Di sản văn khoa Huế

23/03/2017 11:00 GMT+7

Hôm nay 23.3, Khoa Ngữ văn trường Đại học (ĐH) Khoa học Huế tổ chức kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển.

Đây là địa chỉ gắn bó với nhiều thế hệ sinh viên miền Trung và cả nước, nơi ươm mầm cho những tài năng nghiên cứu phê bình, sáng tác, điều hành, quản lý xã hội...


Những định hướng cho tương lai
Từ kinh nghiệm đào tạo sau hơn nửa thế kỷ, Khoa Ngữ văn tập trung củng cố những ngành (bậc đại học) được xã hội thừa nhận, mở một số ngành mới đáp ứng nhu cầu của xã hội, quan tâm việc tăng chất lượng tuyển sinh đầu vào. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cho đào tạo sau đại học, giữ vững chất lượng đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, hướng đến việc mở rộng trao đổi và hợp tác nghiên cứu, đào tạo với một số đại học trong khu vực.


Nếu tính từ thời điểm ra đời của Phân khoa Văn khoa thuộc ĐH Huế (1957), đến nay, Khoa Ngữ văn trường ĐH Khoa học Huế, có một quá trình xây dựng và phát triển qua những chặng đường khác nhau. Theo các tài liệu đã công bố, tiền thân của Trường ĐH Văn khoa là Ban Văn chương - một trong 5 ban của Phân khoa Văn khoa, được thành lập ngày 1.3.1957. Đến ngày 1.2.1959, Viện ĐH Huế chính thức ký quyết định thành lập Trường ĐH Văn khoa.
Trước năm 1975, ĐH Văn khoa Huế có quy mô đào tạo khá lớn. Mỗi khóa có hàng trăm sinh viên, bao gồm các ban khác nhau: Việt văn, Pháp văn, Anh văn, Triết học, Sử địa… Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy và quản lý ban Văn chương có nhiều giáo sư, giảng sư danh tiếng lúc bấy giờ: Vương Hồng Sển, Lê Tuyên, Thuần Phong, Phạm Lương Hàn, Huỳnh Đình Tế, Trương Văn Chình, Giản Chi - Nguyễn Hữu Văn, Nguyễn Qưới… Tham gia giảng dạy cho ĐH Văn khoa Huế, ngoài đội ngũ giảng viên tại chỗ, còn có nhiều giảng viên từ ĐH Văn khoa Sài Gòn, ĐH Đà Lạt. Hằng năm, trường cung cấp một lượng cử nhân đáng kể cho xã hội, bao gồm các văn bằng: Cử nhân Văn khoa giáo khoa các ban Việt văn, Pháp văn, Anh văn, Triết học, Sử địa và một loại văn bằng khác là Cử nhân văn khoa (không thuộc một phân ban cụ thể nào).
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Trường ĐH Tổng hợp Huế được thành lập trên cơ sở sáp nhập các trường ĐH thuộc Viện Đại học Huế cũ: Văn khoa và Khoa học. Những năm đầu sau giải phóng (1976 - 1980), ngành Ngữ văn và Lịch sử được ghép chung, gọi là khoa Văn - Sử. Đến năm học 1980-1981, Khoa Ngữ văn chính thức được tách ra thành một khoa riêng. Kể từ năm 1986 đến nay, khoa tiếp tục củng cố và phát triển… Để tạo điều kiện cho ngành Báo chí phát triển, từ năm 2010, Khoa đề nghị Trường cho tách tổ Báo chí thành bộ môn trực thuộc Trường và nay đã trở thành Khoa Báo chí - Truyền thông. Vì vậy, hiện nay, Khoa Ngữ văn đào tạo ba ngành bậc đại học: Văn học, Ngôn ngữ học và Hán Nôm. Nhìn chung, 60 năm qua, đặc biệt là từ năm 1978 đến nay, xét từ quy mô và các loại hình đào tạo, Khoa Ngữ văn đã có sự phát triển đáng kể. Điều này thật sự có ý nghĩa khi đội ngũ giảng viên cơ hữu của Khoa qua các giai đoạn chưa bao giờ đạt đến con số 30.
Di sản văn khoa Huế
Đội ngũ giảng viên Khoa Văn, ĐH Khoa học Huế Ảnh tư liệu của Khoa Văn

“Sản phẩm” được xã hội thừa nhận
Quãng thời gian 18 năm trước năm 1975, ĐH Văn khoa Huế đã đào tạo hàng trăm cử nhân văn chương. Trong 40 năm sau đó, Khoa Ngữ văn đào tạo 3.212 cử nhân (tính đến khóa 36), bao gồm cả hai hệ chính quy và vừa làm vừa học. Khoa cũng đã đào tạo 301 thạc sĩ Ngôn ngữ học và Văn học VN, Lý luận văn học. Đặc biệt, từ 2011 đến nay, có thêm 15 tiến sĩ chuyên ngành Văn học VN và Ngôn ngữ học...
Nhưng điều có ý nghĩa nhất chính là “sản phẩm” đào tạo của Khoa được xã hội thừa nhận. Đây cũng là địa chỉ góp phần đào tạo nhiều nhà giáo, nhà khoa học cho miền Trung và cả nước. Nhiều cựu sinh viên của khoa có học hàm, học vị cao như: PGS-TS Phạm Thị Hòa (Andrea Hòa Phạm - ĐH Florida, Hoa Kỳ), PGS-TS Hồ Thế Hà, PGS-TS Nguyễn Thành, TS Trần Trung Hỷ, TS Hà Ngọc Hòa (ĐH Khoa học Huế), PGS-TS Bùi Mạnh Hùng (ĐH Sư phạm TP.HCM), TS Lê Thị Tuyết Ba (ĐH Kinh tế Đà Nẵng), PGS-TS Nguyễn Thị Thu Trang (ĐH Phú Yên), PGS-TS Nguyễn Văn Lý, PGS-TS Nguyễn Văn Nam, PGS-TS Nguyễn Ngọc Hòa, PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn, (Học viện Chính trị khu vực 3 Đà Nẵng), PGS-TS Nguyễn Duy Phương (ĐH Luật Huế)... Nhiều giảng viên khoa Ngữ văn hiện công tác tại các trường đại học, cơ quan của Nhà nước ở các tỉnh, thành phố tiếp tục có những đóng góp về khoa học và quản lý, trong đó có PGS-TS Lương Ngọc Bính (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình), PGS-TS Phan Mậu Cảnh (Hiệu trưởng Trường VH-NT Nghệ An), PGS-TS Bùi Mạnh Hùng (Giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM)…
Song hành với giảng dạy là hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và học viên, nghiên cứu sinh. Đối tượng khảo sát và nghiên cứu của các đề tài do giảng viên, học viên, nghiên cứu sinh khoa Ngữ văn trong hơn 30 năm qua là các hiện tượng, các tác gia văn học VN và thế giới, ngôn ngữ địa phương, địa danh, ngôn ngữ văn hóa, những di sản Hán Nôm tại các tỉnh miền Trung... Tính cập nhật trong học thuật là mục tiêu định hướng của giảng viên và là một yêu cầu đối với học viên, nghiên cứu sinh. Khoa Ngữ văn cũng là đơn vị chủ trì nhiều cuộc hội thảo khoa học đề cập những vấn đề có ý nghĩa lý luận, thu hút sự tham gia của nhiều giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài khu vực Huế.
Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức (về số lượng và chất lượng tuyển sinh, về năng lực của đội ngũ, về cơ sở vật chất), truyền thống và kinh nghiệm đào tạo hơn nửa thế kỷ qua cùng với sự sát cánh ủng hộ của hàng ngàn cựu sinh viên, giảng viên, nhà khoa học trên khắp mọi miền đất nước... sẽ giúp Khoa Ngữ văn trường ĐH Khoa học Huế tự tin lớn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.