Giãn cách xã hội, hàng trăm sinh viên được học cách kết nối cùng... người lạ

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
21/07/2021 14:46 GMT+7

Làm sao để vượt qua những e dè, ngại ngùng khi giao tiếp và kết nối với người mình chưa từng gặp? Làm thế nào để tạo ấn tượng ban đầu, giúp cho một mối quan hệ mới luôn suôn sẻ và tốt cho công việc?

Đó là những thắc mắc về việc giao tiếp của nhiều sinh viên trong buổi tọa đàm trực tuyến "Kết nối cùng người lạ" do Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM phối hợp với các chuyên gia thực hiện tối 20.7.

Bí quyết để từ người lạ trở thành người dẫn đường 

Ngay đầu buổi tọa đàm, Quỳnh Như, sinh viên ngành công nghệ thực phẩm và Mỹ Hạnh, ngành quản trị kinh doanh, cùng đặt câu hỏi: "Em thường hay e ngại khi tiếp xúc với người chưa từng gặp. Vậy làm thế nào để thoát ra khỏi vùng an toàn, nói chuyện, giao tiếp với những người mới gặp lần đầu?".
Với kinh nghiệm hơn 11 năm trong lĩnh vực tư vấn phần mềm và thương mại điện tử, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Bộ phận Kinh doanh Mini Apps - Siêu ứng dụng Momo, lưu ý "người lạ" sẽ trở thành người quen, trở thành bạn bè, đối tác, khách hàng hay người dẫn đường, và họ có thể sẽ giúp đỡ các em trên bước đường thành công trong sự nghiệp.
"Đừng đánh mất cơ hội vì không dám kết nối với người lạ. Một trong những lý do khiến các em không giao tiếp tốt là chưa tự tin vào chính mình, sợ sẽ nói “hớ”, nói những điều không ai muốn nghe, hay sợ bản thân mình… nhạt. Tuy nhiên, không một ai sinh ra đã có sẵn khả năng giao tiếp vượt trội. Tất cả đều nhờ sự cố gắng rèn luyện, thực hành mỗi ngày với nhiều người", ông Hoàng Minh nói.

Ông Nguyễn Hoàng Minh (trái) cho rằng bạn trẻ cần mạnh dạn, tự tin và rèn luyện mỗi ngày để có khả năng giao tiếp tốt

T.K

"Hãy chuẩn bị một tâm thế dám chấp nhận va vấp ở những năm đầu đời, như vậy các em mới có thể được rèn giũa để trở nên cứng cáp hơn sau này. Khi có được sự mạnh dạn, tự tin thì các em sẽ sẵn sàng mở lời với người chưa quen, thậm chí với người đi trước rất thành công. Cơ hội sẽ đến với những người biết phá vỡ bức tường ngăn cách trong giao tiếp", ông Hoàng Minh nói.
Mỹ Kim, sinh viên năm 3 ngành quản trị kinh doanh, lại muốn biết cách giao tiếp với người lạ một cách tự nhiên và có duyên. Ông Hoàng Minh khuyên các bạn trẻ hãy đọc sách để tăng cường vốn từ vựng, cách diễn đạt, và nên chú trọng bối cảnh của câu chuyện để sử dụng từ ngữ cùng thái độ nói chuyện, ngôn ngữ cơ thể thật phù hợp.
Trong khi đó, Đỗ Thị Thu Thuỷ, sinh viên năm 2 ngành kinh doanh quốc tế, cho rằng cô có thể bắt nhịp rất nhanh trong nhiều cuộc gặp gỡ nhưng sau đó cảm thấy bản thân "đuối" và gần như bị quên lãng.
Về vấn đề này, bà Trâm Võ, người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực marketing và sale, nhấn mạnh “lắng nghe” chính là bí quyết.
"Đôi khi trong một cuộc giao tiếp, bạn không nhất thiết phải là người nói hoặc là người thống trị câu chuyện đó. Chỉ có lắng nghe mới giúp bạn là một phần trong cuộc hội thoại đó. Thậm chí, chỉ cần lắng nghe, bạn đã được người khác tôn trọng và nể phục", bà Trâm Võ chia sẻ.

Những điều cần ghi nhớ khi giao tiếp với nhà tuyển dụng

Bà Trâm Võ kể lại, khi tuyển dụng ứng viên, ngoài năng lực là điều tất yếu, bà còn có thang điểm riêng cho thái độ, tác phong trong lúc phỏng vấn lẫn những ngày đi làm đầu tiên và tất cả yếu tố này đều được thể hiện thông qua kỹ năng giao tiếp.
"Do đó, các bạn trẻ cần phải thể hiện được sự nhiệt tình, ham học hỏi, lắng nghe và chủ động nói chuyện với người khác với thái độ tích cực, niềm nở, nhưng cũng không quá vồ vập", bà Trâm Võ lưu ý.
Về vấn đề giao tiếp khi đi tuyển dụng, ông Nguyễn Hoàng Minh lưu ý thêm sinh viên cần ghi nhớ ít nhất 3 yếu tố cơ bản.
Đầu tiên là sự chỉn chu. Bạn trẻ cần tìm hiểu trước về công ty mình muốn ứng tuyển dù đó là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, vì điều đó thể hiện sự tôn trọng của bạn với công ty, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thái độ nghiêm túc của bạn đối với công việc.
Tiếp đến là sự chuyên nghiệp. Bạn trẻ hãy trả lời email, gọi điện thoại với nhà tuyển dụng dù mình có đến phỏng vấn hay không.  
Yếu tố cuối cùng là khi tham gia phỏng vấn trực tiếp, bạn trẻ hãy cố gắng nói chuyện một cách rõ ràng, dứt khoát về ý kiến, ý tưởng của mình nhưng vẫn thể hiện sự khiêm tốn, cầu thị, theo ông Hoàng Minh.

Bà Tú Lệ trao đổi với bạn trẻ trong một buổi toạ đàm thuộc dự án cộng đồng "1001 Real Jobs" 

MAI TRẦN

Cũng tại buổi tọa đàm, bà Khả Tú Lệ, người sáng lập dự án cộng đồng "1001 Real Jobs" và có 10 năm kinh nghiệm trong nghề tư vấn, cho rằng để có được kỹ năng giao tiếp khéo léo, hiệu quả, ngoài sự mạnh dạn, dám mở lòng, trải nghiệm nhiều, thì sinh viên hãy tìm ngay cho mình một hình mẫu để học tập và làm theo.
Sinh viên cũng nên tham gia thật nhiều buổi học ngoại khoá, tọa đàm, hội thảo... nơi có các nhà tuyển dụng, người thành công đến chia sẻ bí quyết, theo bà Tú Lệ. 
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết: "Trên thực tế, đa số sinh viên đều có tâm lý chung là ngại tiếp xúc, bối rối, thiếu kỹ năng khi kết nối với người mới gặp. Thời điểm giãn cách vì dịch Covid-19, chúng tôi muốn tổ chức buổi tọa đàm này nhằm giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng giao tiếp, giúp cho quá trình học tập cũng như làm việc sau này tự tin và thành công hơn".
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.