Đồng tiền chi phối, đại học tư bất ổn - Kỳ 2: Nhập nhằng lợi ích công, tư

25/12/2013 03:00 GMT+7

Các chuyên gia giáo dục cho rằng để giải quyết bất ổn của đại học tư thục cần phải có loại hình trường không vì lợi nhuận.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng để giải quyết bất ổn của đại học tư thục cần phải có loại hình trường không vì lợi nhuận.

Đồng tiền chi phối, đại học tư bất ổn: Nhập nhằng lợi ích công, tư

Cần có cơ chế rõ ràng, quy định minh bạch để các trường ĐH ngoài công lập có điều kiện phát triển. Trong ảnh: Sinh viên trong thư viện của một trường ĐH ngoài công lập có uy tín tại TP.HCM  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Lẫn lộn giữa vì lợi nhuận và bất vụ lợi

 

Đa dạng hóa loại hình trường

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa cho biết: Ở một số nước trên thế giới, chẳng hạn như Mỹ, các trường ĐH phi lợi nhuận không được tổ chức như các công ty cổ phần, không vì mục đích lợi nhuận, không được chia lãi vì thế trong điều lệ các trường tư thục loại đó không có khái niệm cổ đông. Ngược lại, trường do hội đồng tín thác quản lý. Hội đồng này gồm những người có uy tín do các nhà tài trợ chọn, các nhà quản lý giáo dục, cộng đồng giáo viên và cộng đồng sinh viên, bao gồm cả cựu học viên.  Ông Nghĩa cho rằng VN phải tính tới việc, ngoài các loại hình ĐH hiện hành, nên suy tính cho phép ra đời các trường ĐH tư thục phi lợi nhuận.

Theo GS Lâm Quan Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, một trong các lý do của sự chậm trễ khi chuyển đổi loại hình trường từ dân lập sang tư thục là các văn bản pháp quy không làm rõ khái niệm lợi nhuận hay không lợi nhuận.

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết các quy định hiện hành ở nước ta chỉ mới có một quan niệm xem trường ĐH tư thục như một công ty cổ phần kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục ĐH. Mặc dù không sử dụng thuật ngữ “vì lợi nhuận” nhưng thực chất quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH tư thục ở VN chỉ tập trung vào loại hình vì lợi nhuận. 

Mới đây, tại nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giáo dục ĐH ban hành ngày 24.10.2013 đã có tiêu chí xác định những trường không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục thì quy định trong nghị định này vẫn chưa thực sự chính xác.

Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng nếu quan niệm không vì lợi nhuận chỉ biểu hiện thông qua lợi tức mà chưa quan tâm đến sự độc quyền can thiệp vào các hoạt động hằng ngày của các cổ đông lớn đối với nhà trường là chưa thật sự thỏa đáng. Ông Khuyến cho biết: “Theo thông lệ chung, các cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận phải thể hiện qua 3 tiêu chí:  Không chia lợi nhuận cho cá nhân; toàn bộ tài sản của trường thuộc sở hữu cộng đồng; được quản lý bởi một hội đồng đại diện cho tất cả các nhóm có lợi ích liên quan trong cộng đồng xã hội, bao gồm nhiều thành phần: nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà giáo dục, nhà quản lý, chính trị gia...”.

Trường học không chỉ là doanh nghiệp

Theo quy định hiện hành, các trường ĐH tư thục thuộc về sở hữu cá nhân và người có tiền thì có quyền. Trong khi đó, nhiều trường không muốn đi theo mô hình này mà muốn trở thành trường không vì lợi nhuận và chủ sở hữu là tập thể nhà trường.

GS Trần Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết ngay từ những ngày đầu thành lập, trường ông đã được xây dựng theo mô hình tư thục: Toàn bộ nguồn vốn hoạt động của trường đều hình thành từ vốn góp của tư nhân - các thành viên sáng lập, cán bộ, nhân viên, giảng viên và cộng tác viên của trường. Tuy nhiên theo ông Phương, ở trường này quyền lực không phải trao vào tay những người có số vốn lớn nhất như quy chế ĐH tư thục hiện hành. Đặc biệt, trường không mời nhà đầu tư làm chủ trường mà là những người góp vốn (hầu hết là cán bộ, công nhân viên, giáo viên) và một số người có công sáng lập. Đồng thời, nhà trường quy định việc chuyển nhượng cổ phần chỉ được trong nội bộ cổ đông để ngăn cản việc bán trường. 

Theo ông Lê Viết Khuyến, ở nhiều nước chủ nhân thực sự của một trường ĐH tư thục thường là cộng đồng xã hội bao gồm tất cả những ai có liên quan đến hoạt động của nhà trường, trong đó nhà đầu tư chỉ góp một thành phần đại diện. Đây là mô hình của kiểu trường ĐH không vì lợi nhuận rất phổ biến hiện nay trên thế giới. Để khuyến khích loại trường này, nhiều nước đã quy định trong luật pháp buộc nhà đầu tư phải cam kết không can thiệp vào hoạt động nội bộ của trường.

Ông Khuyến phân tích, trường ĐH tư thục không phải là một doanh nghiệp bình thường mà là một đơn vị hoạt động lấy giáo dục con người làm mục tiêu phục vụ. Trong khi mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận tối đa thì bản chất trường tư thục lại không phải vì lợi nhuận tối đa, mà hướng sản phẩm sinh viên tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội. Có thể có một số khâu trong quản lý nhà trường giống với quản lý doanh nghiệp nhưng không vì thế mà coi nhà trường như doanh nghiệp. Ông Khuyến khẳng định: “Không nhất thiết phải có vốn góp mới được tham gia quản lý trường đại học; một người góp nhiều vốn cho việc xây dựng và phát triển nhà trường thì cũng không thể vì thế đương nhiên được giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt trong nhà trường”.

Vũ Thơ

>> Đồng tiền chi phối, đại học tư bất ổn - Kỳ 1

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.