Điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, lưu ý gì trước giờ chót?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
25/09/2020 09:47 GMT+7

Đến 17 giờ chiều nay 25.9, việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển theo phương thức trực tuyến sẽ kết thúc, điều chỉnh bằng phiếu cũng kết thúc trước 17 giờ ngày 27.9 tới. Vậy thí sinh cần lưu ý gì trước giờ chót?

Tại chương trình tư vấn trực tuyến chủ đề “Những lưu ý khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển” diễn ra chiều 24.9 được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên, các chuyên gia lưu ý cho thí sinh (TS) những thông tin quan trọng nhất khi thực hiện điều chỉnh nguyện vọng (NV).

Sai sót vì hấp tấp

Trong những ngày qua, vì vội vàng nên một số TS để xảy ra sai sót trong quá trình điều chỉnh NV. Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết điều chỉnh NV là quyền lợi của TS. Để tận dụng quyền lợi này, TS xác định mình có cần thiết phải điều chỉnh không. TS phải nắm được thời gian và cách thức thực hiện.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho hay nếu điều chỉnh trực tuyến thì thời gian không còn nhiều, nếu đã quyết định ngành nào, trường nào thì TS nên thay đổi sớm. Thạc sĩ Tư dẫn ra những sai sót thường thấy ở TS như có bạn điều chỉnh trực tuyến mà không thấy báo số OTP, hóa ra số điện thoại đăng ký trước và sau không giống nhau. Hoặc chưa chọn NV đó nhưng cứ nghĩ mình chọn rồi. Các TS cũng không phân biệt được giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và phiếu điểm THPT khác nhau. Phiếu điểm tốt nghiệp THPT phải nộp lại cho trường khi TS xác định nhập học vào trường.
Theo thạc sĩ Hồ Thanh Tình, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, một số TS đã trúng tuyển bằng học bạ, bảng điểm năng lực, nếu đã xác nhận nhập học với 1 trường, phải nộp bảng điểm thi THPT và khi đó thì không thể điều chỉnh NV nữa. Bảng điểm thi THPT gốc không cấp lại, chỉ cấp một lần, do đó TS phải chú ý chỉ nộp cho trường mình chắc chắn sẽ nhập học.
Thạc sĩ Trần Phán Lịnh, Tổ trưởng Tổ công tác tuyển sinh Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, nhắn nhủ các TS nên chọn ngành yêu thích, xem ngành đó gồm những tổ hợp xét tuyển nào để xem xét điểm của mình. Các TS cũng nên sắp xếp theo thứ tự, ngành nào yêu thích nhất nên để lên đầu tiên. Đồng thời, TS cũng nên lưu ý mức học phí của trường đó, cũng như lưu ý địa điểm mình học có gần không.

Điều chỉnh tăng chỉ tiêu điểm thi THPT

Một thực tế hiện nay là, không ít TS đã trúng tuyển vào các trường ĐH bằng các phương thức tuyển sinh riêng như: xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, tỷ lệ TS trúng tuyển có xác nhận nhập học ghi nhận ở một số trường năm nay khá thấp. TS băn khoăn giữa việc xác nhận nhập học hay thực hiện điều chỉnh NV chờ xét điểm thi tốt nghiệp.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung thừa nhận có thực tế trên. Theo thạc sĩ Dung, việc các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh giúp TS có nhiều cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, đứng trước quá nhiều lựa chọn với các cơ hội trúng tuyển khác nhau, TS bị bối rối. Trong trường hợp này, nếu đã trúng tuyển vào ngành học, trường học mình thực sự yêu thích thì nên xác nhận nhập học ngay để không hối tiếc. Nhưng ngành trúng tuyển chưa như mong muốn, TS có điểm thi cao thì trường hợp này nên thực hiện điều chỉnh NV và chờ kết quả thi tốt nghiệp.
Cùng quan điểm này, thạc sĩ Hồ Thanh Tình cho biết: “Chúng tôi đã gọi rất nhiều TS đã trúng tuyển bằng học bạ nhưng các em chưa nhập học. Để thích ứng với tình hình này, bây giờ chúng tôi điều chỉnh tăng chỉ tiêu thành 70% bằng điểm thi THPT”, thạc sĩ Tình cho hay.
Trong khi đó, thạc sĩ Trần Phán Lịnh khuyên TS nếu đã trúng tuyển thì nên nhập học sớm để có học bổng, miễn giảm học phí, có thời gian tìm hiểu môi trường học tập…
Tư vấn truyền hình trực tuyến: Học nghề, ra trường có việc làm ngay ?
Vào 14 giờ 30 ngày mai (26.9), Báo Thanh Niên tiếp tục thực hiện chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến xét tuyển vào ĐH với chủ đề “Học nghề - Ra trường có việc làm ngay”. Chương trình được phát sóng các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Chuyên gia tư vấn tham dự chương trình gồm: tiến sĩ Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn; thạc sĩ Nguyễn Hữu Phát, Giám đốc Trung tâm viện quốc tế Digital Bách khoa; tiến sĩ Đào Lê Hòa An, chuyên gia tâm lý.  
Bảo Hân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.