Giảng viên có thể nộp tiền bù giờ nghiên cứu khoa học ?

Hà Ánh
Hà Ánh
31/10/2019 08:02 GMT+7

Theo quy định, giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học, tương đương 578 giờ để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Nhưng quy định hiện nay của các trường có nhiều cách để giảng viên thay thế việc nghiên cứu bằng các hoạt động khác.

Theo thông tư quy định chế độ làm việc đối với giảng viên (GV) của Bộ GD-ĐT năm 2014, tổng quỹ thời gian làm việc của GV trong một năm học để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác trong trường là 1.760 giờ. Trong đó, GV phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Những người không hoàn thành nhiệm vụ này thủ trưởng cơ sở xem xét đánh giá, xếp loại thi đua và giải quyết các chế độ chính sách liên quan.

Không đủ thì được... bù

Dù quy định “cứng” là 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc cho nghiên cứu nhưng hiện nay nhiều trường vẫn có những quy định “mềm” để linh hoạt giải quyết cho các trường hợp không đủ định mức. Phổ biến nhất là cách bù giờ nghiên cứu khoa học từ giờ dạy vượt chuẩn.
Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cho phép việc bù giờ này tới tối đa 50% nhưng không được thực hiện liên tiếp 2 năm. Cụ thể, trường hợp GV dư giờ chuẩn giảng dạy nhưng thiếu giờ nghiên cứu sẽ được bù theo tỷ lệ 1 giờ chuẩn giảng dạy bằng 3,33 giờ nghiên cứu. Trong trường hợp giờ nghiên cứu thiếu nhưng giờ dạy không còn để chuyển đổi thì trường sẽ bố trí các công tác khác để bù. Ngoài ra, trường này còn có những “khoa ưu tiên” trong đó GV được giảm 50% định mức giờ nghiên cứu xuống còn gần 300 giờ/năm. Đó là các khoa phụ trách môn đại cương như: khoa học cơ bản, lý luận chính trị và mỹ thuật.
Trong quy định về định mức giờ chuẩn nghiên cứu khoa học của GV, Trường ĐH Phạm Văn Đồng cũng cho phép tính bù giờ tương tự. Cụ thể, nếu số giờ nghiên cứu nhỏ hơn giờ chuẩn quy định và dạy vượt giờ chuẩn thì số giờ vượt trong giảng dạy được tính bù vào giờ chuẩn nghiên cứu còn thiếu.
Đáng nói, có trường cho phép những GV không hoàn thành định mức nghiên cứu nhưng giảng dạy vượt định mức thì được lấy số giờ giảng dạy vượt mức bù cho số giờ nghiên cứu khoa học để tính thành tích thi đua, như Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai.

Nộp tiền thay vì nghiên cứu ?

Không chỉ bù giờ, có trường còn chấp nhận hình thức cho nộp tiền, như Trường ĐH Kinh tế - Luật. Trường này cho phép trong trường hợp GV không hoàn thành nghĩa vụ nghiên cứu thì số giờ không hoàn thành được bù bằng số giờ chuẩn giảng dạy vượt định mức, cứ 1 giờ chuẩn giảng dạy bằng 3,5 giờ nghiên cứu khoa học. Trong trường hợp số giờ nghiên cứu bị trừ lớn hơn số giờ giảng dạy vượt định mức thì sẽ có nghĩa vụ nộp tiền cho số giờ còn thiếu theo quy chế chi tiêu nội bộ. Tuy nhiên, nếu 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu sẽ xem xét hình thức kỷ luật khác.
PGS-TS Trịnh Quốc Trung, Trưởng phòng Quản lý khoa học Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho biết quy định này đưa ra nhưng chưa phải sử dụng, trừ những trường hợp đặc biệt như nghỉ việc mà chưa hoàn thành nhiệm vụ. “GV đi dạy vượt giờ được nhận tiền thì khi không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu, sau khi sử dụng giờ dạy vượt chuẩn để bù sang mà vẫn không đủ thì nộp tiền ngược lại để công bằng với người khác”, ông Trung giải thích.
Tuy nhiên, theo một GV của trường này thì không nên sử dụng biện pháp nộp tiền nếu thiếu giờ nghiên cứu. Người này nói: “Là GV thì không thể chỉ đi dạy hoặc làm nghiên cứu mà phải song hành cả 2 nhiệm vụ. Trong đó, kết quả nghiên cứu cần được chuyển giao đầu tiên cho sinh viên trước khi cho cộng đồng. Nhưng các trường cần tạo điều kiện để GV có thể tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khác nhau chứ không chỉ công bố bài báo. Đồng thời, cần thiết phân loại GV tùy theo ngành nghề mà cần mức độ tham gia nghiên cứu khác nhau”.
Ý kiến
Cần vừa dạy tốt vừa tích cực nghiên cứu khoa học
GV không chỉ có giảng dạy tốt mà nghiên cứu khoa học cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Tôi thích vừa là một nhà sư phạm tốt vừa là một cá nhân tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học, và cả những hoạt động liên quan khác...
THS-KTS Trương Ngọc Quỳnh Châu (giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)
Dạy dễ hơn nghiên cứu khoa học
Đi dạy dễ hơn nhiều. Nếu làm nghiên cứu thực sự thì không đơn giản. Nếu được đảm bảo có nền tảng thu nhập ở mức khá thì thái độ của GV với nhiệm vụ nghiên cứu sẽ khác. 
Giảng viên một trường ĐH công lập tại TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.