Đề xuất người có bằng bác sĩ, dược sĩ có thể được học tiếp luôn tiến sĩ

Quý Hiên
Quý Hiên
01/03/2019 21:37 GMT+7

Trong dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên khoa trong lĩnh vực sức khỏe, Bộ Y tế đề xuất người có văn bằng bác sĩ , dược sĩ thì đạt trình độ tương đương bậc 7, vì thế có thể học tiếp lên tiến sĩ.

Mới đây, Chính phủ đã công bố dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên khoa trong lĩnh vực sức khỏe, trong đó đưa ra các quy định về khung cơ cấu giáo dục đại học trong lĩnh vực sức khoẻ, các bậc trình độ giáo dục đại học trong đào tạo lĩnh vực sức khoẻ.
Các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo khối ngành sức khoẻ trên cả nước đều nằm trong phạm vi áp dụng các quy định của nghị định này (nếu nghị định được ban hành).

Đào tạo y, dược: 4 năm + 2 năm

Theo dự thảo, khung cơ cấu giáo dục đại học trong lĩnh vực sức khoẻ, chương trình đào tạo trình độ đại học trong lĩnh vực này phải có khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ tương đương với 4 năm học tập trung. Người tốt nghiệp trình độ đại học có thể học tiếp lên thạc sĩ theo quy định hiện hành, hoặc có thể học tiếp chương trình đào tạo chuyên khoa hoặc chuyên khoa sâu để đạt trình độ tương đương bậc 7 theo khung trình độ quốc gia nếu đáp ứng được điều kiện của chương trình đào tạo.
Các chương trình đào tạo ngành y khoa, ngành răng hàm mặt, ngành dược, chuyên khoa hoặc chuyên khoa sâu để đạt trình độ tương đương bậc 7 trong đào tạo lĩnh vực sức khoẻ phải có khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ, tương đương với 2 năm học tập trung và đáp ứng chuẩn đầu ra tương đương bậc 7 theo khung trình độ quốc gia (không bao gồm quá trình thực hành để đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề).
Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 được cấp bằng cử nhân. Chương trình đào tạo ngành y khoa, răng hàm mặt và ngành dược để được công nhận tương đương trình độ bậc 7 tiếp nhận người đã hoàn thành chương trình bậc 6 có khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ và đã được cấp bằng cử nhân ở ngành tương ứng.
Chương trình đào tạo y khoa, răng hàm mặt và ngành dược để được công nhận tương đương trình độ bậc 7 có khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ (không bao gồm quá trình thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề). Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7 được cấp bằng bác sĩ (đối với ngành y khoa, răng hàm mặt), được cấp bằng dược sĩ (đối với ngành dược).
Như vậy, mô hình đào tạo đại học của các ngành y khoa, răng hàm mặt, dược sẽ gồm 4 năm (để đạt trình độ tương đương bậc 6) + 2 năm (để đạt trình độ tương đương bậc 7).
Người tốt nghiệp trình độ đào tạo tương đương bậc 7 trong đào tạo lĩnh vực sức khoẻ có thể học tiếp lên tiến sĩ hoặc có thể học tiếp chương trình đào tạo chuyên khoa hoặc chuyên khoa sâu tương đương trình độ bậc 8 nếu đáp ứng được điều kiện của chương trình đào tạo.

Muốn đào tạo dược sĩ, bác sĩ phải xin phép Bộ Y tế

Dự thảo nghị định cũng đưa ra các điều kiện mới được tham gia đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu trong lĩnh vực sức khỏe (trong đó có đào tạo bác sĩ, dược sĩ) với các cơ sở đào tạo là đại học, trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học).
Chẳng hạn, trường đại học phải có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động trình độ chuyên khoa cấp II sau đại học hoặc tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đã được cấp chứng chỉ hành nghề (đối với những ngành có yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh), có ít nhất 5 năm kinh nghiệm phù hợp với ngành/chuyên ngành đào tạo và đang làm việc thường xuyên tại cơ sở thực hành của trường.
Các giảng viên cơ hữu nói trên không trong danh sách giảng viên để đăng ký mở ngành đào tạo ở các ngành/chuyên ngành, trình độ và loại hình đào tạo khác của cơ sở đào tạo.
Trường đại học đó cũng phải có cơ sở thực hành để thực hiện toàn bộ chương trình đào tạo và đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định hiện hành.
Với các ngành/chuyên ngành chưa đào tạo chuyên khoa cấp II sau đại học, chưa có giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư, nếu chưa đủ số lượng giảng viên cơ hữu phù hợp trong độ tuổi lao động thì có thể thay thế bằng chuyên khoa cấp II, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư của ngành gần. Các giảng viên của ngành gần này phải có kinh nghiệm giảng dạy trình độ sau đại học ít nhất 5 năm và có ít nhất 2 công trình khoa học thuộc lĩnh vực ngành đăng ký đào tạo đã công bố trong 5 năm, tính đến ngày cơ sở đào tạo đăng ký mở ngành đào tạo.
Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết về danh mục các ngành gần của các ngành/chuyên ngành đào tạo chuyên khoa và công trình khoa học.
Các cơ sở đào tạo là bệnh viện hạng đặc biệt, viện/bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối, viện tuyến trung ương thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và y tế công cộng cũng được đăng ký đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu, và cũng phải đáp ứng các điều kiện nhằm đảm bảo chất lượng như về đội ngũ giảng viên cơ hữu; có các khoa, phòng, đơn vị chuyên môn bảo đảm thực hiện 100% chương trình thuộc khối kiến thức ngành/chuyên ngành của chương trình đào tạo; có hợp đồng với ít nhất 1 cơ sở đào tạo đang đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu để bảo đảm thực hiện các môn học/học phần thuộc khối kiến thức cơ sở, hỗ trợ trong trường hợp bệnh viện, viện không có đủ người đáp ứng điều kiện để giảng dạy các môn học/học phần đó.
Khi đã hội tụ đủ các điều kiện, các trường đại học, các bệnh viện, viện phải làm hồ sơ xin phép Bộ Y tế thì mới được nhận nhiệm vụ đào tạo. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng sẽ quy định về việc cấp và quản lý văn bằng đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu (trong đó có các văn bằng bác sĩ, dược sĩ). 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.