'Dự báo điểm chuẩn của các trường công an sẽ rất cao'

26/02/2016 17:01 GMT+7

Tại hội nghị tuyển sinh các trường khối công an được tổ chức sáng nay 26.2, Bộ Công an cho biết, năm nay chỉ tiêu vào các trường của ngành giảm đi gần một nửa, nên việc tuyển sinh vào các trường này sẽ rất căng thẳng.

Tại hội nghị tuyển sinh các trường khối công an được tổ chức sáng nay 26.2, Bộ Công an cho biết, năm nay chỉ tiêu vào các trường của ngành giảm đi gần một nửa, nên việc tuyển sinh vào các trường này sẽ rất căng thẳng.

Đăng ký tuyển sinh - Ảnh minh họaĐăng ký tuyển sinh - Ảnh minh họa
Báo cáo tại hội nghị, thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân cho biết, năm ngoái, tổng chỉ tiêu của cả ngành khá lớn, khoảng 9.500 (trong đó ĐH là 4.500). Năm nay, tổng chỉ tiêu chỉ còn 5.000, trong đó ĐH 3.200 (giảm 1.300), CĐ 600 (giảm 1.100), Trung cấp 1.000 (giảm 1.900), hệ văn hóa còn 200 (giảm 200).
“Trong khi đó, số thí sinh đăng ký dự tuyển có chiều hướng gia tăng, vì vậy dự báo điểm chuẩn của các trường sẽ rất cao”, ông Cẩn thông tin. Ông Cẩn cũng khẳng định các trường thuộc lực lượng công an vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.
Học trung bình và khá không nên xét tuyển
Lo ngại về tình trạng quá tải trong tuyển sinh khi xét tuyển, thiếu tướng Nguyễn Quý Khoát, Phó giám đốc Học viện An ninh cho biết, trước đây ngành công an đã từng đưa ra một số quy định liên quan tới học lực với những thí sinh muốn đăng ký dự thi vào các trường trong ngành, nhưng vì nhiều lý do, các quy định này đã phải bỏ. Tuy nhiên, để giảm áp lực tuyển sinh cho ngành, các cán bộ ngành công an cần tăng cường giải thích, tuyên truyền về những đặc thù tuyển sinh của ngành này để thí sinh nào thấy không phù hợp thì không nộp hồ sơ dự tuyển. “Nếu cháu học trung bình hoặc khá thì tôi khuyên là nên tìm trường khác, nhất là năm nay trong điều kiện chỉ tiêu giảm gần một nửa”, ông Khoát chia sẻ. Một đại diện Học viện Cảnh sát Nhân dân cũng cho biết, năm ngoái Học viện này có hơn 14.000 thí sinh nộp phiếu đăng ký dự tuyển khiến cho việc tổ chức xét tuyển rất vất vả.
“Công an các địa phương cần tổ chức tuyên truyền thật tốt về kỳ tuyển sinh, nói rõ với những người có ý định dự tuyển vào các trường công an rằng các em phải có học lực giỏi trở, kết quả thi THPT quốc gia rất khá thì mới nên dự tuyển vào các trường công an”, trung tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân nói.
Sẽ có quy định mới về lý lịch
Rút kinh nghiệm của kỳ xét tuyển năm ngoái, năm nay Bộ Công an dự kiến sẽ ban hành một số quy định mới liên quan tới những yêu cầu đặc thù trong tuyển sinh của ngành này, trong đó nổi bật là nội dung liên quan đến vấn đề thẩm tra lý lịch của thí sinh dự tuyển.
Theo ông Cẩn, năm nay Bộ Công an dự định sẽ yêu cầu công an các địa phương phải thẩm tra, kết luận tiêu chuẩn lý lịch của tất cả thí sinh đăng ký dự xét tuyển vào trường khối Công an nhân dân, trước khi nộp hồ sơ xét tuyển về các trường (năm 2015 thực hiện theo cơ chế hậu kiểm, nghĩa là thẩm tra sau khi thí sinh có kết quả nằm trong diện trúng tuyển). Quy định này nhằm ngăn chặn những “sự cố” thí sinh điểm cao nhưng “rắc rối” vì lý lịch nên bị trượt (phải có ý kiến của lãnh đạo Bộ Công an mới trúng tuyển) như năm 2015.
Đại diện Công an tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc bộ cho phép trúng tuyển một số trường hợp có đơn thư đưa lên công luận như năm ngoái, cán bộ chiến sĩ công an Quảng Bình không đồng tình lắm. “Giải pháp trong vấn đề này là Bộ Công an nên công khai hóa các quy định các tiêu chuẩn chính trị đối với người muốn dự tuyển vào ngành công an, để văn bản liên quan vấn để này ở chế độ “tối mật” như hiện nay khiến cán bộ công an địa phương làm công tác tuyển sinh ở địa phương chỉ có thể giải thích với người dân, e là khó rành rẽ và vì thế khó thuyết phục”, vị đại diện này nói.
Đại diện Công an Hà Nội đề nghị vẫn để chế độ hậu kiểm với việc thẩm tra tiêu chuẩn lý lịch, ít nhất là với những địa phương có lượng thí sinh lớn như Hà Nội. Theo vị đại diện này, nếu phải kiểm tra kỹ càng lý lịch của bất kỳ thí sinh nào đăng ký dự tuyển vào ngành công an thì mất rất nhiều thời gian. Ngược lại, đại diện Công an TP.HCM lại cho biết, địa phương mình đã thực hiện thẩm tra lý lịch với thí sinh trước kỳ xét tuyển từ năm ngoái. Nhờ thế, nhiều thí sinh điểm cao nhưng tiêu chuẩn lý lịch không đủ đã kịp rút hồ sơ khỏi ngành công an để nộp ra trường ngoài.
Trao đổi về vấn đề này, ông Thiều cho rằng đề nghị của Hà Nội là không thỏa đáng khi một địa phương cũng đông thí sinh và lý lịch của thí sinh phức tạp hơn nhiều là TP.HCM đã làm rất tốt mà Hà Nội lại không làm được.
Thượng tướng Bùi Quang Bền, Thứ trưởng Bộ Công an kết luận, các nội dung đưa ra trong hội nghị là để quán triệt thực hiện, trong đó có chủ trương không hậu kiểm lý lịch. Tất cả các đơn vị công an địa phương cả nước thống nhất phải có kết luận thí sinh đã đủ điều kiện lý lịch, rồi mới nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển của các em về các trường, tuyệt đối không để thí sinh điểm cao sau đó lại trượt vì lý lịch, gây bức xúc trong dư luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.