Đề xuất 'giải pháp trung gian' cho sách của GS Hồ Ngọc Đại

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
06/01/2020 07:26 GMT+7

PGS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, đề xuất “giải pháp trung gian” để bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại có thể tiếp tục được sử dụng.

Tại buổi đối thoại "nảy lửa" giữa GS Hồ Ngọc Đại và Bộ Giáo dục - Đào tạo xung quanh sách công nghệ giáo dục và bộ sách này bị loại sau vòng thẩm định đầu tiên, phát biểu của PGS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, được đánh giá là điềm tĩnh và nhiều chiều hơn cả, dù ông phát biểu sau tất cả các bậc "tiền bối".

Nếu nói cuốn sách khó dạy thì không đúng đâu!

PGS Lê Anh Vinh bày tỏ: "Nếu chỉ nhìn vào văn bản, nhìn vào cuốn sách thì khó có thể nhận định đến “chân tơ kẽ tóc” được. Bản thân tôi, khi mới tiếp cận bộ sách lớp 1 thì thấy cảm nhận chủ quan là hơi khó học với học sinh. Nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn về cuốn sách thiết kế dành cho giáo viên thì thấy không phải như vậy.
Khi chúng ta bàn về đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì điều quan trọng nhất vẫn là người thầy, người cô. Chúng ta nói sách giáo khoa hiện hành không giúp cho học sinh trở thành trung tâm, không giúp cho học sinh chủ động, sáng tạo… nhưng thực ra vai trò của đó phụ thuộc rất lớn vào thầy cô. Thành công lớn của công nghệ giáo dục là ở phần viết tài liệu dành cho giáo viên, sách hướng dẫn khiến giáo viên có thể thực hiện tốt phương pháp dạy học".
Ở góc độ của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, PGS Anh Vinh cho biết, năm 2017, Viện được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ thẩm định bộ sách tiếng Việt Công nghệ 1 và đã có những nhận định khách quan. Trong đó, đánh giá rất cao cuốn sách. Nếu chúng ta nói cuốn sách khó dạy, khó dùng thì không đúng đâu. Nó được dạy ở những vùng khó khăn nhất như Hà Giang, Lào Cai, vùng Tây Nam bộ…
Theo PGS Vinh, cách đây khoảng 2 tháng, ông có dịp vào một số tỉnh miền Tây,  tiếp xúc với các thầy cô dạy cuốn sách này. Các thầy cô cũng nói cuốn sách này có thể giúp cho học sinh học xong đọc thông thạo, không tái mù. Điều này báo cáo đánh giá của Viện cũng đã khẳng định. Đó là đánh giá về mặt khoa học.
Một lý do lớn nhất khiến bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại bị "loại" ngay từ vòng thẩm định đầu tiên là bộ sách chỉ phù hơp với chương trình hiện hành, không phù hợp với chương trình mới. Xung quanh nhận định này, PGS Vinh nêu quan điểm của một người làm công tác nghiên cứu, vừa tham gia viết sách giáo khoa và vừa giảng dạy: "Chúng ta hay nói chương trình mới để phân biệt với chương trình cũ nhưng theo tôi đó là hai thứ không thể quá xa rời nhau được mà chúng có sự kế thừa, liên kết. Chúng ta cứ hình dung, chương trình mới quy định các chuẩn đầu ra và học sinh đạt được các mức ấy thì được đánh giá là đạt chuẩn đầu ra. Cuốn sách cũng phải viết dựa trên cái chuẩn đầu ra ấy".
Ông ví việc viết sách giáo khoa cũng giống như việc xây dựng một ngôi nhà, quy định chung là nhà thì thường phải có mấy phòng cơ bản, phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp, phòng vệ sinh,… nhưng chúng ta không quy định tất cả các ngôi nhà phải thiết kế giống nhau. Có người thích xây nhà ống, người xây nhà vườn, người xây nhà kiểu khác… miễn là sao để cho người ở thấy thoải mái khi sống trong ngôi nhà ấy.
"Sách giáo khoa cũng vậy, miễn sao cho học sinh, cho giáo viên thấy bằng lòng, phù hợp và đáp ứng được mục tiêu chương trình mới đặt ra", PGS Vinh nói.
Ông Vinh cũng khẳng định chương trình mới ban hành không hề cứng nhắc. Với lớp 1, bản thân ông khi viết sách giáo khoa toán lớp 1 thì thấy so với chương trình hiện hành cũng có những sự điều chỉnh nhưng không quá khác biệt.
PGS Anh Vinh cho rằng, các tác giả viết sách giáo khoa hiện hành hoàn toàn có thể điều chỉnh để tham gia vào viết sách cho chương trình mới. Ông nêu ví dụ:  "Bộ sách toán của tôi đang làm có thầy Nguyễn Áng cùng trực tiếp viết, thầy cũng là tác giả của sách toán hiện hành. Khi tham gia viết sách mới thầy cũng cho rằng đây là cơ hội để cập nhật, làm cho cách tiếp cận gần gũi hơn với học sinh, với cuộc sống chứ không phải thay đổi quá nhiều về nội dung kiến thức".
Đối với bộ sách công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại,  PGS Anh Vinh nhận xét: "Điểm rất mạnh của bộ sách là giúp cho việc thiết kế dạy theo hướng chủ động, tích cực của người học. Chúng ta hay nói sách công nghệ rất gò bó nhưng trên thực tế là ngược lại. Những triết lý giáo dục mà hiện nay chúng ta hay nhắc tới như “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”; “thầy thiết kế, trò thi công”… thì sách công nghệ đã làm lâu nay".

Buổi đối thoại không tìm được tiếng nói chung giữa GS Hồ Ngọc Đại và Bộ GD-ĐT

Ảnh T.N

Mong thầy Đại "điều chỉnh để sách trực quan hơn với học trò"

Với sách toán công nghệ, PGS Anh Vinh chia sẻ: "Cá nhân tôi là người làm toán, tôi thích cách tiếp cận của thầy Đại trong sách công nghệ. Tôi nghĩ rằng thầy hoàn toàn vẫn có thể giữ cách tiếp cận đó nhưng có thể điều chỉnh một chút".
Điều mà PGS Vinh mong GS Đại điều chỉnh, đó là để sách trực quan hơn với học trò, sinh động hơn về hình thức. Ngoài ra, ông cho rằng: "Xu hướng là chúng ta phải để cho học sinh tự học nhiều hơn. Đọc sách của thầy Đại thì tôi có câu hỏi là nếu học sinh lớp 1 không có sự hướng dẫn của giáo viên thì các em đọc sách có hiểu và tự học được không? Nếu có sự điều chỉnh này thì cuốn sách sẽ tốt hơn nữa, sẽ có nhiều học sinh tiếp cận được hơn nữa".
Một khó khăn nữa mà PGS Vinh chỉ ra là phụ huynh có con học sách công nghệ băn khoăn là đọc sách của con mà họ khó hiểu, khó hướng dẫn con học. Do vậy, ông nhắc lại quan điểm ngoài tài liệu dành cho giáo viên đã rất tốt rồi thì sách cho học sinh của GS Đại cần trực quan, có thêm tài liệu bổ trợ thì khả năng tiếp cận là tốt hơn.
Sau những tranh luận nặng nề và càng bất đồng hơn giữa GS Hồ Ngọc Đại và đại diện hội đồng thẩm định sách giáo khoa, PGS Lê Anh Vinh phát biểu thẳng thắn những suy nghĩ và nêu đề xuất của mình, ông cho rằng "vẫn có giải pháp trung gian hơn với cuốn sách này". 
Khác với ý kiến của các vị đại diện hội đồng thẩm định cho rằng việc cuốn sách có bao nhiêu học sinh sử dụng hay tồn tại bao nhiêu năm chỉ có "giá trị tương đối", PGS Lê Anh Vinh nhấn mạnh:  "Với cuốn sách tồn tại hơn 40 năm như vậy thì chúng ta không thể nào nhận xét là nó không tốt, không có tính thực tiễn được. Tôi nghĩ rất là khó để chúng ta khẳng định như vậy và chúng ta phải khẳng định rằng nó đã có giá trị, nó đã có phép thử về thời gian. Đó là "phép thử" khó nhất với bất kỳ bộ sách nào".
Trước những ý kiến cho rằng hội đồng thẩm định sách giáo khoa làm việc máy móc, cứng nhắc khiến bộ sách của GS Đại bị loại, là người tham gia viết sách giáo khoa toán lớp 1 được thẩm định vừa qua, PGS Lê Anh Vinh  khẳng định hội đồng thẩm định rất cởi mở, tạo điều kiện cho các tác giả thay đổi.
"Sách của tôi cũng được chỉ báo có tới 200 chi tiết cần sửa nhưng có những cái chúng tôi tiếp thu, có những cái chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm, sau khi trao đổi thì được hội đồng thẩm định chấp nhận", PGS Vinh nói.
Mong vai trò của sách giáo khoa sẽ ngày càng được giảm nhẹ
Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa thì rõ ràng sách giáo khoa không còn là vai trò duy nhất nữa. Nó chỉ là phương án, là tài liệu tham khảo để giáo viên có thể sử dụng trong quá trình dạy học. Tôi rất mong muốn là tới đây sách giáo khoa sẽ giảm nhẹ vai trò đi.
Bản thân tôi cũng tham gia viết sách giáo khoa toán lớp 1 cho chương trình mới nhưng tôi thấy việc này mệt mỏi và vất vả quá. Vất vả thì đương nhiên rồi vì mình phải đầu tư công sức, thời gian. Nhưng mệt mỏi vì không nghĩ vai trò của sách giáo khoa lại lớn đến thế, trong khi như tôi nói nó chỉ là một phương án, một tài liệu hỗ trợ giảng dạy trong nhà trường thôi.
(PGS Lê Anh Vinh)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.