Bước đệm miễn phí vào ĐH Mỹ

13/01/2009 23:07 GMT+7

Sang Mỹ học miễn phí 1 năm phổ thông theo các chương trình trao đổi văn hóa vốn nhằm mục đích tăng cường giao lưu, trao đổi hiểu biết về văn hóa, giáo dục... Thế nhưng đối với 99% phụ huynh và du học sinh Việt Nam thì đây chính là bước đệm vào ĐH Mỹ.

Một con số thống kê không chính thức thì hằng năm có khoảng gần 500 học sinh VN sang Mỹ theo các chương trình trao đổi văn hóa (một số nơi còn gọi là học bổng trao đổi văn hóa). Học sinh diện này phải trong độ tuổi từ 15 đến 18, được học 1 năm phổ thông tại trường công lập của Mỹ không mất học phí, người học có thể chọn tiểu bang theo nguyện vọng của mình. Trong một năm đó sẽ được sống cùng gia đình cha mẹ nuôi người bản xứ, phụ huynh sẽ phải chịu các khoản chi phí gồm: tiền vé máy bay khứ hồi, bảo hiểm và các chi phí hành chính khác... thông thường dao động từ 7.000 USD – 9.000 USD. Ngoài ra hằng tháng việc tiêu xài của học sinh tại Mỹ cũng vào khoảng 300 USD (tùy từng em).

Học sinh VN được đánh giá cao

Chương trình này đã phổ biến và hấp dẫn ở VN đến mức nhiều trung tâm du học làm dịch vụ thường yêu cầu phụ huynh nên đăng ký trước 1 năm để giữ chỗ. Đại diện tổ chức SMG (Student Management Group) tại VN, một đơn vị được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho phép và tài trợ thực hiện chương trình, cho biết gần như năm nào cũng phải đề nghị tổng hành dinh tại New York tăng thêm chỉ tiêu cho VN.

Ngay chính những người quản lý chương trình cũng nhận xét: học sinh trao đổi văn hóa đến từ VN là dễ quản lý nhất vì không có trường hợp nào quậy phá hay lộn xộn như một số quốc gia khác. Bà Barbara Bostock (Middletown, New York) nói rất chân thành: “Tôi đã làm đại diện vùng cho các hoạt động giao lưu văn hóa suốt 17 năm, đón tiếp khoảng 1.500 em ở khắp nơi trên thế giới, nhưng quả thật học sinh Việt Nam đặc biệt sáng dạ, tốt và tử tế...”.

Dan Mayer, điều phối viên tổ chức SMG, nhận xét: “Học sinh Việt Nam khi sang đây theo chương trình trao đổi văn hóa đều có một đặc điểm chung là ham học, quan tâm rất lớn đến việc học hành. Nhưng chúng tôi thực sự muốn thấy các em có thêm những trải nghiệm khác khi tham gia các hoạt động ở trường như khiêu vũ, bóng bầu dục, sinh hoạt ngoại khóa... Đó là những hoạt động mà các em nên tham gia khi theo học chương trình này”.

Tất cả các em học sinh mà chúng tôi có dịp gặp tại Mỹ đều chung một nhận xét, đó là phải vượt qua quãng thời gian ban đầu rất nhớ nhà, thường là một, hai tháng đầu, sau đó mọi việc sẽ tốt đẹp. Em Hồng Ngọc (Đà Nẵng) đang học tại New York thú thật: “Ở nhà cái gì ba mẹ cũng làm, mình chỉ có việc học. Nhưng sang đây ai cũng học được tính tự lập rất cao, không ai bắt buộc mình phải giúp việc nhà cho cha mẹ nuôi nhưng tự mình sẽ thấy muốn giúp họ, vì như ba mẹ nuôi của em rất tốt, hơn cả những gì em nghĩ khi chưa sang đây...”.  Một đặc điểm mà các chương trình trao đổi văn hóa hiếm khi nói ra công khai đó là các điểm trường dành cho du học sinh thường là ở những khu vực xa các trung tâm thành phố lớn, ở những thành phố vệ tinh nhỏ hay miền quê đậm chất Mỹ để tránh các ảnh hưởng của đô thị hiện đại và cũng dễ quản lý các em.

Nhiều thuận lợi để học tiếp tại Mỹ

Chính vì xem như đây là bước đệm vào ĐH Mỹ nên du học sinh trong diện trao đổi văn hóa thường tranh thủ tích lũy cả tín chỉ của bậc cao đẳng cộng đồng (CĐCĐ) hoặc ĐH ngay trong lúc học phổ thông với mức học phí được ưu đãi rẻ hơn. Các chương trình này do những trường trung học hợp tác với các trường ĐH, CĐ trong khu vực để thu hút học sinh. 

Một con số thống kê không chính thức thì có đến 70% du học sinh Việt Nam từ con đường trao đổi văn hóa tiếp tục học ở Mỹ tại các trường CĐCĐ. Bởi trong khi học phí ĐH công lập ở Mỹ từ 10.000 - 25.000 USD/năm, trường tư từ 18.000 - 37.000 USD/năm thì ở các CĐCĐ chỉ khoảng 5.000 - 8.000 USD/năm, sau đó chuyển tiếp vào ĐH 2 năm để hoàn tất bậc cử nhân. Thậm chí với một đơn vị hỗ trợ tư vấn tốt bạn có thể vào học tại những trường CĐCĐ mà ở đây vốn có mối liên kết với các ĐH lớn, danh tiếng để việc nộp đơn vào học ĐH có phần thuận lợi hơn những hồ sơ khác. Chẳng hạn University of California, Los Angeles (UCLA), University of California, San Diego (UCSD)... ưu tiên hơn đối với sinh viên của CĐCĐ Glendale (California); Harvard, Massachusetts... ưu tiên hơn đối với sinh viên từ trường Bunker Hill (Boston)... (xem thêm ở www.duhocosd.com). Một trong những chuyên gia hỗ trợ du học sinh Việt Nam chuyển tiếp sau chương trình giao lưu văn hóa, ông Dal Swain (Giám đốc điều hành tổ chức FLS – California), người đã nhiều lần đến VN, nói với chúng tôi: “Ở VN, tôi đã gặp nhiều hiệu trưởng, nhiều phụ huynh và cả học sinh nữa, tất cả đều hỏi rằng: “Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi tôi hoàn tất chương trình trung học (cả giao lưu văn hóa lẫn tự túc)? Chúng tôi có thể tiếp tục chuyển tiếp vào học các trường ở Mỹ?”. Câu trả lời đơn giản là được”. 

Nếu ở vài trường học sinh theo học giao lưu văn hóa không được cấp bằng tú tài Mỹ thì các em có thể vào CĐCĐ với bảng điểm của mình. Ông Nguyễn Phương Thức, Trưởng đại diện SMG tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chỉ có một nguyên tắc duy nhất khi cấp visa tiếp tục là làm sao du học sinh thể hiện được ý định về nước sau khi học. Do đó, thậm chí dù có xin được học bổng và được phía Mỹ cho chuyển đổi loại visa để tiếp tục học sau trung học thì cũng nên về nước sau khi hoàn tất năm giao lưu văn hóa rồi xin visa khác trở qua lại để không ảnh hưởng đến việc xin visa của chính mình và những người thân trong gia đình bạn khi muốn đến Mỹ sau này”.

Trọng Phước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.