Đổi mới phương pháp dạy học: Chấm dứt hoàn toàn đọc – chép

04/01/2009 21:56 GMT+7

Tại cuộc hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 3.1, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: một trong những tiêu chí quan trọng nhất là sẽ lấy ý kiến nhận xét của học sinh (HS) về cách dạy của giáo viên (GV).

Dạy học đối phó với  thi cử

Ông Lê Quán Tần - Vụ trưởng Vụ GD trung học (Bộ GD-ĐT) chỉ ra 6 nhược điểm lớn trong quá trình dạy học của GV. Một trong những nhược điểm đó là sự bảo thủ trong nhận thức và thói quen dạy học thụ động, nặng đối phó với  thi cử. Một bộ phận GV khác thì quen dạy "chay", ngại sử dụng thiết bị dạy học, một số khác thì lại lạm dụng trực quan, lạm dụng máy chiếu...

Về việc sử dụng chương trình và sách giáo khoa, theo ông Tần, phần lớn GV chưa nghiên cứu nắm vững chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình. Khi giảng bài, thường trình bày hết toàn bài trong SGK, kể cả những phần HS có thể tự học... Ông Tần so sánh: Đối với các nước, SGK chỉ là "bản đồ hành quân" của GV nhưng ở nước ta thì SGK lại là "pháp lệnh". Trong quá trình kiểm tra kiến thức cũng vậy, GV để cho HS đọc thuộc SGK để trả lời câu hỏi. Đây lại là điều chứng tỏ GV đã thất bại hoàn toàn khi so sánh với phương pháp dạy học mới. Vấn đề đặt ra là GV phải đặt câu hỏi mở để HS nói được chính kiến và khả năng tư duy của mình.

Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng khẳng định: việc kiểm tra, thi cử hiện nay vẫn còn nặng về tái hiện kiến thức, ít vận dụng nên không phát hiện được các đặc điểm tư duy của học sinh. Việc kiểm tra như vậy rõ ràng chưa hỗ trợ và thúc đẩy người GV buộc phải đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, phương pháp dạy học tích cực còn thể hiện ở thái độ của GV với HS, của không khí lớp học. Nếu GV làm chủ được phương pháp và lớp học của mình thì tiếng ồn trong lớp là rất cần thiết.  Ông Lê Quán Tần nêu ví dụ: một giờ học ngoại ngữ phải được đánh giá thế này: HS nói đúng: rất tốt; HS nói sai: vẫn tốt; nhưng khi HS không nói gì thì nghĩa là không tốt. Tuy nhiên, ông Tần cho rằng: phần lớn GV hiện nay vẫn chỉ quan tâm đến việc HS nói đúng hay sai. Nếu HS sai thì vẫn nặng về trách móc, cho điểm kém mà không chú trọng đến việc khai thác lỗi để HS biết vì sao mình sai.

Học sinh sẽ nhận xét giáo viên

Khẳng định việc đổi mới phương pháp dạy học của GV cần có môi trường thuận lợi, đó là sự động viên khích lệ, tạo điều kiện và hỗ trợ của cán bộ quản lý GD và đồng nghiệp. Tuy nhiên, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhận định: vẫn còn hiện tượng chính hiệu trưởng là người đi sau, thậm chí là người cản trở GV trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học. Thời gian tới đây, hiệu trưởng phải là người đi tiên phong, phải trả lời được câu hỏi: đổi mới như thế nào để đạt hiệu quả tốt  nhất?

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn phát biểu: nếu không tạo động lực và sự hỗ trợ cần thiết cho GV thì dù có phát động nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động cũng không thể thay đổi được cách dạy học cũ. Đã đến lúc chúng ta không thể để GV "đơn độc" và "tự bơi" trong quá trình đổi mới. Phải cụ thể hóa khái niệm "dạy tốt" và xem lại việc công nhận GV dạy giỏi như hiện nay. Không thể đạt danh hiệu GV  "dạy giỏi" chỉ qua giờ lên lớp của một cuộc thi nào đó. GV giỏi trong cách nhìn nhận mới chắc chắn phải là tấm gương về đổi mới phương pháp dạy học. Tới đây, một trong những tiêu chí quan trọng nhất sẽ được áp dụng để đánh giá cách dạy của GV có tích cực hay không chính là dựa vào ý kiến nhận xét của HS. Việc lấy ý kiến này sẽ tiến hành theo nhiều hình thức khác nhau: hỏi trực tiếp hoặc phát phiếu thăm dò (mà người trả lời không nhất thiết phải nêu danh tính của mình). Bên cạnh đó, sẽ tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc đọc - chép ở một số môn học.

Người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng khẳng định: khoảng tháng 4.2009, Bộ GD-ĐT sẽ có đánh giá toàn diện hơn về thực trạng dạy học ở bậc phổ thông hiện nay. Đồng thời, sẽ ban hành hướng dẫn về cách thức đổi mới phương pháp dạy học để các cơ sở        GD-ĐT căn cứ vào đó xây dựng những hướng dẫn chi tiết cho phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở mình. Và, ngay cuối năm học này, sẽ có hình thức khen thưởng đặc biệt hơn đối với GV nỗ lực đổi mới phương pháp chứ không chỉ là những danh hiệu chung chung như hiện nay.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.