Giảng viên vật lộn giữa nghiên cứu và mưu sinh

12/10/2017 09:14 GMT+7

Từ hàng chục năm nay, bức tranh đời sống của giảng viên các trường ĐH gần như không thay đổi.

Để sống được, giảng viên phải đi làm hoặc dạy thêm bên ngoài. Chính điều này khiến giảng viên chẳng còn mấy thời gian để nghiên cứu khoa học dù đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
“Chân ngoài dài hơn chân trong”
Anh Nguyễn Đ. (38 tuổi) là tiến sĩ toán của một trường ĐH ở Hà Nội. Khi mới trở về nước giảng dạy năm 2009, anh khá háo hức với giấc mơ theo đuổi con đường học thuật. Tuy nhiên, với mức lương được trường trả cho lúc đó (khoảng 3,5 triệu đồng/tháng kể cả phụ cấp), anh Đ. buộc phải bươn chải mưu sinh bằng cách dạy thuê cho một vài trường ĐH tư thục và cả các trường phổ thông. Mỗi tuần, tiến sĩ Đ. chỉ dạy vài ba buổi cho các trường bên ngoài nhưng thù lao mỗi tháng còn hơn việc đi dạy cho 2 trường ĐH.
Hiện tại, sau gần chục năm, khoản lương mà trường ĐH trả cho tiến sĩ Đ. tuy cao hơn gấp đôi so với trước nhưng vẫn chưa đến 8 triệu đồng/tháng, không đủ để giúp anh trang trải nên anh vẫn “bán cháo phổi” cho một trường phổ thông. “Đó là trường tự chủ tài chính nên thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, nhưng bù lại tôi phải dạy 18 - 20 tiết/tuần, nhiều hơn mức của một giáo viên phổ thông bình thường. Vì thế mà tôi gần như không có thời gian nghiên cứu. Từ khi về nước đến giờ, tôi chưa có một bài báo quốc tế nào và thời gian tới có lẽ cũng sẽ không”, tiến sĩ Đ. chia sẻ.
Tâm sự của tiến sĩ Đ. cũng là nỗi niềm phổ biến của giảng viên (GV) trẻ các trường ĐH công lập.
Chị Vũ Bích Ngọc (35 tuổi), có bằng thạc sĩ tài chính ở Úc, GV của một trường ĐH công lập ở phía nam, cho biết công việc của chị ở khoa khá bận bịu, giảng dạy, tham gia hoạt động nghiên cứu, làm nhiều việc hành chính nhưng lương chỉ 6 triệu đồng/tháng. Thỉnh thoảng chị dạy dư tiết, rồi được chia thu nhập tăng thêm, nhưng tổng thu nhập bình quân mỗi tháng vẫn chỉ được khoảng 7 - 8 triệu đồng. Vẫn chẳng đủ chi tiêu cho hai mẹ con sống giữa TP.HCM nên vẫn phải đi dạy thêm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thời gian dành cho nghiên cứu của chị. Trong khi đó, một trong những lý do chị từ bỏ công việc có thu nhập cao ở ngân hàng để làm GV là do đam mê nghiên cứu khoa học.
Tìm cách ra đi
Nhiều GV trẻ không chịu nổi đời sống mòn của một “giáo Thứ” nên đã phải tìm cách ra đi. Tiến sĩ Võ Sỹ Nam (34 tuổi), hiện đang làm việc tại Trung tâm nghiên cứu ung thư MD Anderson (Mỹ), là một trong số đó. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, anh quyết định làm GV cho Trường ĐH Xây dựng. Dù khi lựa chọn con đường này thì tiến sĩ Nam đã biết trước chuyện thu nhập nhưng rốt cục anh vẫn phải “đầu hàng”.
Anh Nam cho biết được quãng một năm như vậy thì anh thấy không ổn. Vì thế, anh quyết tâm học ngoại ngữ để xin học bổng học tiến sĩ ở nước ngoài. “Nếu cứ chấp nhận mức lương như vậy đi dạy rồi làm ngoài kiếm tiền như vài người khác thì tôi không thích vì nghĩ nếu vậy thì thà ra ngoài hẳn kiếm tiền còn hơn. Ngoài ra, cái viễn cảnh trở thành “thợ dạy” là một thứ rất u ám với tôi”.
Còn chị Vũ Bích Ngọc cho biết cũng đang nỗ lực tìm kiếm học bổng để ra nước ngoài làm tiến sĩ, vì chỉ có con đường đó mới giúp chị tiếp tục vừa nuôi con nhỏ vừa theo đuổi việc nghiên cứu. (còn tiếp)
Thu nhập cao không có nhu cầu đi dạy thêm bên ngoài
Trong khi đó, ở một số trường được tự chủ toàn diện có thể tự quyết định mức lương GV thì thu nhập tương đối cao.
Một GV Trường ĐH Quốc tế TP.HCM cho biết thu nhập trung bình của GV trường này khoảng trên dưới 30 triệu đồng/tháng. Với một số vị trí và công việc đặc thù, thu nhập còn cao hơn. Ngoài giờ dạy chuẩn, trường còn trả thù lao từ 25 - 35 USD/giờ dạy. GV còn có thể tăng thu nhập nhờ vào hoạt động nghiên cứu khoa học ngay tại trường thông qua các dự án đặt hàng với khoảng 20 triệu đồng/tháng nếu tham gia đề tài lớn. “Do có thu nhập cao nên gần như GV của trường không có nhu cầu đi dạy thêm bên ngoài, có thời gian còn lại tập trung cho nghiên cứu và phục vụ sinh viên”, GV này khẳng định.
Hà Ánh

Đổi nghề vì lương thấp
Theo thống kê của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, trong số 984 GV của trường hiện khoảng 70 người có thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng. Trường ĐH Y Dược TP.HCM GV cũng có mức thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng. Một GV làm việc 25 năm tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng chỉ nhận chưa tới 10 triệu đồng/tháng thu nhập cứng dù là phó giáo sư, tiến sĩ.
Theo quy định của trường, với nhu nhập này sau khi hoàn thành 400 tiết giờ chuẩn/năm GV mới được tính thù lao của giờ dạy còn lại. Tuy nhiên, quy định này cũng khống chế GV không được dạy vượt quá 560 tiết, nên với khoảng 160 tiết thu nhập dạy vượt giờ cũng chưa tới 2 triệu đồng/năm.
Thu nhập thấp nên nhiều GV chọn cách làm thêm, dạy thêm bên ngoài để kiếm thêm thu nhập. GV trẻ một trường ĐH công lập tại TP.HCM cho biết một môn học 45 tiết dạy thêm ở trường ĐH ngoài công lập, số tiền thù lao nhận được 9 triệu đồng. Chị T.V, Trường ĐH Tài chính - Marketing, chọn cách làm thêm bằng kinh doanh riêng bên ngoài.
Một cựu GV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết đã phải đổi nghề sau 4 năm vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Theo người này, khi có bằng thạc sĩ thu nhập cũng chỉ 4,1 triệu đồng/tháng. Người này cho biết nếu chịu khó coi thi cật lực thì có thể kiếm thêm trên 2 triệu đồng/học kỳ. “Lương quá thấp không đảm bảo được cuộc sống. Với mức này nếu chỉ trả tiền thuê nhà cũng mất một nửa tháng lương. Cuối cùng mình đã quyết định từ bỏ công việc vốn rất yêu thích để tìm công việc khác lương cao hơn”, người này nói.
Trong buổi gặp gỡ báo chí mới đây, PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng trường không thể cấm GV "chạy sô" . Theo ông Sen, đây là khó khăn chung của trường ĐH hiện nay.
Hà Ánh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.