Từ cảm hứng sống xanh đến đại diện quốc gia của Viện tăng trưởng xanh toàn cầu

04/12/2020 14:30 GMT+7

Thời điểm đặt chân đến New Zealand 20 năm trước, chị Mỹ Hạnh cũng không thể ngờ cuộc đời mình lại rẽ sang một hướng khác: Từ cô sinh viên ngành tài chính đến vị trí Đại diện Quốc gia của Viện tăng trưởng xanh toàn cầu.

Chị Lê Thị Mỹ Hạnh, tốt nghiệp Đại học Lincoln bậc Cử nhân Thương mại và Quản lý, Kinh tế, Tài chính và Kinh doanh Quốc tế (2002-2004), hiện đang giữ vị trí Đại diện Quốc gia của Viện tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI)

Chị Lê Thị Mỹ Hạnh, tốt nghiệp Đại học Lincoln bậc Cử nhân Thương mại và Quản lý, Kinh tế, Tài chính và Kinh doanh Quốc tế (2002-2004), hiện đang giữ vị trí Đại diện Quốc gia của Viện tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI)

Cảm hứng sống xanh từ quốc đảo xanh New Zealand

Việc chuyển hướng trên con đường sự nghiệp của chị Hạnh không phải một quyết định nhất thời mà giống như mối duyên được bồi đắp theo năm tháng. Sau khi hoàn tất chương trình du học bậc Cử nhân theo diện học bổng Chính phủ New Zealand, chị từng bước xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực tài chính, từ chuyên viên tài chính của Deloitte, UNDP, UNEP, đặc biệt là làm việc cho cơ quan Chính phủ New Zealand, phụ trách tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế, mảng Năng lượng trước khi chuyển hẳn sang một lĩnh vực mới mẻ là Phát triển Bền vững (PTBV).
“Thiên nhiên của New Zealand có một vẻ đẹp vừa vĩ đại vừa lãng mạn. Bạn sẽ cảm nhận được không khí trong lành, tiếng chim hót, bầu trời xanh trong vắt, nước suối ngọt ngào. Vì thế, bạn sẽ cảm thấy mình là một phần bé nhỏ của thiên nhiên và luôn muốn bảo vệ cho cái đẹp tuyệt vời này”, chị Hạnh chia sẻ lối sống thân thiện với môi trường, luôn ý thức phải gìn giữ và bảo tồn thiên nhiên của con người New Zealand đã truyền cảm hứng và góp phần hình thành nên con người của chị của hiện tại.
Chị Hạnh vinh dự là một trong 6 cựu du học sinh được nhận giải thưởng New Zealand Outstanding Alumni Award 2020, nhưng vì ảnh hưởng của Covid-19 nên không thể trực tiếp tham dự

Chị Hạnh vinh dự là một trong 6 cựu du học sinh được nhận giải thưởng New Zealand Outstanding Alumni Award 2020, nhưng vì ảnh hưởng của Covid-19 nên không thể trực tiếp tham dự

Và mới đây, chị Hạnh đã trở thành một trong 6 cựu du học sinh New Zeland được Đại sứ quán, Cơ quan Giáo dục New Zealand trao tặng giải thưởng ‘New Zealand Outstanding Alumni Award 2020’. Giải thưởng vinh danh những đại diện ưu tú của thế hệ HSSV Việt Nam thụ hưởng nền giáo dục đẳng cấp thế giới của New Zealand, đạt được những thành công trong sự nghiệp và tích cực đóng góp cho xã hội.

Phát triển bền vững trở thành xu hướng của thế giới

Năm 2009, khi chị Hạnh đặt chân đến Singapore - vốn nổi tiếng là một trong những quốc gia xanh và sạch nhất thế giới, PTBV vẫn là một điều gì đó xa lạ. Nhưng giờ đây, nó đã trở thành chiến lược quốc gia, giúp Singapore dù có tốc độ đô thị hóa chóng mặt nhưng vẫn duy trì được chất lượng sống ở mức cao. Với họ, PTBV không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ mà đã trở thành mối quan tâm của từng con người, từng doanh nghiệp. Thậm chí, các công ty lớn ở đây đều dành một vị trí cho PTBV để hỗ trợ sản xuất, vận hành và đảm bảo công ty đang phát triển đúng hướng. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, nhất là khi PTBV luôn là vấn đề được những nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong bối cảnh đầu tư nước ngoài toàn cầu suy giảm tới 40% trong năm 2020 nhưng kết quả thu hút đầu tư nước ngoài trong 8 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn rất khả quan, với tổng vốn đăng ký gần 20 tỉ USD. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ khi mà khi doanh nghiệp Việt Nam đang rất thiếu nhân sự có kiến thức, có kinh nghiệm về PTBV hoặc nếu có thì rất manh mún và chưa toàn diện. Tình hình thực tế đó đã làm nảy sinh nhu cầu nhân sự của một nhóm ngành nghề mới: Phát triển bền vững.

New Zealand - môi trường lý tưởng để trang bị tư duy bền vững

Là quốc gia đề cao PTBV, tư duy PTBV được New Zealand lồng ghép vào các chương trình học từ bậc phổ thông lên những bậc học cao hơn, hiện hữu trong mỗi hoạt động của Chính phủ, xã hội, trong đời sống hằng ngày của người dân. Vì thế, ý thức bảo vệ môi trường và sống thân thiện cùng thiên nhiên đã trở thành “đặc sản” của New Zealand, và không gì tuyệt vời hơn khi được hấp thụ di sản này ở chính nơi tạo ra nó.
Thiên nhiên tươi đẹp ở New Zealand là cảm hứng để người trẻ phát triển tư duy bền vững

Thiên nhiên tươi đẹp ở New Zealand là cảm hứng để người trẻ phát triển tư duy bền vững

“Mảng chính bên GGGI đang phát triển là Digital Transformation for Green Growth (Chuyển đổi số cho tăng trưởng xanh), tôi luôn muốn sử dụng New Zealand là mô hình mẫu vì những nét tương đồng giữa quốc đảo này và Việt Nam”, chị Hạnh cho biết thêm.
Các trường đại học ở đây cũng phát triển thêm các ngành học chuyên về PTBV phù hợp với xu hướng công việc trong tương lai như Tái tạo năng lượng, Hoạt động bền vững (ĐH Victoria Wellington); Kiến trúc và Môi trường (ĐH AUT); Quản lý Tài nguyên nước (ĐH Canterbury); Khoa học ứng dụng trong Quản lý môi trường (ĐH Otago); Thực hành Bền vững (Học viện Otago Polytechnic)… Các trường đại học ở New Zealand liên tục đạt thứ hạng cao về chỉ số phát triển bền vững (dựa trên kết quả thực hiện 17 mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc) cho thấy đây là môi trường tuyệt vời cho những nhân sự PTBV trong tương lai của Việt Nam.
Tìm hiểu thêm giáo dục New Zealand tại: https://www.studyinnewzealand.govt.nz/
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.