Đổi mới chương trình môn văn: Có làm mất đi 'chất văn'?

07/10/2017 08:40 GMT+7

Nếu giảm bớt những kiến thức liên quan đến lý luận văn học, những bài học chuyên sâu về giá trị tư tưởng và nghệ thuật, mà chú trọng nhiều đến kỹ năng đọc hiểu… liệu có làm mất đi “chất văn” cho người học văn?

Mặc dù theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, chương trình từng môn học cụ thể sẽ được công bố trong tháng 10 để lấy ý kiến xã hội, nhưng ngay sau khi công bố Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tháng 7.2017, nhiều chủ biên phụ trách các phân môn đã đưa ra những định hướng đổi mới chương trình riêng, trong đó có bộ môn ngữ văn.
Nhiều điểm đổi mới hay
Bản định hướng đổi mới chương trình môn ngữ văn, do PGS-TS Đỗ Ngọc Thống tổng chủ biên, có nhiều điểm đột phá trên hầu hết các mặt, như về mục tiêu đánh giá năng lực, phẩm chất; về cấu trúc, phạm vi nội dung môn học, phương pháp dạy học, kiểm tra - đánh giá…
Khi tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy văn bản định hướng có những điểm hết sức quan trọng. Đó là việc chuyển từ mục tiêu dạy học “kiến thức, kỹ năng, thái độ” sang “năng lực và phẩm chất”. Lấy yêu cầu đọc văn bản (văn bản đa phương thức, văn học, nghị luận và thông tin…) làm trung tâm để phát triển kỹ năng đọc, viết, nói và nghe. Một điểm nhấn đặc biệt nữa là không tổ chức dạy theo tiến trình lịch sử văn học (các bài khái quát lịch sử văn học được đưa vào tiết học đọc hiểu văn bản), và các bài học được sắp xếp từ lớp nhỏ đến lớn theo cách không lặp lại nội dung chương trình như trước đây. Một điểm mới nữa, chương trình sẽ đưa ra gợi ý nhiều tác phẩm văn học để giáo viên và học sinh lựa chọn. Tuy nhiên có những tác phẩm bắt buộc, đó là Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) và Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh.
Có thể nói, cốt lõi của định hướng đổi mới chương trình môn ngữ văn như trên có nhiều điểm tích cực, sát hơn với chuẩn mực chung của giáo dục quốc tế, chẳng hạn việc đánh giá kỹ năng đọc hiểu của học sinh.
Băn khoăn hiệu quả
Tuy nhiên, do có nhiều điểm đổi mới quá đột phá, nên vẫn còn nhiều băn khoăn về hiệu quả của nó so với chương trình cũ.
Chẳng hạn, việc không tổ chức dạy theo tiến trình lịch sử văn học và các bài tổng quan, khái quát văn học sử không được tìm hiểu theo quy trình như chương trình hiện hành sẽ làm cho người học thiếu một cách nhìn có tính hệ thống và bao quát. Việc xây dựng chương trình từ văn học dân gian đến văn học viết, từ trung đại đến hiện đại như chương trình hiện tại, dù có một số hạn chế như gây khó khăn cho người học (trình độ còn thấp phải tiếp thu văn học Hán - Nôm khá xa xưa, nặng nề), song nhìn chung sẽ dễ dàng giúp người học tiếp cận một cách hệ thống theo tiến trình lịch sử phát triển văn học.
Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là phải đổi mới và kế thừa để dung hòa hai mặt này như thế nào cho hợp lý. Ví dụ, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi và Truyện Kiều của Nguyễn Du thì học sinh lớp nào học sẽ phù hợp? Nếu cấp THCS thì chưa hiểu hết nội dung sâu sắc của nó, nhưng nếu phải chờ lên THPT để học thì nhiều học sinh có thể không có cơ hội để học vì nhiều lý do khách quan.
Việc chỉ giữ lại 6 tác phẩm bắt buộc và tăng cường sự lựa chọn tác phẩm cho giáo viên và học sinh cũng có nhiều điểm hợp lý. Song giới hạn trong những tác phẩm nào để lựa chọn? Có dựa theo một giai đoạn lịch sử, theo nhóm chủ đề, đề tài hay không? Rồi độ tin cậy của nguồn văn bản, sách giáo khoa có kham nổi việc cung cấp đủ các văn bản để lựa chọn? Ngay cả việc kiểm tra, đánh giá cũng phải như thế nào cho phù hợp xu hướng đề mở, xu hướng việc dạy và học có tính tự chủ? Đây thực sự là những câu hỏi cần có sự trả lời thỏa đáng.
Một băn khoăn nữa, nếu giảm bớt những kiến thức liên quan đến lý luận văn học, những bài học chuyên sâu về giá trị tư tưởng và nghệ thuật, mà chú trọng nhiều đến kỹ năng đọc hiểu… liệu có làm mất đi “chất văn” cho người học văn? Vả lại sợi chỉ xuyên suốt của văn học truyền thống VN từ xưa đến nay là tư tưởng yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, cảm hứng thế sự...; cho nên nhiều khi nó gánh vác luôn cả nhiệm vụ chính trị. Vì thế cần phải ứng xử với những tác phẩm “nhạy cảm” ấy như thế nào để không bị cho là khô khan, mà vẫn đảm bảo được mục đích giáo dục?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.