Điểm thi và tư duy quản lý

23/07/2015 07:24 GMT+7

Công bố kết quả thi là chuyện quá nhỏ trong các khâu của một kỳ thi THPT quốc gia. Thế mà suốt mấy hôm nay lại trở thành chuyện lớn.

Công bố kết quả thi là chuyện quá nhỏ trong các khâu của một kỳ thi THPT quốc gia. Thế mà suốt mấy hôm nay lại trở thành chuyện lớn.

TS nháo nhào vì không biết làm sao xem điểm thi, vào các website của Bộ GD-ĐT thì không thể truy cập được, nhiều tổng đài điện thoại liên tiếp rao dịch vụ xem điểm thi khiến TS hoang mang… Cả xã hội đột nhiên nóng lên vì một chuyện quá bình thường.
Căn nguyên đi từ một quy định năm nay sau khi chấm thi xong, các cụm thi sẽ nộp toàn bộ dữ liệu điểm bài thi về Bộ để quản lý tập trung. Sau khi tổng hợp và xử lý, Bộ sẽ công bố kết quả thi của tất cả các cụm thống nhất trong cùng một thời điểm. Các trường ĐH, sở GD-ĐT không được công bố kết quả thi. Trước đây lãnh đạo nhiều trường ĐH đã cảnh báo coi chừng điều này bất khả thi vì dữ liệu quá lớn và số lượng truy cập cùng lúc quá đông.
Một trong những lý do Bộ đưa ra để quản lý điểm tập trung là năm nay sau khi thi xong TS mới đăng ký xét tuyển vào các trường. Kết quả này là một dữ liệu quan trọng, nếu không quản lý rất dễ xảy ra chuyện mua bán dữ liệu như đã từng xảy ra ở các kỳ tuyển sinh trước. Để thực hiện điều này có nhiều cách và cách mà Bộ đang làm lại là có vấn đề nhất. Bởi nếu để tất cả vào một rổ thì nguy cơ rất lớn. Và thực tế mấy ngày nay đã chứng minh điều đó. Chưa kể, dù muốn hay không, điều này khiến dư luận hoài nghi việc Bộ độc quyền về điểm thi, “bắt tay” với một doanh nghiệp nào đó. Ngoài ra, dù chuyển về cho Bộ thì dữ liệu gốc vẫn còn ở các cụm thi, tiêu cực nếu có xảy ra cũng đâu tránh khỏi!
Ngạc nhiên là dù có trong tay biết bao trường ĐH hàng đầu về công nghệ thông tin mà Bộ không lường trước được tình trạng không thể truy cập được khi quá nhiều người vào mạng cùng một lúc. Lãnh đạo một trường ĐH có đào tạo ngành công nghệ thông tin chia sẻ rằng vấn đề ở đây chính là năng lực xử lý. Tạo một triệu trang web có nội dung giống nhau thì đơn giản hơn so với việc đảm bảo có hơn một triệu người truy cập cùng một lúc. Vì thế, nếu đặt phân tán thì chắc chắn sẽ tốt hơn. Nếu các cụm thi được chủ động và các cơ quan báo chí được chia sẻ dữ liệu này để TS có quyền chọn coi điểm ở nhiều nơi khác nhau miễn nhập tên và số báo danh thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Hơn nữa, để các cụm thi công bố kết quả trên website của trường bên cạnh các trang web của Bộ ngoài việc thêm kênh thông tin cũng để giúp TS đối chiếu điểm cung cấp từ hai nguồn khác nhau.
Vậy mà sau bao ngày khổ ải với nhiều góp ý từ chính các trường ĐH, phản ứng mạnh mẽ từ các cơ quan báo chí… đến đầu giờ chiều hôm qua Bộ mới thực hiện cái điều bình thường và lẽ ra phải thực hiện ngay từ đầu. Đó là ngoài việc tra cứu điểm thi tại các website của Bộ, thí sinh còn có thể vào website của một số trường ĐH chủ trì cụm thi và của hơn 30 báo điện tử đã đăng ký kết nối với Bộ. Thế nhưng gần một giờ sau khi Bộ công bố tình trạng nghẽn mạng vẫn diễn ra.
Từ một chuyện nhỏ nhưng gây ra vấn đề lớn, suy cho cùng là do tư duy quản lý. Tại sao Bộ cứ phải quản những chuyện vặt vãnh? Tại sao luôn khẳng định trao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường mà cái việc đơn giản nhất là công bố kết quả thi cũng không thực hiện được?
Kiểu quản lý ôm về một mối dự đoán sẽ còn nhiều chuyện ly kỳ diễn ra trong giai đoạn xét tuyển. Khi mà các trường hiện nay còn rất mơ hồ về phần mềm xét tuyển chung mà Bộ hứa là sẽ giải quyết được tình trạng TS ảo. Chính sự mơ hồ này mà nhiều trường đề nghị sử dụng phần mềm tự viết bên cạnh phần mềm chung của Bộ để tránh rắc rối. Bằng một tuyên bố mạnh mẽ rằng luật Giáo dục quy định xét tuyển ĐH là quyền tự chủ của các trường, nhiều trường muốn Bộ cho họ được thực thi cái quyền đó.
Liệu Bộ GD-ĐT có rút ra được bài học gì từ những câu chuyện cụ thể này?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.