Đổi mới giáo dục theo cách riêng

01/01/2014 09:15 GMT+7

Không hẹn mà gặp, cả phóng viên lẫn cộng tác viên của Thanh Niên đều chọn Giáo sư Ngô Bảo Châu cho cuộc trò chuyện giáo dục trong ngày đầu năm.


Giáo sư Ngô Bảo Châu giao lưu với học sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội nhân ngày khai giảng năm học 2013 - 2014 - Ảnh: Lê Đăng Ngọc 

Thoát ra khỏi danh hiệu người đoạt giải thưởng FIELDS, Giáo sư Châu hiện được xem là một trong những người đang nỗ lực đi tìm những con đường, cách thức cho sự chuyển biến trong giáo dục. 

Ngày càng xuất hiện nhiều nhóm dân sự hoạt động với khát vọng tìm đường đổi mới cho giáo dục, trong đó có nhóm Học Thế Nào (hoạt động tại website http://hocthenao.vn) của Giáo sư Ngô Bảo Châu. Trò chuyện cùng Thanh Niên, Giáo sư Châu cho biết: Ý tưởng lập nhóm Học Thế Nào nảy sinh sau sự kiện tôi có bài nói chuyện hồi đầu năm trong một chương trình do Quỹ Hòa bình quốc tế tổ chức ở Đông Nam Á. Để chuẩn bị cho bài nói chuyện đó, tôi suy nghĩ nhiều về chuyện học và chuyện dạy. Vì muốn tiếp nối suy nghĩ của mình, tôi mời một số bạn bè quen biết cùng lập một trang web, tạo một diễn đàn nghiêm túc để bàn về việc giáo dục ở VN. Nội dung thể hiện trên trang Học Thế Nào xuất phát từ sự quan tâm của bản thân mỗi chúng tôi về chủ đề học hành, đồng thời có liên quan ở một mức độ nhất định đến chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục của nhà nước.

Qua hơn nửa năm hoạt động, Giáo sư đã thấy trang Học Thế Nào chuyển tải được phần nào kỳ vọng ban đầu của nhóm chưa?

Có một số điều đáng ghi nhận, chẳng hạn chất lượng bài vở được giới thiệu nói chung khá tốt. Trên trang Học Thế Nào, chúng tôi nói chuyện với phong cách phát biểu, trao đổi tương đối ổn định. Trong một chừng mực có thể, những người tham gia trao đổi trên trang đưa ra ý kiến của mình dựa trên trải nghiệm công việc, dựa vào suy nghĩ có lý lẽ chứ không phải xuất phát từ sự bức xúc hay sự khó chịu nhất thời nào đó.

Nhưng trong thời gian tới, ngoài việc chỉ đăng bài, sưu tầm tài liệu, nhóm cần phải chia thành các nhóm nhỏ và đầu tư thời gian để nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hơn về những vấn đề của chính sách giáo dục đang được xã hội quan tâm.

Theo tôi, trong giáo dục, nhà nước không thể làm hết mọi việc. Có rất nhiều việc mà sáng kiến ban đầu xuất phát từ xã hội dân sự, từ những người quan tâm thực sự tới giáo dục chứ không phải làm việc theo sự chỉ đạo của nhà nước. Đó là những người muốn tổ chức công việc theo suy nghĩ của mình, có thể đúng, có thể sai, nhưng điều quan trọng là họ hành động và chúng ta có thể nhìn thấy kết quả công việc của họ. Tôi luôn cổ vũ những hoạt động được xuất phát từ những người có thiện tâm, muốn việc giáo dục cho con em của chúng ta tốt hơn. Còn nếu như có sự bất đồng quan điểm về khoa học giáo dục, về công tác giảng dạy thì cứ để thực tế chứng minh.

Sự xuất hiện những nhóm xã hội dân sự (tuy còn manh nha) trong lĩnh vực giáo dục là những dấu hiệu tích cực bởi nó thể hiện tính chất hữu cơ trong vận động xã hội. Tự thân cuộc sống đưa ra những yêu cầu, xã hội vận động theo những yêu cầu đó chứ không vận động theo chủ trương chính sách. Không ai hiểu rõ mong muốn của người dân trong việc giáo dục con cái hơn chính họ.

Nhiều trí thức phàn nàn ý kiến của họ không được cơ quan thẩm quyền tiếp thu rốt ráo. Học Thế Nào miệt mài đăng tải các ý kiến phản biện giáo dục như vậy rồi sẽ đi đến đâu? Liệu ông có nản lòng?

Nản lòng thì không. Còn chuyện ý kiến có được lắng nghe hay không thì không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của mình. Tôi tin Học Thế Nào đạt được những hiệu ứng ở mức độ nào đó, nhất là vào thời điểm hiện tại, khi mà Bộ GD-ĐT đang phải đầu tư vào việc xây dựng một chính sách giáo dục tốt hơn. Ở các nước khác họ phải bỏ ra khá nhiều tiền để thuê những công ty tư vấn, nghiên cứu các vấn đề thực trạng để đưa ra một số giải pháp.

Sau đó những người làm chính sách chỉ đơn giản chọn một trong số những giải pháp được đề xuất. Cũng gần giống như thế, Học Thế Nào tự nguyện thực hiện tư vấn cho những người làm chính sách. Tất nhiên, ngay cả các nước khác, việc tư vấn là một chuyện còn người làm chính sách quyết định như thế nào là một chuyện khác.

Tự thân khai sáng

Ngoài nhóm Học Thế Nào hiện có một số cá nhân thực hiện đổi mới giáo dục theo cách mà họ suy nghĩ và mong muốn. Chẳng hạn như nhóm Cánh Buồm của nhà giáo Phạm Toàn, nhóm GiapSchool của anh Giáp Văn Dương, hoặc nhóm của thầy giáo Lê Anh Vinh (người trẻ nhất vừa được phong hàm phó giáo sư năm 2013 )...

Giáp Văn Dương sinh năm 1976, vốn là nhà khoa học từng làm việc tại ĐH Liverpool (Anh) và ĐH Quốc gia Singapore. Cổng giáo dục trực tuyến mở GiapSchool chính thức ra mắt cộng đồng tại địa chỉ: www.giapschool.org vào tháng 8.2013. Đây là cổng giáo dục trực tuyến mở tiên phong tại Việt Nam, ra đời cùng nhịp với trào lưu giáo dục trực tuyến mở, hiện đang phát triển rất sôi động trên thế giới khoảng 1 - 2 năm trở lại đây.

Mục đích hoạt động của GiapSchool là đưa tri thức hiện đại của thế giới về VN nhanh nhất, rẻ nhất và thuận lợi nhất, thông qua việc sử dụng công nghệ internet và điện toán hiện đại. Đồng thời, qua các hoạt động giáo dục của mình, GiapSchool khuyến khích tinh thần tự học và học tập suốt đời của mỗi công dân. Vì lẽ đó, GiapSchool đã tự chọn khẩu hiệu cho mình là “Tự thân khai sáng” để cổ vũ tinh thần tự giáo dục, tự khai sáng của mỗi người.

Bộ GD-ĐT luôn trân trọng và lắng nghe

Nhiều nhóm dân sự đang nỗ lực góp ý và có những hành động cụ thể cho công cuộc đổi mới giáo dục. Cá nhân tôi cũng thường xuyên tiếp xúc, làm việc với các nhóm khác nhau... Về nguyên tắc, chúng tôi trân trọng và lắng nghe tất cả các ý kiến đa chiều, vì trong lĩnh vực GD-ĐT có đặc điểm là khó ai có được cái nhìn toàn diện. Chúng tôi thu thập có hệ thống tất cả những ý kiến đóng góp cho ngành và phải nói rằng, các quyết định của chúng tôi vừa qua trong việc đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT đã dựa trên việc tiếp nhận và xử lý thông tin của các kênh khác nhau, thuộc nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

“Làm cái gì đó, nhỏ thôi nhưng phải thiết thực”

Hồi đầu năm, trường chúng tôi nhận được thông báo của Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM rằng Giáo sư Ngô Bảo Châu đến thăm trường. Nhưng rồi kế hoạch ấy bị hoãn vì lịch làm việc trong chuyến đi ấy không cho phép anh Châu đến nhiều trường. Tôi rất muốn sinh viên trường tôi được thấy một Ngô Bảo Châu “bằng xương bằng thịt" nhưng đành chịu. Phần mình, tôi tiếc vì mất cơ hội được gặp một nhà toán học, một nhà giáo quan tâm đặc biệt đến giáo dục VN.


Giáo sư Ngô Bảo Châu và tác giả - Ảnh: tác giả cung cấp

Dịp Giáo sư Ngô Bảo Châu gặp mặt sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, tôi có giấy mời. Nghĩ là có thể gặp Ngô Bảo Châu nhưng phút cuối tôi cũng không dự được do có việc đột xuất.

Gần cuối năm, tôi nhận được thư điện tử từ một thành viên quản trị mạng hocthenao.vn với nội dung: "Thứ bảy này anh Châu có mặt ở Sài Gòn và định gặp anh. Xin anh cho biết anh có thể gặp anh Châu hay không? Xin anh hồi âm sớm để em sắp xếp lịch". Do đi công tác, tôi mở thư này sau 2 ngày thư đến nhưng vẫn trả lời là tôi có thể gặp Ngô Bảo Châu. Tôi nhận được thư là không thể sắp xếp được cuộc hẹn do thấy tôi không trả lời. 

Đúng là “quá tam ba bận”. Biết khó gặp Ngô Bảo Châu nên tôi có viết mấy góp ý cho admind của hocthenao.vn về trang web này. Gửi thư hôm trước, bất ngờ, tôi nhận được thư vào sáng hôm sau thông báo đã sắp xếp lịch cho anh Châu gặp tôi, thời gian và địa điểm sẽ thông báo sớm nhất. Đúng là “Vô tình cắm liễu, liễu xanh um” (Hồng Lâu Mộng).

Châu hẹn tôi đi cà phê. Buổi cà phê sáng cuối tuần ấy có cả  tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen.

Gặp mặt, Châu vào đề ngay. “Hôm nay em mời chị và anh ra đây để bàn một việc. Thưa chị và anh, em có một nhóm bạn 6 người, tất cả đều đang làm việc và sinh sống ở nước ngoài. Chúng em hay bàn về giáo dục, về phát triển khoa học nước nhà. Chúng em định tổ chức một hội thảo ở Việt Nam sắp tới. Bàn về giáo dục thôi. Cái mà em định làm ở hội thảo này là tìm mô hình tốt cho giáo dục nước mình. Cả mô hình trường công lẫn trường tư. Các nhóm nghiên cứu độc lập, rồi bàn cãi. Em định làm một hội thảo này, độc lập với quản lý nhà nước. Mục tiêu là làm sao có thể cùng góp sức để đổi mới giáo dục sắp tới. Em xem tin tức trong nước, thấy quyết tâm lớn, bắt đầu từ Trung ương. Em cũng đã được gặp bác Luận (Bộ trưởng) vài lần. Bác ấy tâm huyết lắm, quyết tâm lắm. Coi đợt thực hiện nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục lần này là một trận đánh lớn, không những cần sự quyết tâm cao độ của toàn ngành mà còn là của cả hệ thống chính trị, của xã hội. Trận đánh này phải thắng! Chúng em cũng muốn cùng anh chị em trí thức trong nước làm một cái gì đó cho giáo dục, nhỏ thôi nhưng phải thiết thực”.

Chúng tôi cà phê không lâu nhưng đủ quyết tâm để thực hiện kế hoạch của Châu cho giáo dục nước nhà  trong năm 2014.

Trước khi tôi về, Châu dặn: “Anh ạ. Em định làm (hội thảo) vào tháng 3 năm tới, chậm nhất là tới tháng 6, trước khi năm học mới bắt đầu”. Tôi hứa với Châu là sẽ rủ anh em tâm huyết với giáo dục làm thành một nhóm để cùng bàn luận trong hội thảo mà Châu dự định  - “đấu với nhau” - như lời Châu nói.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng

Tuệ Nguyễn - Lê Đăng Ngọc
(thực hiện)

>> Những quyết sách lớn của giáo dục
>> Dừng thực hiện Đề án phổ cập giáo dục THPT
>> Giáo dục Việt Nam 2013: Những chuyện thật... như đùa
>> Một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp (*)
>> Phát triển giáo dục xuyên quốc gia
>> Quy định 'trên mây' trong giáo dục
>> Không được xem nhẹ giáo dục mầm non

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.