Du học sinh Việt Nam học cao học tại Mỹ chưa cao?

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
03/05/2018 16:06 GMT+7

Số lượng du học sinh Việt Nam học cao học, nghiên cứu sinh tại Mỹ chưa cao, trái ngược với nhiều nước khác ở châu Á.

Theo dữ liệu mới nhất của Sở Di trú Mỹ (tháng 3.2018), hiện có 31.613 du học sinh Việt Nam ở Mỹ. Trong đó, có 1.379 người đang theo học bằng tiến sĩ, và 2.813 người theo học các chương trình thạc sĩ. Tổng cộng, số du học sinh học từ cao học trở lên chiếm khoảng 13% tổng số du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Tỷ lệ này thấp hơn so với nhiều nước châu Á khác. Cụ thể, tỷ lệ du học sinh sau ĐH của Trung Quốc tại Mỹ là 44%, Ấn Độ là 87%...

Ấn Độ có số sinh viên sang Mỹ học cao học vừa cao về số lượng vừa cao về tỷ lệ. Trong tổng số 211.703 du học sinh Ấn Độ tại Mỹ, có 163.782 người đang theo học các chương trình cao học, 21.615 sinh viên học ĐH và 2.668 sinh viên học CĐ cộng đồng.

Theo tiến sĩ Đinh Công Bằng, chuyên gia giáo dục tại Mỹ, con số này của Ấn Độ cho thấy đa số sinh viên du học Ấn Độ hoàn tất ĐH ở trong nước rồi mới sang Mỹ học cao học và tiến sĩ.

Cũng theo thống kê, trong tổng số 30.817 sinh viên/học sinh Việt Nam đang ở Mỹ cuối năm 2017, có 3.998 em học phổ thông, 3.233 em học tiếng Anh, 9.246 em học CĐ, 852 em học nhiều thứ khác... Số lượng này chiếm đến 56% tổng số du học sinh. Tiến sĩ Đinh Công Bằng cho rằng đây là những con số đáng buồn. Tại sao không học tiếng Anh, học CĐ... ở Việt Nam?...

Tiến sĩ Bằng cho rằng tỷ lệ sinh viên sau ĐH thấp dẫn đến ít nhất hai vấn đề cho cá nhân. Một là rất khó xin việc thực tập và việc làm chính thức ở Mỹ. Hai là nếu về Việt Nam khi chưa có nhiều kinh nghiệm, chỉ với bằng ĐH, thì khả năng tham gia hiệu quả vào thị trường lao động cũng không cao. Với cộng đồng thì còn có những vấn đề khác nữa. Đây là những câu hỏi không chỉ dành cho mỗi gia đình mà còn cho các nhà giáo dục và các nhà đầu tư ở Việt Nam. 

Minh Châu, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường ĐH Maryland (Mỹ), cho rằng bởi vì hệ thống ĐH của Trung Quốc và Ấn Độ đủ mạnh để sinh viên có thể bắt kịp với bạn cùng lứa ở các nước phát triển. Các trường ĐH khối C9 của Trung Quốc (Thanh Hoa, Bắc Kinh, Chiết Giang, Giao Thông Thượng Hải…), các trường khối IIT và IIS của Ấn Độ, khối SKY của Hàn Quốc (Seoul National Univ, Korea Univ, Yonsei) đều tập trung nhân tài của những nước này. Những trường vừa nêu đều có khả năng nghiên cứu, giáo dục đào tạo tốt. Vì thế, số lượng sinh viên học ĐH trong nước tại các quốc gia này rất cao, khác với Việt Nam.

Giáo sư Trương Nguyện Thành (Trường ĐH Utah, Mỹ), nhận định: “Với việc quỹ giáo dục Việt Nam - VEF (Vietnam Education Foundation) không còn hoạt động nữa, tôi nghĩ số lượng sinh viên Việt Nam qua Mỹ học tiến sĩ sẽ còn giảm nhiều hơn. Trừ khi ĐH ở Việt Nam nâng cao chất lượng hơn nữa thì mới có thể giảm đi tình trạng này”. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.