Đối thoại về sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại: Gay gắt, chia rẽ

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
04/01/2020 07:51 GMT+7

Cuộc đối thoại được mong đợi về sách công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại giữa tác giả và Bộ GD-ĐT đã diễn ra sáng qua một cách gay gắt và kết thúc trong nặng nề mà không tìm được tiếng nói chung.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, sáng 3.1, Bộ GD-ĐT tổ chức đối thoại với tác giả sách công nghệ giáo dục là GS-TS Hồ Ngọc Đại; PGS-TS Nguyễn Kế Hào, người có thư gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sau khi Hội đồng thẩm định quốc gia sách giáo khoa (SGK) lớp 1 “loại” sách của ông Hồ Ngọc Đại sau vòng thẩm định đầu tiên. Chủ trì phía Bộ GD-ĐT là Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, cùng tham gia có Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK một số môn học liên quan.

Đúng quy trình nhưng vẫn... “không bình thường”

Mở đầu buổi đối thoại, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT trình bày quy trình thẩm định SGK lớp 1 thời gian vừa qua để chứng minh việc thẩm định tất cả các bản thảo SGK lớp 1 là đúng quy định. Theo đó, trong 11 bản thảo sách được đánh giá “không đạt” sau cả hai vòng thẩm định, có một số cuốn các tác giả đã sửa để tham gia thẩm định lại từ đầu (từ tháng 12.2019) và nay việc thẩm định đã tiến hành xong vòng 1. Ông Tài cũng cho biết trình tự thành lập Hội đồng thẩm định chương trình công nghệ giáo dục và các vòng thẩm định, cũng như quy trình thẩm định SGK. Theo đó, kết quả thẩm định của các vòng là nhất quán.
 
Đối thoại về sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại: Gay gắt, nặng nề
GS Đại không thể tiếp tục muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói như khi làm “vua” ở Trường Thực nghiệm của mình. Khi thẩm định theo chương trình mới thì phải tuân thủ quy định và kết quả thẩm định là sách không còn phù hợp và nếu muốn tiếp tục thì phải sửa
GS TRẦN ĐÌNH SỬ (Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt)

PGS Nguyễn Kế Hào, tác giả của các bức thư gửi lãnh đạo Chính phủ và Bộ GD-ĐT, điểm lại những thành tựu đã được thực tiễn chứng minh trong suốt hơn 40 năm của công nghệ giáo dục và cho rằng việc sách công nghệ giáo dục bị đánh giá không đạt, bị loại bỏ là “không bình thường, đã làm cho dư luận xã hội quan tâm, nhiều người bức xúc”.
PGS Nguyễn Kế Hào cho rằng: Cách xử lý vấn đề này cũng không quá khó mà hoàn toàn trong tầm và trong quyền hạn của Bộ trưởng. Bộ trưởng vẫn dựa vào hội đồng thẩm định đã có nhưng để cho hội đồng làm việc theo tinh thần đổi mới, cởi mở hơn; vẫn đánh giá theo Thông tư 33, các chỉ báo được vận dụng linh hoạt để giữ được bản sắc riêng của mỗi bộ sách. Điều cơ bản là đảm bảo việc đánh giá qua thực tiễn, đây mới là thước đo đáng tin cậy, không thể thiếu trong đánh giá sách, đánh giá hoạt động dạy và học ở tiểu học.
PGS Hào cũng nhắc tới ý kiến của các chuyên gia trả lời trên báo chí, cho rằng sách được thẩm định chỉ là bước đầu, quan trọng là sách đó phải được thực nghiệm trong cuộc sống rồi mới cho triển khai chính thức. Bên cạnh đó, có chuyên gia đề nghị sách của GS Hồ Ngọc Đại cần được thẩm định theo một cách khác... “Vậy Bộ GD-ĐT có ý kiến ra sao về những đề xuất này?”, PGS Hào chất vấn, “Cuốn sách đã tồn tại 40 năm, chúng ta không thể nào nhận xét cuốn sách đó không tốt hay không có tính thực tiễn được”.

GS Hồ Ngọc Đại không “oán giận”, không sửa

GS Hồ Ngọc Đại cho biết ông đến cuộc đối thoại này chỉ muốn được xác nhận bộ sách công nghệ giáo dục của mình được sử dụng cho năm học mới đồng thời bày tỏ, khi sách Công nghệ lớp 1 bị loại cả môn toán và tiếng Việt, cá nhân ông không hề “oán giận” gì hội đồng thẩm định vì “tôi hiểu họ chỉ làm việc của mình. Vấn đề là họ đã được giao làm như thế nào”. GS Đại cho rằng hội đồng thẩm định thời gian qua chỉ làm việc như một công việc dịch vụ chứ không phải là khoa học. Trong đó thành viên hội đồng thẩm định được lựa chọn, ký hợp đồng, đặt cọc, thực hiện rồi nhận tiền...
 
Đối thoại về sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại: Gay gắt, nặng nề
Tôi không thể sửa chữa gì nữa ngoài những cái tôi đã có và gửi thẩm định lần này. Cuốn sách của tôi trong 40 năm qua tôi đã sửa hằng năm và chỉ có thể sửa chữa đến một mức nào đó là dừng
GS HỒ NGỌC ĐẠI

Ông Đại nêu quan điểm về khoa học giáo dục của mình khi xây dựng bộ sách từ lớp 1 đến lớp 5 và tái khẳng định: “Tôi không thể sửa chữa gì nữa ngoài những cái tôi đã có và gửi thẩm định lần này. Cuốn sách của tôi trong 40 năm qua tôi đã sửa hằng năm và chỉ có thể sửa chữa đến một mức nào đó là dừng”.

Hội đồng thẩm định: Nếu muốn tiếp tục thì phải sửa

Đại diện hội đồng thẩm định vẫn nhắc lại quan điểm đã từng trả lời báo chí về lý do sách của GS Đại bị loại, đó là chưa phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
PGS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn toán, khẳng định kết luận của hội đồng thẩm định là đủ độ tin cậy. Về nguyên tắc, có chương trình mới là có những chương trình tương ứng và phải chấp nhận tính mất hiệu lực dù có những sách hiện hành vẫn rất hay nhưng sang chương trình mới nó không phù hợp nữa.
Về việc hiện có hơn 900.000 học sinh lớp 1 ở 48 tỉnh, thành tình nguyện học sách Tiếng Việt công nghệ 1, PGS Kiều cho rằng khó có thể lấy số lượng người sử dụng để nói cuốn sách tiếp tục tồn tại.

GS Đại yêu cầu đối thoại với học sinh

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh tới việc Bộ phải thực hiện nghiêm túc theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Nếu Bộ thực hiện một cách thẩm định khác sách của GS Hồ Ngọc Đại thì sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các bộ sách, cuốn sách khác.
Ông Độ nói: “Mong các thầy điều chỉnh cho phù hợp với chương trình mới, có thể không kịp năm nay thì sang năm có thể sửa chữa thẩm định lại để đến được với các trường vào năm sau”.

Tuy nhiên, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định ông không thể sửa theo yêu cầu, điều đó không có nghĩa là ông “chống lại” chương trình mới nhưng ông phải bảo vệ theo nội dung, tư tưởng, đường lối của mình và điều đó không có gì mâu thuẫn với chương trình mới, chỉ là cách nói khác nhau. “Sau cuộc đối thoại này vẫn chưa yên lành đâu. Bộ phải đối thoại với người dân, với học sinh chứ không phải đối thoại trong phòng họp như thế này”, GS Đại đề nghị.
GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt, cũng khẳng định: “GS Đại không thể tiếp tục muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói như khi làm “vua” ở Trường Thực nghiệm của mình. Khi thẩm định theo chương trình mới thì phải tuân thủ quy định và kết quả thẩm định là sách không còn phù hợp và nếu muốn tiếp tục thì phải sửa”.
Về đề nghị hội đồng thẩm định phải linh hoạt hơn, các đại diện hội đồng thẩm định trên đều khẳng định đã làm hết sức linh hoạt để giữ bản sắc riêng của từng bộ sách. “Hội đồng thẩm định không chỉ “gật” và “lắc” mà còn đưa ra những ý kiến góp ý cụ thể để các tác giả hoàn thiện sách của mình”, GS Sử khẳng định.
Đến dự buổi tọa đàm còn có PGS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, Bộ GD-ĐT, nơi quản lý trực tiếp Trường Thực nghiệm (do GS Hồ Ngọc Đại là “cha đẻ”) và là nơi từng thẩm định chương trình công nghệ giáo dục. PGS Vinh khẳng định, sau khi nghiên cứu kỹ sách của GS Đại, ông (Lê Anh Vinh) thấy rất thích cách tiếp cận của sách và bày tỏ mong muốn GS Đại vẫn giữ cách tiếp cận như vậy, nhưng có chỉnh sửa cho phù hợp hơn.
PGS Vinh cũng bày tỏ sự trân trọng trước “sức sống” của sách công nghệ tới hơn 40 năm và vẫn được các nhà trường tự nguyện đón nhận và cho rằng “phép thử” khó nhất với bất kỳ bộ sách nào, đó là sự kiểm chứng của thực tiễn, của thời gian...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.