Đề văn thi vào lớp 10 ở TP.HCM: Lắng nghe để thay đổi, yêu thương

Thúy Hằng
Thúy Hằng
17/07/2020 06:48 GMT+7

Lắng nghe trở thành chủ đề lớn nhất trong đề văn thi vào lớp 10 tại TP.HCM sáng qua 16.7.

Đặt ra chủ đề lớn nhất: Lắng nghe, những người ra đề cũng thêm một dòng gợi mở ngay phần đầu trang đề thi “lắng nghe để thay đổi, lắng nghe để yêu thương, lắng nghe để hiểu biết”.

Đề thi hay và đổi mới

“Lần đầu tiên trong đời đi dạy học, tôi thấy đề thi đặc biệt như vậy”, thầy Trần Nguyễn Tuấn Huy, giáo viên ngữ văn, Trường THCS Trần Bội Cơ, Q.5, nói với PV Thanh Niên.
“Thứ nhất, đề mang tính thời sự khi đề cập vấn đề quan tâm toàn cầu hiện nay là dịch Covid-19.Thứ hai, về định hướng ra đề, đúng như xu hướng hiện nay của Bộ GD-ĐT, TP.HCM đã rất sáng tạo khi cho học sinh (HS) tự do lựa chọn 1 trong 3 tác phẩm mang 3 thông điệp khác nhau mà HS có cảm xúc kèm theo đối tượng liên hệ. Việc này, không gò bó, không áp đặt, cho HS một tâm thế thoải mái, tự do bày tỏ cảm xúc của mình, đúng với tinh thần người học văn. Phần cạnh tranh và tạo nên sự khác biệt của mỗi em, đó là kỹ năng viết, khả năng lập luận, xâu chuỗi, so sánh. Em nào thể hiện chiều sâu tư duy và cách lập luận thì điểm cao hơn”, thầy Huy phân tích.

Dữ liệu đề thi từ Báo Thanh NiênTuổi Trẻ

Văn bản ở phần đọc hiểu trong đề thi môn văn được tổng hợp từ Báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ. Nội dung văn bản nói về đại dịch Covid-19 đã gây ra những hoảng loạn và xáo trộn trên toàn cầu. Đối mặt với những thách thức này, con người nhận ra một trong những cách chống chọi với hoàn cảnh chính là quan sát và lắng nghe.
Cô Lê Thị Huyền Nhung, giáo viên ngữ văn Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, Q.3, TP.HCM cũng đánh giá đề thi vào lớp 10 năm nay cấu trúc mới, tạo cảm hứng cho HS khi làm bài. “Với câu hỏi nghị luận văn học thì vẫn cho HS sự liên kết với đời sống, xã hội khi đề cập tới các thông điệp lắng nghe chính mình, bày tỏ yêu thương với gia đình và khát vọng cống hiến cho xã hội”, cô Huyền Nhung nói.

Thông điệp “lắng nghe” liên tiếp vào đề thi văn lớp 10

Nếu như đề thi vào lớp 10 ở TP.HCM hôm qua ghi hẳn chủ đề lớn nhất là “lắng nghe” thì cách đây ít ngày, đề thi vào lớp 10 chuyên văn Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cũng có câu nghị luận xã hội 4 điểm bàn về chủ đề này “phải chăng lắng nghe người khác là đánh mất cơ hội thể hiện bản thân”.
Bối cảnh nào để “lắng nghe” liên tục được người ra đề đặt ra với thí sinh? Cô Huyền Nhung cho biết đây là chủ đề hay, dù không mới nhưng người ra đề vào lớp 10 tại TP.HCM đã biết cách làm mới với các câu hỏi, đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thời đại công nghệ thông tin, mạng xã hội bùng nổ, ai ai cũng bày tỏ chính kiến của mình nhưng quên đi việc “lắng nghe”.
“Nghe” là hoạt động của đôi tai, nhưng nhiều người chỉ “nghe” chứ không “lắng”. Lắng là dành thời gian để hiểu, để cảm nhận bằng trái tim. Thời đại 4.0, mọi người giao tiếp với nhau nhiều trên mạng xã hội, viết, “like” và “share” nhiều nhưng có thật sự các bạn trẻ đã dành thời gian để hiểu, kiểm chứng đúng hay sai. Vì thế, tôi thấy chủ đề “lắng nghe” mà người ra đề hướng tới rất thú vị”, cô Huyền Nhung nói.
Trong khi đó, thầy Trần Nguyễn Tuấn Huy cho hay với chủ đề “lắng nghe”, đề thi văn không chỉ là cái để học sinh viết ra những gì các em biết, các em thuộc nữa, mà là định hướng cho các em tới những giá trị chân, thiện, mỹ.
Thầy Huy trao đổi: “Sự lắng nghe rất quen thuộc và quan trọng trong hành trang của mỗi người để thành công, nhưng trong cuộc sống hiện đại hôm nay, nhiều bạn trẻ đề cao cái tôi, bộc lộ cái tôi của mình mà quên mất việc lắng nghe”.

Tuyển sinh lớp 10 TP.HCM: Thí sinh nói gì về đề thi?

Ý kiến

Đề thi tôn trọng cái nhìn của học sinh
Lần đầu tiên đề thi được xây dựng dựa theo chủ đề thống nhất “lắng nghe”. Như vậy thể hiện sự sáng tạo, không đi theo hình thức cũ, giúp HS có tư duy mạch lạc, xuyên suốt quá trình làm bài. Từ việc chú trọng kỹ năng và trải nghiệm văn học, trải nghiệm cuộc sống, đề thể hiện ưu điểm lớn nhất là tôn trọng cái nhìn của thí sinh (tránh áp đặt, tránh học tủ, tránh văn mẫu).
Câu 3 là câu có nhiều đổi mới nhất, biểu hiện rõ nhất của sự tôn trọng suy nghĩ người học. HS chính là người tự ra đề cho mình (chọn tác phẩm để phân tích và chọn tác phẩm để liên hệ đều do HS tự quyết định). Đề bài giúp HS kết nối được văn học với cuộc sống, tránh cho các em có quan điểm văn học tách rời cuộc sống. Cách ra đề này khiến giám khảo hứng thú và sẽ đánh giá cao các bài làm có giọng văn trải nghiệm.
Võ Kim Bảo (giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM)
Bất ngờ, mới mẻ và rất hay
Đề văn thi vào lớp 10 tại TP.HCM năm nay bất ngờ, mới mẻ và rất hay. Bất ngờ vì phần đọc hiểu chỉ còn một văn bản, do vậy câu hỏi so sánh điểm giống và khác cũng không còn, thay vào đó câu hỏi về nội dung văn bản. Cách ra đề thi bám sát theo một chủ đề là khá mới mẻ, việc chọn “Lắng nghe” làm trục chính xuyên suốt cấu trúc 3 phần của đề thi giúp HS có cái nhìn sâu sắc hơn về chủ đề mà người ra đề muốn chuyển tải. Đây vẫn là một đề văn theo hướng mở. Phần nghị luận xã hội cũng không còn giải quyết một vấn đề với 3 lựa chọn mà chuyển sang trao đổi về một vấn đề. Phần nghị luận văn học cho HS được lựa chọn một trong 3 ngữ liệu và định hướng làm bài. Phần nghị luận văn học nêu được 3 đoạn thơ khá đắt giá để các em lựa chọn. Chỉ có đôi chút băn khoăn ở ngữ liệu Ánh trăng khi nội dung thông điệp khá nâng cao với trải nghiệm của HS. Cách cấu trúc theo chủ đề này là một gợi mở thú vị trong việc xây dựng nội dung học tập.
Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi (giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Gợi nhiều cảm hứng
Đề hay, gợi nhiều cảm hứng cho HS, có nhiều sự đổi mới bên trong mỗi câu hỏi nhất là phần nghị luận văn học. Câu nghị luận xã hội, vấn đề đặt ra vừa sức, không quá đao to búa lớn. Câu hỏi khá mở, không mang tính gò bó và quan trọng khiến HS có cảm giác dễ hơn, nhẹ nhàng hơn năm trước. Có thể nói rằng, TP.HCM là địa phương đầu tiên lựa chọn cách ra đề theo một chủ đề. Mỗi năm một cách tiếp cận mới mẻ, không rập khuôn, hàn lâm mà nội dung vẫn mang tính giáo dục, gửi gắm nhiều bài học và gợi cảm giác thú vị.
Đỗ Đức Anh (giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM)
Thí sinh khó bị lạc đề
Điểm mới mẻ, sáng tạo của đề thi môn văn năm nay là tập trung theo hướng chủ đề. Phần chủ đề (lắng nghe) mở đầu đề thi tương ứng với các câu hỏi: câu đọc hiểu văn bản (lắng nghe để thay đổi), viết bài văn ngắn (lắng nghe để yêu thương) và câu nghị luận văn học (lắng nghe để hiểu biết). Vì vậy bố cục, kết cấu của đề rất rõ ràng, tính nhất quán về đề tài trong đề cũng rất cao, thí sinh khó bị lỗi lạc đề. Cả 3 câu hỏi đều có cho phần thí sinh được chọn lựa. Với đề thi và tình hình bài làm của thí sinh, mức điểm trung bình của môn văn năm nay dự đoán sẽ cao hơn năm trước, trong khoảng 6,5 đến trên 7 điểm.
Trần Ngọc Tuấn (giáo viên Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Việc chấm thi sẽ đỡ nhàm chán
Với 3 lựa chọn về 3 thông điệp của 3 tác phẩm thơ, tùy theo sở thích, hứng thú và sự hiểu của mình, HS tự do lựa chọn thể hiện suy nghĩ, quan điểm. Chính từ những lựa chọn của thí sinh sẽ giúp cho giám khảo được đọc, được hiểu đa dạng góc nhìn nên không thấy sự nhàm chán và việc chấm thi sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Huỳnh Lê Ý Nhi (giáo viên Trường THCS Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM)
Làm bài trong tâm trạng thoải mái
Vấn đề dịch bệnh Covid-19 đã được em quan tâm từ trước nên khi thấy đề thi thì rất vui mừng. Câu hỏi nghị luận xã hội về sự lắng nghe em không gặp khó khăn. Phần nghị luận văn học, cho HS được chọn 1 trong 3 thông điệp từ trong 3 tác phẩm văn học Ánh trăng của Nguyễn Duy, Bếp lửa của Bằng Việt, Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải để phân tích, liên kết tác phẩm khác để so sánh nên em làm bài trong tâm trạng rất thoải mái.
Long Lý (HS Trường THCS Lê Lai, Q.8,TP.HCM)
Bích Thanh - Mỹ Quyên - Trần Nhân Trung - Thúy Hằng 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.