Điểm chuẩn xét tuyển bằng bài thi năng lực có tăng vọt?

Hà Ánh
Hà Ánh
07/04/2021 08:42 GMT+7

Với trên 51.500 thí sinh đạt từ 601/1.200 điểm trở lên trong đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, điểm chuẩn xét tuyển các ngành bằng điểm bài thi này năm nay có tăng mạnh?

 

Mức độ tăng khác nhau tùy ngành

Nhận định chung về tình hình điểm chuẩn năm nay, thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cho rằng với số lượng thí sinh (TS) đạt từ 800 điểm trở lên tăng nhiều, dự báo điểm chuẩn xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của các trường trong ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tăng, đặc biệt ở những ngành “nóng” thu hút nhiều TS quan tâm.
Ông Quán dự đoán mức điểm từ 901 trở lên là mức điểm phù hợp để đăng ký vào chương trình tiên tiến khoa học máy tính, nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin. Đợt 1 có 9.669 TS có mức điểm thi từ 801 - 900. Đây là mức điểm để đăng ký xét tuyển các ngành: công nghệ sinh học, hóa học, kỹ thuật điện tử viễn thông. Với khoảng điểm 701 - 800 (có 18.046 TS), TS có thể đăng ký vào ngành công nghệ thông tin chất lượng cao hoặc chương trình Việt - Pháp… Hơn 21.000 TS đạt từ 601 - 700 điểm có thể đăng ký vào các ngành còn lại của trường, tùy mỗi ngành sẽ có mức điểm khác nhau.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa, cho biết những ngành “nóng” tiếp tục giữ mức độ điểm chuẩn cao nhưng không tăng quá đột ngột. Ví dụ, ngành khoa học máy tính năm ngoái điểm chuẩn đã trên 900 thì năm nay cũng không thể tăng lên quá 1.000 vì thực tế TS có điểm trên 1.000 không nhiều. Nhưng có những ngành năm ngoái điểm thấp, TS nhìn thấy cơ hội cao thì điểm chuẩn có thể tăng nhiều. Các ngành còn lại có thể điểm chuẩn không biến động quá nhiều.
“Mức điểm thấp nhất vào Trường ĐH Bách khoa năm ngoái khoảng 700 điểm. Năm ngoái trường dành tối đa 70% tổng chỉ tiêu nhưng thực tế chỉ tuyển được khoảng 30%. Năm nay tối đa 60%, tương đương khoảng 3.000 TS, sẽ là cơ hội lớn cho TS xét tuyển bằng phương thức này”, ông Thắng nhắn nhủ.

Điểm nhận hồ sơ xét tuyển bao nhiêu ?

Ngay sau khi công bố kết quả thi đợt 1, các trường đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển đều đưa ra mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ vào các ngành.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, cho biết trường dự kiến nhận hồ sơ TS có điểm bài thi từ 600 điểm trở lên và chỉ xét 1 đợt theo quy định chung của ĐH Quốc gia TP.HCM. “Năm ngoái trường dành khoảng 30% chỉ tiêu xét theo phương thức này nhưng thực tuyển chỉ đạt 15%. Năm nay chỉ tiêu dự kiến tăng tối đa 50%, tương đương 1.750 TS, tăng cơ hội cho TS xét tuyển bằng phương thức này vào trường”, tiến sĩ Hạ thông tin.
Nhận định chung về các ngành của trường, theo ông Hạ, từ phân tích sơ bộ thấy phổ điểm có sự tương đồng với các năm trước Nhưng số lượng TS dự thi tăng mạnh, số lượng TS có điểm từ trung bình trở lên cũng tăng, có thể dự báo điểm chuẩn cũng tăng ở một số ngành mà TS đăng ký nhiều. Thông thường, tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, TS có xu hướng đăng ký tập trung vào các ngành như: báo chí, truyền thông đa phương tiện, quan hệ quốc tế, ngôn ngữ Anh, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, tâm lý học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học… Năm ngoái, điểm chuẩn các ngành tốp đầu dao động trên dưới 800 điểm. Ngược lại, nhiều ngành điểm chuẩn chỉ ở mức trên trung bình, khoảng 650 - 700 điểm.
Trường ĐH Bách khoa cũng chỉ nhận đăng ký xét 1 đợt theo quy định chung của ĐH Quốc gia TP.HCM. “Trường không quy định mức điểm sàn nhận hồ sơ nhưng TS nên cân nhắc các nguyện vọng dựa vào điểm chuẩn năm ngoái”, PGS-TS Bùi Hoài Thắng lưu ý.
Trường ĐH Công nghệ thông tin nhận hồ sơ từ mức 600 điểm trở lên cho tất cả các ngành.
Các trường ĐH khác ngoài hệ thống cũng quy định mức điểm nhận hồ sơ khác nhau. Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM xét TS đồng thời trên 2 tiêu chuẩn: đạt từ 700 điểm trở lên bài thi đánh giá năng lực, có kết quả học tập 3 học kỳ (học kỳ 1 và 2 năm lớp 11, học kỳ 1 lớp 12) đạt trung bình từ 6,5 điểm trở lên.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nhận hồ sơ các ngành từ 650 điểm trở lên. Trường ĐH Sài Gòn chỉ xét tuyển bài thi này cho tối đa 15% chỉ tiêu năm nay và không áp dụng với các ngành đào tạo giáo viên, thanh nhạc.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết dành 5% chỉ tiêu xét điểm bài thi này và điểm sàn nhận hồ sơ từ 650 điểm. Ông Sơn dự đoán điểm chuẩn có thể khoảng 700 điểm với ngành quản trị kinh doanh và công nghệ thực phẩm, các ngành còn lại bằng điểm nhận hồ sơ. Kế hoạch nhận hồ sơ dự kiến vào đầu tháng 7 sau khi TS biết điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thời gian đăng ký xét tuyển ra sao ?
ĐH Quốc gia TP.HCM mở cổng nhận đăng ký xét tuyển trực tuyến trên hệ thống bằng điểm thi đánh giá năng lực 1 đợt, dự kiến bắt đầu vào tháng 5. TS dự thi đợt 1 và đợt 2 đều đăng ký xét tuyển trong khoảng thời gian này. TS được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào 1 đơn vị, không giới hạn số đơn vị. Nhưng các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên, trúng tuyển nguyện vọng trước không xét tiếp nguyện vọng sau.
Các trường ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ xét tuyển theo quy định riêng từng trường. Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển từ 12.4 đến hết 30.7, TS nộp hồ sơ trực tiếp tại trường hoặc qua bưu điện. Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho phép TS đăng ký tối đa 4 nguyện vọng và xếp theo thứ tự ưu tiên. Thời gian nhận hồ sơ đến hết ngày 25.5 theo hình thức trực tuyến, TS cập nhật điểm thi trong vòng 3 ngày sau khi có điểm thi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.