Gần 10 điểm mỗi môn vẫn rớt đại học

02/08/2017 08:06 GMT+7

Chưa khi nào như năm nay, thí sinh đạt trung bình gần 10 điểm mỗi môn vẫn trượt ĐH. Nghịch lý là có những trường hợp thí sinh bị loại có điểm cao hơn thí sinh đã trúng tuyển do quy định làm tròn điểm, tiêu chí phụ hay điểm ưu tiên!

Rớt vì điểm làm tròn dù điểm thi cao hơn điểm chuẩn !
Một ngày sau khi các trường ĐH công bố điểm chuẩn trúng tuyển, Báo Thanh Niên đã nhận được phản ánh của nhiều thí sinh (TS) có điểm cao nhưng không trúng tuyển vào nguyện vọng (NV) mong muốn.
TS V.H.H (học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM) có tổng điểm thi 3 môn đạt 29,35 điểm (toán 9,6; hóa 9,75; sinh 10). Tuy nhiên, theo quy định làm tròn điểm số đến mức 0,25 của Bộ GD-ĐT trong năm nay, tổng điểm thi của TS này còn 29,25 điểm (xem box chi tiết).

Với điểm chuẩn ngành y đa khoa mà Trường ĐH Y Dược TP.HCM công bố (29,25 điểm), do có nhiều TS bằng điểm nên trường phải xét thêm 2 tiêu chí phụ: tiêu chí 1 là điểm thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia đạt từ 9 trở lên; tiêu chí 2 là điểm môn sinh phải từ 9,75 trở lên. Tuy nhiên, TS này chỉ đạt 8,8 môn tiếng Anh nên không thỏa mãn tiêu chí phụ đầu tiên và bị rớt.
Gần 10 điểm mỗi môn vẫn rớt ĐH
V.H.H bức xúc cho biết: “Chỉ cần dựa vào điểm thi gốc trước khi làm tròn thì em đã đủ điều kiện trúng tuyển mà không cần dùng đến tiêu chí phụ. Rõ ràng với cách làm tròn điểm năm nay em bị thiệt thòi hơn các TS đã trúng tuyển nhưng có điểm thấp hơn. Việc rớt NV1 trong trường hợp này đã khiến em mất đi ước mơ, quyết tâm mà em ấp ủ từ bé một cách oan ức”.
TS này còn cho biết, đúng ra với trường hợp nhiều TS điểm cao như năm nay, trường cần lấy tiêu chí phụ là điểm số thực trước khi làm tròn để đảm bảo quyền lợi TS. Vì theo TS này, nếu so sánh với TS khác đã có tên trong danh sách trúng tuyển nhưng điểm thi thật chỉ đạt 25,7 thì chưa hợp lý (TS này được cộng thêm 0,05 điểm để làm tròn thành 25,75 và cộng 3,5 điểm ưu tiên).
Một TS khác được 29 điểm nhưng trượt NV1 ngành răng hàm mặt vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM. TS này cho biết đã không dự thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia nên không đủ tiêu chí 1 (dù ở tiêu chí 2 điểm môn sinh đạt 9,5).
Nguyễn Duy Trường (học sinh Trường THPT chuyên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng “rơi” khỏi y đa khoa Y Hà Nội vì điểm chưa làm tròn chỉ được 29,15, cách ngưỡng trúng tuyển đúng 0,05 điểm, tương đương điểm của 1/5 câu trắc nghiệm (trong tổng số 40 câu).
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết việc làm tròn điểm là do Bộ GD-ĐT quy định và đã thực hiện sẵn trên phần mềm, trường chỉ tiếp nhận điểm đã làm tròn để xử lý. Về tiêu chí phụ, ông Khôi cho biết trường đã quy định rõ trong đề án tuyển sinh được công bố rộng rãi từ tháng 3. Theo đó, trường chỉ xét tiêu chí phụ thứ nhất với TS có kết quả thi THPT quốc gia môn ngoại ngữ hoặc có tên trong danh sách được miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ. TS không nằm trong 2 trường hợp này đương nhiên không được xét tiêu chí 1, đồng thời không được xét cả tiêu chí thứ 2.

Nghiệt ngã tiêu chí phụ và điểm ưu tiên
Quy định làm tròn điểm thi 2017
Bài thi môn ngữ văn chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25 và không quy tròn điểm.
Bài thi trắc nghiệm quy đổi sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm. Cụ thể, môn toán có 50 câu trắc nghiệm, mỗi câu là 0,2 điểm. Điểm số 0,2 làm tròn lên 0,25 điểm; 0,8 làm tròn xuống 0,75; 0,4 và 0,6 làm tròn thành 0,5. Điểm các môn trong bài thi tổ hợp được làm tròn tương tự. Mỗi môn thi có 40 câu, mỗi câu 0,25 điểm.
Điểm xét tuyển ĐH là tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển do trường quy định cho ngành đó, cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và được làm tròn đến hai số thập phân sau đó làm tròn theo bước 0,25.
Cụ thể, lấy 0,25 chia 2, nếu điểm dưới mức này thì làm tròn xuống mức dưới, trên mức này thì làm tròn lên mức trên.
Như các chuyên gia đã phán đoán sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường tốp trên gặp nhiều khó khăn trong việc định điểm trúng tuyển vào một số ngành nóng. Tất cả những trường này đều phải dùng đến tiêu chí phụ, thậm chí 3 - 4 tiêu chí. Kết cục là nhiều TS đành ngậm ngùi chấp nhận thua cuộc dù điểm thi bằng điểm chuẩn nhưng không đạt tiêu chí phụ.
Nguyễn Phùng Hưng, TS tự do ở Hà Nội, được 29,15 điểm khối B, sau khi làm tròn theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT thì được 29,25. Hưng thuộc diện học sinh khu vực 3, không được hưởng điểm ưu tiên. Hưng đăng ký NV1 vào ngành y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội. Dù trường này lấy điểm chuẩn ngành y đa khoa là 29,25 nhưng lại kèm theo 4 tiêu chí phụ. Ngay trong tiêu chí phụ đầu tiên (điểm xét tuyển, tức là có cả điểm ưu tiên, chưa làm tròn là 29,20) Hưng đã không đạt. Hưng cho biết: “Điều đáng tiếc nhất của em là đã điều chỉnh NV1 từ y đa khoa hệ quân sự của Học viện Quân y sang y đa khoa Hà Nội, sau khi biết mình được 29,25 điểm. Bởi điểm chuẩn năm ngoái của y đa khoa Y Hà Nội là 27 điểm, nên em nghĩ rằng không thể không đỗ”. Hưng chia sẻ: “Em ủng hộ việc tính cả điểm ưu tiên trong điểm chuẩn. Nhưng còn tiêu chí phụ thì tại sao các thầy Y Hà Nội không tính điểm thi thực tế giống như hầu hết các trường khác mà lại tính cả điểm ưu tiên vào nữa? Có công bằng không khi điểm ưu tiên được xét tới hai lần?”.
Nguyễn Thị Anh Thư, học sinh Trường THPT Xuân Hưng, Xuân Lộc, Đồng Nai cũng là TS có mức điểm cao (29,25) nhưng trượt y đa khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM. “Em bị rớt ngay ở tiêu chí phụ đầu tiên, điểm môn Anh văn (phải từ 9 trở lên)”, Anh Thư chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PV Báo Thanh Niên, cả nước có khoảng 1.260 TS khối B đạt từ 29,25 điểm trở lên (tính cả điểm ưu tiên). Trong khi đó, tổng chỉ tiêu ngành y đa khoa của 2 trường y nóng nhất của cả nước là Y Hà Nội và Y Dược TP.HCM chỉ hơn 800 (đã trừ tuyển thẳng). Một cán bộ tuyển sinh Trường ĐH Y Hà Nội cho biết: “Khi được Bộ GD-ĐT thông báo dữ liệu, ngay từ đầu chúng tôi đã lo những em 29,25 chưa chắc đã trúng tuyển y đa khoa nhưng không dám nói ra”.

Nhiều trường tốp trên có điểm chuẩn một số ngành rất cao (28 điểm trở lên) cũng đành phải ngậm ngùi chấp nhận cho rớt hàng trăm TS đạt ngưỡng điểm chuẩn, bằng cách dùng tiêu chí phụ.
Bà Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho biết ngành điểm chuẩn cao nhất của trường mình là 28,25 khối A và phải dùng tới 3 tiêu chí phụ. “Tôi không được biết ngành mà điểm chuẩn khối A (28,25) nếu không dùng tiêu chí phụ thì số trúng tuyển sẽ tăng vọt so với chỉ tiêu được tuyển là bao nhiêu. Nhưng quá trình điều chỉnh điểm chuẩn, có những khi chúng tôi chỉ nâng lên hạ xuống 0,25 cho một mốc điểm thì số danh sách xét tuyển bị thay đổi 400 em”, bà Hương nói.
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết trong mấy ngày sau khi thông báo điểm chuẩn, trường đã gặp những trường hợp khiếu nại vì con họ đạt điểm chuẩn nhưng không trúng tuyển. Ông Điền phân trần: “Ngay từ đầu tôi đã nói điểm năm nay rất sít, nên nếu không dùng tiêu chí phụ thì không thể xét tuyển được. Chẳng hạn ngành công nghệ thông tin chỉ tiêu là 500, nếu lấy 28,5 thì thiếu mà lấy từ 28,25 thì con số trúng tuyển đội lên thành gần 600. Bắt buộc phải dùng tiêu chí phụ để loại khoảng 80 TS. Đây là một cuộc chơi, luật chơi đã định ra từ trước. Trong quá trình tham gia các em không còn cách nào khác là chấp nhận luật chơi”.
Còn ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng sở dĩ các trường phải dùng tới nhiều tiêu chí phụ là do Bộ yêu cầu điểm xét tuyển phải làm tròn 0,25. “Nếu không làm tròn mà tính đến 0,01 thì từ 29 đến 30 điểm chúng ta sẽ có 100 mức. Đằng này vì làm tròn mà chỉ còn 4 mức”, ông Tớp nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.