Giải quyết bức xúc của người dân bằng công nghệ

22/05/2017 10:01 GMT+7

Vấn đề sáng tạo, khởi nghiệp, vận dụng công nghệ để giải quyết những tồn đọng gây bức xúc cho người dân đã thu hút nhiều sự quan tâm trong cuộc gặp gỡ giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân với thanh niên vào ngày 21.5.

Cũng tại cuộc gặp này, đích thân Bí thư Thành ủy TP.HCM thực hiện khảo sát, trong đó có câu hỏi: Hãy chọn 5 vấn đề đang gây bức xúc nhất của đời sống người dân trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của thành phố hiện nay.
Để thành phố tốt hơn
Tiến sĩ trẻ Trần Hữu Lộc, giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết anh đang phụ trách một nhóm nghiên cứu khoảng 40 người chuyên nghiên cứu về robot. Tiến sĩ Lộc sôi nổi: “TP.HCM tồn tại rất nhiều vấn đề. Đối với tôi, những vấn đề đó chính là cơ hội để chúng ta phát triển. Nơi nào có vấn đề, nơi đó cần có sức trẻ, cần có sự sáng tạo. Làm sao để giải quyết những tồn tại của thành phố một cách tốt hơn, bằng cách thu hút các nguồn lực. Ví dụ như kẹt xe, khảo sát ở đây thấy rằng người trẻ ai cũng sử dụng điện thoại di động, vậy tại sao chúng ta không dùng công nghệ để giải quyết nạn kẹt xe? Theo tôi, TP.HCM và cả nước cũng như thế giới đang đứng trước những cơ hội để giải quyết các vấn đề bằng công nghệ”.

Người trẻ ai cũng sử dụng điện thoại di động, vậy tại sao chúng ta không dùng công nghệ để giải quyết nạn kẹt xe? Theo tôi, TP.HCM và cả nước cũng như thế giới đang đứng trước những cơ hội để giải quyết các vấn đề bằng công nghệ

Tiến sĩ Trần Hữu Lộc

Theo tiến sĩ Lộc, giới trẻ VN có rất nhiều ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, từ lúc có ý tưởng đến khi hoàn thành sản phẩm là một thời gian rất dài do thiếu sự hỗ trợ. Tiến sĩ Lộc dẫn chứng: “Chúng ta vừa có một học sinh mang cánh tay robot đi dự thi tại Mỹ và đoạt giải 3. Chúng ta rất tự hào về điều đó, nhưng làm sao để niềm tự hào đó đi xa hơn nữa? Chúng ta có thể sản xuất cánh tay robot ấy thành một sản phẩm cho cả thế giới biết để sử dụng được không? Muốn vậy phải có sự kết nối với chính quyền địa phương, kết nối với nhà đầu tư. Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có khả năng làm được điều đó”.
Anh Trần Trọng Nghĩa, Bí thư Đoàn Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, bày tỏ mong muốn thành phố biến khu ĐH Quốc gia TP.HCM thành mô hình khu đô thị thông minh để tạo điều kiện cho người trẻ học tập, nghiên cứu và sáng tạo. Theo anh Nghĩa, thành phố có cần điểm hướng dẫn những kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao cho thanh niên nông thôn. “Cần có những chính sách xây dựng thương hiệu và hỗ trợ đầu ra cho thanh niên, tránh tình trạng sản phẩm làm ra không có địa chỉ tiêu thụ cụ thể. Phải chú trọng tiêu thụ sản phẩm cho thanh niên nông thôn ngay tại thị trường trong nước trước khi hướng đến xuất khẩu. Làm được như thế sẽ cổ vũ thanh niên nông thôn tăng gia sản xuất, làm giàu trên chính mảnh đất của mình”, anh Nghĩa đề xuất.

tin liên quan

Sẽ bỏ biên chế ngành giáo dục
Từng bước giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xóa bỏ biên chế trong các đơn vị công lập nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của người lao động...

Mỗi thanh niên hãy là một giám sát viên
Sinh viên Nguyễn Thanh Huyền, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết mình là “dân” Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng có ý định ra trường sẽ lập nghiệp tại TP.HCM. Bởi theo Huyền, đây là thành phố đáng sống. Huyền kiến nghị cần khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp và đưa những chương trình khởi nghiệp vào giáo dục cho học sinh.
Hơn 90% bức xúc về môi trường, kẹt xe
Trực tiếp tham gia cuộc khảo sát thanh niên ngay tại hội trường diễn ra buổi gặp gỡ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết với câu hỏi khảo sát: “Bạn chọn 5 vấn đề đang gây bức xúc nhất về đời sống người dân trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của thành phố hiện nay?”, thông qua việc nhắn tin từ điện thoại, đã có 82 ý kiến trả lời. Trong đó, có đến 75 ý kiến (chiếm tỷ lệ hơn 90%) bức xúc về môi trường (rác thải, nước thải) và kẹt xe. Chiếm hơn 60% ý kiến cho rằng tình trạng quy hoạch còn nhiều bất hợp lý, 40% ý kiến bức xúc về vấn đề tham nhũng, tội phạm. Tiếp đó là những ý kiến về tiềm năng về con người, tiềm năng của kiều bào chưa phát huy đầy đủ để phát triển thành phố.
Là người có nhiều công trình sáng tạo, tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, giảng viên trẻ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trăn trở: “Thành phố có gần 3 triệu thanh niên, trong đó nhiều người rất sáng tạo và năng động. Chúng ta cần phải làm sao biến các ý tưởng, sức trẻ dư năng lượng, thiếu định hướng và trải nghiệm thành ngoại tệ chảy về thành phố. Có tiền, chúng ta sẽ xây dựng được nhiều thứ hơn... Bản thân tôi sẵn sàng tình nguyện đóng góp một ngày/tuần làm việc trí tuệ không lương để phát triển thành phố”.
Trước nhiều ý kiến quan tâm đến khởi nghiệp và sáng tạo, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho rằng đây là vấn đề thời thượng của giới trẻ và xã hội. Ông Liêm khẳng định thành phố có nhiều chương trình khuyến khích phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong thanh niên. Hiện nay, có 20 vườn ươm nằm ở trong những trường ĐH, khu công nghệ cao. Theo ông Liêm, điều quan trọng là có ý tưởng khởi nghiệp tốt, còn quỹ đầu tư thì không sợ thiếu. Thành phố đang triển khai thương mại hóa sản phẩm để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo hơn nữa.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị lãnh đạo thành phố quan tâm hơn đến việc tuyên truyền pháp luật về giao thông, đến đời sống văn hóa tinh thần của bạn trẻ, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông...
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: “Trở lại mái nhà xưa và lắng nghe các ý kiến, tôi thấy tự hào về thế hệ đoàn viên, thanh niên thành phố. Qua khảo sát, tôi thấy người dân và thanh niên thành phố đang rất quan tâm và bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là rác. HĐND TP.HCM đang chuẩn bị một cuộc họp chuyên đề về rác. Chúng tôi rất mong thanh niên, sinh viên sẽ cùng tham gia để giải quyết tình trạng rác thải. Với tinh thần ở đâu có thanh niên, ở đó có sáng kiến, mỗi thanh niên hãy là một giám sát viên của xã hội”. Bí thư Thành ủy TP.HCM gợi ý: “Đoàn thanh niên giám sát việc thu gom xử lý rác thải, giám sát các xe vận chuyển rác gây ô nhiễm và lập những đội giám sát các trung tâm xử lý rác thải của thành phố. Thanh niên đi đường, thấy ai xả rác, có thể dùng điện thoại chụp hình lại, nhắn tin gửi về trung tâm giám sát của tổ chức Đoàn. Làm được chuyện này, tôi tin Đoàn sẽ làm được những chuyện khác như xử lý nước thải, xây nhà trái phép...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.