Dở khóc dở cười khi học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ dài vì dịch Covid-19

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
02/03/2021 20:42 GMT+7

'Sau kỳ nghỉ dài, học sinh trở lại trường mình phải vừa dạy vừa dỗ dành nên gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười...', cô Nguyễn Thị Thủy chia sẻ.

Nghỉ học một tháng, đi học trở lại nhiều em học sinh tiểu học đã quên tên bạn bè, ngồi nhầm chỗ, còn trẻ mầm non thì khóc òa đòi ở nhà…

Học sinh lớp 1 quên mặt chữ, ngồi nhầm chỗ

“Ngày đầu tiên đến lớp sau một tháng nghỉ học, nhiều bạn không chịu vào lớp cứ đứng trước cổng bám chặt tay mẹ đòi đi về. Nhiều em khóc như ngày đầu vào lớp 1 vậy, học với cô và bạn bè cả nửa năm học rồi nhưng nghỉ lâu khiến nhiều em quen nếp sinh hoạt ở nhà. Mình lại phải vừa dạy vừa dỗ dành nên cũng gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười. Thậm chí, nghỉ học một tháng, cô giao bài lập nhưng khi đi học trở lại bài vở vẫn trắng tinh, nên lớp học rất lộn xộn. Nhiều em quên luôn cả cách đánh vần, ghép chữ, mình lại phải làm lại từ đầu, nên mỗi lần học sinh nghỉ học lâu mình cũng sợ lắm”, cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên lớp 1 tại một trường tiểu học ở TP.HCM hài hước kể.
Chưa kể, theo cô Thủy trong những ngày đầu khi đi học lại, nhiều em còn quên luôn cả chỗ ngồi, tổ của mình và quên luôn cả tên bạn bè.
Đặc biệt, việc nhiều em quên kiến thức sau thời gian nghỉ dài khiến giáo viên rất vất vả. Ở các khối lớp khác, kiến thức có thể liền mạch nhưng ở lớp 1 kiến thức được chia thành nhiều phần khác nhau ví dụ, ở kỳ 1 các em chủ yếu đánh vần, đọc ghép tiếng, còn sang kỳ 2 các em bắt đầu đọc, trả lời câu hỏi.
“Mà năm nay chương trình lớp 1 khá nặng, phần tập làm văn trước đây thuộc chương trình lớp 2 thì nay đã đưa luôn vào lớp 1. Ví dụ như cho một bức tranh, yêu cầu học sinh viết 2-3 câu nói về hiện tượng thời tiết trong bức tranh, mọi người làm gì khi gặp thời tiết đó. Hoặc là yêu cầu học sinh viết những lời chúc ông bà, người thân trong dịp tết… Yêu cầu viết 2-3 câu, trong khi các em chỉ mới bắt đầu biết viết, nên để dạy được cả cô và trò phải chạy hết công suất”, cô Thủy nói.
Theo cô Thủy thì chương trình nâng cao sẽ giúp học sinh có khả năng vượt trội, nhưng mỗi lớp chỉ được khoảng 10 bạn có thể bắt kịp nhịp học này. Còn những bạn chậm hơn thì lại gặp khó khăn.

Học sinh vệ sinh tay, đeo khẩu trang khi đi học trở lại

Nguyễn Loan

Dù vậy, theo cô Thủy, với học sinh lớp 1 thì mất khoảng 2-3 ngày là các em có thể quen lại được với nội quy và các hoạt động của lớp. Còn về kiến thức bị quên thì giáo viên sẽ vừa dạy chương trình mới vừa dành thời gian ôn tập lại cho học sinh.

"Con thích ở nhà với mẹ"

Ngày thứ 2 đưa con đến trường, chị Tường Vy, phụ huynh có con học tại Trường mầm non thành phố 19/5 (Q.1, TP.HCM) cho biết bé vẫn mếu máo và nhất quyết đòi ở nhà với mẹ không chịu đến trường.
“Bé vẫn dậy sớm, chuẩn bị áo quần cho vào ba lô sau đó giục mẹ nhanh chóng làm đồ ăn sáng để… ăn cho kịp giờ đi làm với mẹ. Từ trước tết, khi con bắt đầu nghỉ học sớm mình đã cho con đi làm cùng mỗi ngày nên bé cũng đã quen với nhịp sinh hoạt của mẹ. Trước khi con đi học trở lại mình đã có chia sẻ, nhưng con bé vẫn nằng nặc đòi đi làm với mẹ. Sáng nay đi học khóc nức nở, bám chặt tay mẹ không chịu buông”, chị Tường Vy chia sẻ.
Sau ngày đầu tiên, chị Vy cho biết phải tranh thủ đi làm về sớm để đón con và cũng hồi hộp như thời gian đầu cho con đi học.
Trong khi đó, chị Đinh Ngọc Thọ, có con học tại Trường mầm non Hương Sen (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng cho biết không khỏi hồi hộp khi con đi học trở lại. Bé gần 3 tuổi, nghỉ học một tháng chị Thọ cho biết khi đi học về con hồn nhiên nói “con quên hết tên bạn rồi, bạn cũng quên tên con”.
“Ngày đầu lúc đi thì háo hức lắm, nhưng khi tới trường thì khóc oà lên bám chặt mẹ chẳng buông. Ngày thứ hai nghe bảo đi học là đã khóc từ lúc còn ở nhà, nhưng lên lớp chỉ khoảng 5 phút, được cô dỗ dành, có bạn chơi thì cũng nhanh chóng làm quen, hy vọng vài ngày nữa bé lặp lại thói quen cũ của mình”, chị Thọ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.