"Điệp khúc" trường quá tải sẽ còn mãi?

26/08/2007 23:16 GMT+7

Năm nào cứ đến mùa tựu trường thì người ta lại nghe "điệp khúc" trường lớp ở TP.HCM bị quá tải. Ai cũng kêu ca, từ cha mẹ học sinh đến cán bộ quản lý ngành giáo dục các cấp, lãnh đạo Đảng bộ và UBND các cấp. Ban đầu chỉ là dự báo, nay thì thiếu trường lớp đã thành một hiện thực nhức nhối và cứ mỗi năm tình trạng trên lại trầm trọng thêm ở nhiều quận huyện, không chỉ ở bậc mầm non và các bậc học phổ thông mà cả đại học và dạy nghề.

Trường quá tải nên ngành giáo dục buộc phải đưa ra các giải pháp "chẳng đặng đừng" kiểu như:  

- Phân biệt đối xử: Con cán bộ công chức được ưu tiên xếp vào lớp bán trú trước, còn chỗ thì mới đến con em các thành phần khác trong dân cư;

- Xóa bán trú vì để có thể dạy 2-3 ca trong 1 phòng học, trái hẳn với mục tiêu từng xác định là xây dựng nhiều trường chuẩn quốc gia, xóa ca 2, xóa dạy thêm - học thêm bằng cách để học sinh được học cả ngày hoặc bán trú tại trường;

- Tăng sĩ số mỗi lớp học để trường có thêm chỗ học, dù biết rằng lớp quá đông thì chất lượng giáo dục sẽ giảm;

- Cho phép tồn tại loại trường 2 trong 1 như ở huyện Tân Phú - hai trường khác nhau dùng chung một cơ sở vật chất;...

Các biện pháp để "vẫy vùng" mà ngành giáo dục nói riêng và TP.HCM nói chung đang áp dụng gần giống như nỗ lực vẫy vùng của một con ruồi vướng trong mạng nhện, càng vẫy càng bí - càng xây trường mới, trường tốt thì lại càng thiếu chỗ học!

Sau 2 năm, 1,2 ha đất xây trường Trung học Tây Thạnh, Q.Tân Phú vẫn còn là mảnh đất đầy cỏ dại trong khi học sinh phải đi học... nhờ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thử hỏi có loại quy hoạch xây dựng trường lớp nào mà có thể đứng vững trước cơn lũ nhập cư ồ ạt vào TP, khi con em người tạm trú cũng có quyền có chỗ học tại TP, khi dân từ các địa phương nghèo kéo đến TP sinh sống đang được tạo điều kiện thuận lợi hơn trước để nhập hộ khẩu tại TP, đòi quyền lợi học tập cho con em mình tại trường công? Càng xây nhiều trường tốt, càng phát triển kinh tế thì càng thu hút người nhập cư, cứ như nước chảy vào chỗ trũng, trũng càng sâu càng ngập dữ.

Thử hỏi đất đai xây dựng trường (dù chỉ mới là trên bản đồ quy hoạch) làm sao có thể có đủ khi dân số thì tăng thêm với tốc độ chóng mặt mà quỹ đất thì không tăng? Có chỗ đất tốt nào thì những tổ chức có "ưu thế" lại giành mất, rồi dân lấn chiếm xây nhà, ngành giáo dục chỉ còn những mảnh vụn. Thử hỏi những công trình trọng điểm quốc gia như Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất mà còn thi công ì ạch, trễ nải nhiều năm trời do ngàn vạn lý do thì công trình xây dựng trường học trễ vài năm có gì lạ đâu? Thử hỏi người dân có chịu thay đổi nếp nghĩ là vào chịu vô ở chung cư cao tầng, để dành đất rộng rãi cho Nhà nước (và nhiều khi có cả tổ chức kinh tế tư nhân) xây trường học chuẩn quốc gia hay cứ theo nếp cũ là có đất trống thì liền xây nhà riêng rồi kêu ca là sao TP để thiếu trường, sao con mình phải học trường chật chội?

Giáo dục TP không thể thoát khỏi tình trạng buộc phải đi ngược lại những mục tiêu tốt đẹp mình đề ra là nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học và bậc học, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, nâng cao tỷ lệ thanh niên được học nghề và học đại học... trừ khi có một cuộc thay đổi toàn diện và cơ bản trong cách làm quy hoạch. Công tác quy hoạch trường học không thể do ngành giáo dục TP tự vẽ ra được, cũng không thể do UBND TP đơn độc làm được. Nó phải được xem là một trong những nội dung cấu thành của bản quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia và cấp vùng, một loại quy hoạch chiến lược, dài hơi được xây dựng cho đa ngành nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia và cấp vùng,dựa vào những chỉ số cụ thể, có cơ sở khoa học vững vàng về dân số và việc làm, về chỗ học và giường bệnh, về phát triển môi trường bền vững... Quy hoạch này phải vượt lên những yêu sách, quyền lợi cục bộ của từng lĩnh vực ngành nghề (cho dù đụng chạm đến những vùng "cấm") để có cái nhìn tổng thể, thấu suốt quan điểm giáo dục là "quốc sách hàng đầu".

Không làm được như vậy thì điệp khúc trường quá tải sẽ còn trong nhiều chục năm nữa!

Chúng tôi đã đặt vấn đề trường lớp quá tải lên bàn ông Huỳnh Công Minh (ảnh) - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM và được ông cho biết:

Ảnh: Bích Thanh
- Không còn cách nào khác là chúng ta phải xây dựng thêm trường mới. Theo thống kê về cơ sở vật chất và quy hoạch mạng lưới trường lớp thì bình quân mỗi quận huyện phải xây thêm từ 2 đến 3 trường THPT mới đáp ứng hết yêu cầu. Để chuẩn bị cho năm học mới, TP đã xây dựng mới gần 1.000 phòng học và sẽ có khoảng 50 trường được khởi công trong thời gian tới. Hiện tại TP đã có quỹ đất, có kinh phí và để thúc đẩy ban quản lý dự án của các quận huyện, UBND TP sẽ thành lập tổ liên ngành giám sát tiến độ thực hiện. Việc này không thể giải quyết chậm trễ được nữa.

* Và khi tình trạng thiếu chỗ học được giải quyết thì áp lực tuyển sinh vào lớp 10 sẽ "giảm nhiệt"?

- Tuyển sinh phổ thông chủ yếu là sắp xếp chỗ học, làm sao có chỗ cho con em học chứ không cần phải thi như thế nào, điểm bao nhiêu cho nặng nề. Hiện nay chúng ta thực hiện thi tuyển là do trường chưa đủ, điều kiện học tập còn ít cho nên không còn cách nào khác mình phải lấy điểm số để phân định chỗ học cho các cháu. Ngay trong năm học tới TP sẽ thực hiện phân vùng trong tuyển sinh THPT, tức là quận nào cũng phải xây đủ trường và chủ động phân bổ chỗ học cho học sinh. Cái này không phải vấn đề cấp Sở "lánh nặng tìm nhẹ" mà chính vì cấp quận dễ dàng sắp xếp phù hợp số lượng mấy ngàn học sinh trong quận mình hơn là tập trung hết mấy chục ngàn học sinh các quận về TP.

* Năm học 2007-2008, vấn đề học phí sẽ giải quyết ra sao cũng đang được phụ huynh đặc biệt quan tâm...

- Ngay khi triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học mới đến các quận huyện đồng thời Sở GD-ĐT cũng gửi văn bản quy định các trường học trên địa bàn thu học phí theo mức thu cũ. Nói thật, hiện tại ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chưa thể đáp ứng được việc học miễn phí cho học sinh nên nếu cứ áp dụng mức học phí này chúng tôi e rằng đến bảo mẫu cũng bỏ trường, bỏ lớp để tìm việc làm khác. Thời gian tới có tăng học phí hay không thì phải chờ vào văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, UBND và HĐND TP.HCM.

Bích Thanh (thực hiện)

TS Hồ Thiệu Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.