​'Điểm danh' các sai sót thường gặp trong bài thi

Hà Ánh
Hà Ánh
22/06/2018 07:04 GMT+7

Còn vài ngày nữa, hơn 900.000 thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Từ kinh nghiệm kỳ thi trước, các giáo viên lưu ý thí sinh những sai sót thường xảy ra trong quá trình làm bài.

Đánh mất thời gian thi trắc nghiệm
Theo tiến sĩ Trịnh Thanh Đèo, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, quan trọng nhất ở dạng bài trắc nghiệm là giải quyết vấn đề nhanh và chính xác, tránh mất thời gian không cần thiết. Tuy nhiên lỗi thường thấy ở thí sinh (TS) trong bài trắc nghiệm là đánh mất thời gian ở những chỗ không đáng.
Muốn vậy, trước hết TS cần biết về định dạng và cách tạo “bẫy” khi ra đề thi trắc nghiệm. Chẳng hạn ở đề toán, nhìn vào đề năm ngoái có thể thấy 30 câu đầu ở dạng đơn giản. Từ câu 31 - 40, đề hơi lắt léo, TS nhìn vào đáp án nào cũng thấy khả năng đúng. Các câu này, người ra đề sẽ lấy những sai sót TS thường gặp để tạo ra phương án “nhiễu”. Từ câu 41 trở đi là khó, đòi hỏi TS phải mất nhiều thời gian.
Từ đó, tiến sĩ Đèo lưu ý: “Có những dạng câu không nhất thiết phải giải để tìm ra đáp số cuối cùng mà trong quá trình tính toán có thể dùng phương pháp loại dần, loại 3 đáp án sai còn lại sẽ làm đáp án đúng. Cách tính này có thể áp dụng trong tính khoảng cách hình học”.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Đèo cho rằng TS cũng cần hạn chế phụ thuộc máy tính. Có những câu suy luận sẽ nhanh hơn bấm máy tính. Chẳng hạn, những câu về giới hạn hàm số, giới hạn nhị số hoặc một số câu tích phân thì dùng các quy tắc thông thường sẽ cho ra kết quả nhanh hơn.
Theo tiến sĩ Đèo, một lỗi sai tưởng chừng đơn giản nhưng vẫn gặp ở TS là mất thời gian ở câu không lấy được điểm mà lại mất điểm ở câu dễ chưa kịp thực hiện. Vì vậy cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc tìm câu dễ làm trước. Nói rằng 30 câu đầu đơn giản nhưng sẽ có những câu vẫn khó với từng TS khác nhau. “Cách tốt nhất ở đây là mỗi câu chia thành 3 giai đoạn làm bài, lần đầu tiên nếu phải suy nghĩ hơn 1 phút thì bỏ qua. Quay lại lần thứ 2 đầu tư thêm từ 1 - 1 phút rưỡi, thời gian còn lại mới tập trung cho các câu khó vì thực sự có những câu khó cần từ 5 - 10 phút mới ra đáp án”, tiến sĩ Đèo gợi ý.
Không đọc kỹ đề tự luận
Với môn văn, môn tự luận duy nhất, cô Nguyễn Tuyết Nhung, giáo viên ngữ văn Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM), cho biết nhiều TS mất điểm chỉ vì không đọc kỹ đề. Sai sót này có thể thấy ngay trong phần đọc hiểu văn bản vốn được xem là dễ “ăn” điểm nhất vì chỉ kiểm tra mức độ nhận biết của người học. Trong đó, lỗi nhiều nhất ở phần này là nhầm lẫn, không phân biệt được giữa phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ hay thao tác lập luận.
“Tương tự câu hỏi kiểm tra mức độ thông hiểu văn bản, câu trả lời thường nằm ngay trong đề thi nhưng có những TS lại sử dụng tư liệu bên ngoài nên không có điểm. Chẳng hạn năm 2017 đề hỏi “thấu cảm” là gì theo cách hiểu của tác giả trong đoạn văn thì TS lại trình bày theo cách hiểu của riêng mình”, cô Nhung nói.
Còn ở dạng bài vận dụng, theo cô Nhung, TS thường trả lời thiếu ý nên không được tròn điểm. Do vậy cách làm tốt nhất là trả lời nhiều ý, ở nhiều góc độ khác nhau.
Riêng ở dạng bài văn, cô Nhung lưu ý xu hướng ra đề mới hiện nay là từ 2 tác phẩm để rút ra một quan điểm, góc nhìn, một hiện tượng hay vấn đề chung. Nhưng có những TS chỉ nêu tập trung vào một tác phẩm của chương trình lớp 12 hoặc nêu “thô” 2 tác phẩm nhưng không tập trung phân tích vấn đề cần rút ra từ đó. Những bài làm này thường bị xếp vào diện không hiểu đề.
Các lỗi kỹ thuật khi tô phiếu trắc nghiệm
Không chỉ sai sót về kiến thức, nếu không cẩn thận TS còn dễ dàng bị mất điểm hoặc mất bài thi chỉ vì “ẩu” trong cách thức tô đáp án hoặc số báo danh.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, thực tế quá trình chấm thi cho thấy có khoảng 1% TS mắc lỗi trong làm bài thi trắc nghiệm. Trong đó, các loại lỗi kỹ thuật thường được tạo bởi sự thiếu cẩn trọng của chính TS trong quá trình làm bài.
Đó là không tô số báo danh, tô nhầm dẫn đến số báo danh trùng nhau, tô không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được.
Không tô mã đề thi hoặc tô mã đề thi không đúng hoặc tô sai quy cách khiến không thể nhận biết được TS đã dùng mã đề thi nào.
Phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa đến mức không hiểu được TS chọn phương án nào hoặc tô vào vùng câu hỏi không tồn tại.
Những lỗi này sẽ dẫn đến bài thi không chấm được, ảnh hưởng đến quyền lợi TS.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.