nghĩa là đi từ ứng dụng rồi trở về.
Giáo dục trong kỷ nguyên sáng tạo
Đội ngũ của Thinking School chỉ sau vài tháng hoạt động

Len lỏi vào mọi ngõ ngách

Tháng 10 vừa qua, Giáo sư Trương Nguyện Thành, Đại học Utah (Mỹ), người nổi tiếng với việc mặc quần đùi trong một buổi dạy về sáng tạo đã về Việt Nam và có buổi nói chuyện về sáng tạo. Ông cho rằng hiện nay kỷ nguyên công nghệ đang thay đổi quá nhanh chóng, chúng ta sẽ không ngờ rằng tương lai trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi rất lớn trong giáo dục. Vậy những giảng viên sẽ làm gì? “Nếu như bây giờ giảng viên cứ ngồi và cứ đem những bài giảng từ cả 20 năm nay xào đi xào lại thì mọi người đang tự đào thải chính bản thân mình”, ông Thành cho biết.
Từ Utah, Giáo sư Trương Nguyện Thành vẫn không ngừng chia sẻ kiến thức với sinh viên qua những clip nói chuyện về sáng tạo đưa lên trang fanpage của ông. Chia sẻ với Báo Thanh Niên, ông cho biết sự sáng tạo cần len lỏi vào mọi ngõ ngách, mọi khâu trong giáo dục.
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng chia sẻ: “Các trường đại học của ta vô cùng kém sáng tạo vì đối tượng khách hàng là sinh viên đại học. Khi đăng ký vào trường, họ không có quyền tạo áp lực khiến trường thay đổi. Trong trường đại học, một chương trình 20 năm không thay đổi bao nhiêu
nội dung. Còn chúng tôi gần như tháng nào cũng có sản phẩm mới, vì khách hàng yêu cầu liên tục. Công nghệ hiện nay cho phép làm quá nhiều thứ. Nhưng các trường hiện nay mặc dù có e-learning nhưng chỉ xem như dịch vụ cộng thêm. Họ không thấy e-learning sẽ thay đổi rất căn cơ diện mạo của ngành giáo dục”.
Sự sáng tạo trong giáo dục cũng là cảm hứng của một cô giáo có biệt danh “bà giáo già” Tô Thụy Diễm Quyên. Năm 2015, tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu diễn ra tại Mỹ, cái tên Tô Thụy Diễm Quyên được cộng đồng giáo viên toàn thế giới biết đến khi được ban tổ chức xướng tên là giám khảo của cuộc thi, cũng là người châu Á duy nhất trong ban giám khảo. Đến năm 2016, bà được công nhận là Teacher Ambassador (Đại sứ giáo dục của Microsoft tại Việt Nam). Bà đi khắp nơi, lên mạng thường xuyên để chia sẻ tạo cảm hứng cho giáo viên và học sinh về các sáng tạo trong giáo dục, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Chỉ trong 3 năm, số giáo viên được bà tập huấn phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, dạy học theo dự án lên tới hơn 15.000 người ở khắp cả nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.