Đừng để giáo sư 'dỏm' xét ứng viên thật

19/04/2017 09:30 GMT+7

Theo các nhà khoa học, để thúc đẩy nền khoa học phát triển, điều đầu tiên phải nghĩ tới là xây dựng được một đội ngũ chuyên gia có năng lực, đạo đức ở tất cả các ngành.

Khi xét phó giáo sư, giáo sư thì phải sử dụng được sức mạnh của đội ngũ ấy.
Bỏ phiếu kín hay hở?
Theo quy định hiện hành và cả trong dự thảo quy định mới về tiêu chuẩn phó giáo sư (PGS), giáo sư (GS) mà Bộ GD-ĐT đang soạn thảo, một ứng viên muốn được công nhận đạt tiêu chuẩn PGS, GS thì hồ sơ phải được xét qua 3 cấp hội đồng chức danh, gồm: cấp cơ sở, cấp ngành/liên ngành, cấp nhà nước. Như trong các bài trước Báo Thanh Niên đã phản ánh, do những quy định chưa đảm bảo tính khoa học mà những tiêu cực, bất công nảy sinh ở các hội đồng, chủ yếu là cấp cơ sở và cấp ngành/liên ngành.
Theo PGS Nguyễn Ngọc Châu (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN), một bất cập hiện nay trong cơ chế hoạt động của các hội đồng cơ sở, hội đồng ngành là ở khâu bỏ phiếu kín, từ đó cơ hội được phản biện của ứng viên hầu như không có. PGS Châu đề xuất: “Ứng viên hiện chỉ có quyền “một chiều” là nộp hồ sơ. Nên chăng, ứng viên cũng cần có quyền được biết, được phản hồi các quyết định sai trái đối với mình. Để công khai, minh bạch quá trình xem xét, ứng viên cũng cần được tham gia đối chiếu kết quả thẩm định, làm sáng tỏ sự khác biệt nếu có và được thông báo lý do không được thông qua”.
Nhưng nhiều ý kiến khác thì cho rằng việc bỏ phiếu kín phù hợp với thông lệ quốc tế trong việc thẩm định các hoạt động chuyên môn hay hồ sơ của một nhà khoa học. Hơn nữa, mỗi phương thức biểu đạt ý kiến (bỏ phiếu hay biểu quyết) đều có ưu nhược điểm riêng, không có phương thức nào là hoàn hảo.

tin liên quan

Không thể để thật giả lẫn lộn
Theo nhiều nhà khoa học, cội rễ của những quy định 'không giống ai' là do nền khoa học VN hiện nay được tạo nên và vận hành bởi các thành tố phi khoa học. Vì thế mà trong không gian khoa học, thật giả đang lẫn lộn.
GS Hoàng Xuân Phú (Viện Toán học) nói: “Bỏ phiếu thì sẽ xảy ra nguy cơ người xứng đáng cũng bị gạch, nhưng biểu quyết còn nguy hiểm hơn ở chỗ người không xứng đáng cũng được ủng hộ. Cho nên đã bỏ phiếu hay biểu quyết đều phải chấp nhận ý kiến chủ quan. Vấn đề là làm thế nào để ý kiến chủ quan đó không đi ngược lại với lợi ích của nền khoa học, lựa chọn được những người xứng đáng làm PGS, GS. Vấn đề nằm ở chất lượng của hội đồng, mà chất lượng đó được làm nên bởi tư cách khoa học, năng lực khoa học của từng thành viên trong hội đồng. Theo đó, chọn được một hội đồng xứng đáng là vấn đề sống còn của chất lượng đội ngũ PGS, GS”.
PGS Nguyễn Ngọc Minh (Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội) cũng nêu ý kiến: “Quy trình thành lập hội đồng mà không chuẩn thì chắc chắn sẽ khiến các bạn trẻ lo ngại hồ sơ của mình có được đánh giá đúng không. Vì thế, đây là vấn đề cần được bàn thật kỹ để mọi ứng viên đều có thể tin tưởng vào hội đồng, thay vì lo lắng “chạy cửa trước chạy cửa sau” như hiện nay”.
Thành viên hội đồng phải là nhà khoa học có năng lực, đạo đức
Theo PGS Đỗ Văn Nam (Viện Tiên tiến khoa học và công nghệ AIST, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), các thành viên hội đồng phải có trình độ, có trách nhiệm và tâm huyết rất cao. PGS Nam cho rằng do khó yêu cầu một nhà khoa học phải am tường các chuyên ngành trong một ngành nên cần phải có cơ chế tham vấn chuyên gia khi các hội đồng hoạt động.
GS Lê Tuấn Hoa (Viện Toán học) cũng cho biết theo thông lệ quốc tế, ý kiến các chuyên gia chính là tiêu chuẩn quan trọng nhất. GS Hoa đề xuất: “Trong hội đồng ngành vừa cần những thành viên có tầm nhìn bao quát, những người có trình độ uyên thâm đã có những kết quả nghiên cứu tốt, vừa cần có nhiều nhà khoa học giỏi, còn đang trực tiếp nghiên cứu để biết được tính thời sự của các vấn đề khoa học trong ngành”.
PGS Nguyễn Ngọc Châu cũng cho rằng nếu vẫn duy trì hội đồng ngành thì Hội đồng chức danh GS nhà nước nên tham khảo cách lập hội đồng ngành của Quỹ Nafosted. Nghĩa là phải tổ chức bầu qua mạng các thành viên. Trước khi bầu thì công bố danh sách kèm theo hồ sơ khoa học của từng ứng viên. “Cần phải có tiêu chí rõ ràng cho ứng viên tham gia hội đồng ngành nhằm đảm bảo họ phải thực sự là những nhà khoa học có trình độ, có năng lực. Rõ ràng anh không đạt chuẩn quốc tế thì khó mà ngồi đấy xét những người khác. Có như thế mới tránh được tình trạng GS “dởm” xét ứng viên GS thật”, PGS Châu chia sẻ.
Thành viên hội đồng chức danh phải có bài báo công bố quốc tế
Theo PGS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN), bản dự thảo tiêu chuẩn chức danh GS, PGS có một khiếm khuyết cơ bản là không đòi hỏi thành viên các hội đồng - người đóng vai trò thẩm định và nắm khâu quyết định với thành công của cải cách tiêu chuẩn các chức danh - phải có bài báo quốc tế. Vì vậy, cần đòi hỏi công bố quốc tế đối với thành viên các hội đồng chức danh của 5 năm gần nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.