Đề văn giúp thí sinh cảm nhận tình yêu đối với quê hương, đất nước

02/07/2016 10:51 GMT+7

Đó là nhận xét của giáo viên Lý Thị Tú Anh, Trường THPT Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú, TP.HCM) về đề thi ngữ văn sáng nay.

Ngoài ra, cô Tú Anh nói, cấu trúc đề thi năm nay tương tự năm trước. Câu 2 của phần đọc hiểu đã có trong đề thi minh họa mà Bộ công bố.
Câu nghị luận xã hội đề cập đến vấn đề vừa quen thuộc vừa trừu tượng tương đối khó để TS có thể bàn luận sâu sắc.
Đặc biệt trong đề thi đề cập đến nét đẹp của tiếng Việt giúp TS có những cảm nhận về tình yêu quê hương đất nước. B.Thanh (ghi)
* TS Nguyễn An Dân (Trường THPT Nguyễn Công Trứ) dự thi tại điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cho biết, đề thi khá cơ bản và không đánh đố. Chỉ cần ôn kỹ chương trình học có thể làm được bài. Đáng chú ý trong phần nghị luận xã hội, đề yêu cầu thí sinh phân tích tính hèn nhát làm mất chính mình và dũng khí. An Dân nhận định, chủ đề này rất gần gũi với lứa tuổi học sinh.
TS thi xong môn văn tại điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM Ảnh: Hà Ánh
"Bạn bè em và chính bản thân em đôi khi không vượt qua được sự rụt rè, thậm chí hèn nhát. Vì vậy bản thân mỗi học sinh sẽ dễ dàng phân tích đề thi bằng chính kinh nghiệm bản thân", TS Nguyên Vũ (Trường THPT Gia Định) chia sẻ. Hà Ánh (ghi)

* Nhiều TS tại cụm thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tỏ vẻ bất ngờ khi đề thi văn sáng nay không đề cập đến vấn đề thời sự như dự đoán.

TS Phan Thị Hường Nhung (HS lớp 12C13, Trường Võ Trường Toản) tiếc nuối “câu nghị luận xã hội làm em hơi bất ngờ vì nó nằm ngoài định hướng ban đầu của em…”.

Nhiều TS rời khỏi phòng thi khi vừa hết hai phần ba thời gian đều nhìn nhận đề thi năm nay vừa sức và có thể làm được trên 50% phần trăm bài thi. Nữ Vương (ghi)

* TS Vũ Thanh Thúy, Trường THPT Trần Phú, quận Tân Phú (TP.HCM) thi tại Hội đồng thi Trung học cơ sở Đồng Khởi do trường đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cho biết: "Đề thi văn bám sát chương trình học sinh đã học. Từ câu 1 phần đọc hiểu đến câu 8, một học sinh trung bình nếu đã ôn tập chương trình đầy đủ thì đều có thể làm được bài. Phần làm văn là phần phân hóa rõ ràng, câu nghị luận xã hội nói về "sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình còn dũng khí giúp họ được là chính mình" khá phù hợp với học sinh... Câu nghị luận văn học là một câu khá lạ khi đề thi đưa ra tình huống truyện của tác phẩm Vợ nhặt. Từ trước tới giờ dường như chưa có đề thi nào ra câu tương tự".
Trong khi đó, TS Lương Thị Thuỳ Dương, HS Trường THPT Tân Bình nhận định đề văn khá vừa sức. Học sinh trung bình có thể lấy được điểm 5, 6. Với học sinh khá giỏi sẽ "ăn điểm" ở phần làm văn. Mỹ Quyên (ghi)
* Bước ra khỏi khu vực thi, nhiều TS tại HĐT ĐH Sài Gòn cho rằng đề thi văn năm nay vừa sức.
Với những học sinh chỉ xét tốt nghiệp, việc đạt điểm trên trung bình là một điều dễ ràng. Hồ Xuân Toàn (ngụ Long An) ra khỏi khu vực thi khi mới chỉ hết 2/3 thời gian làm bài. Toàn cho biết: “Đề văn với 8 câu hỏi ở phần đọc hiểu và 2 câu hỏi thuộc phần làm văn đều không đánh đố TS. Những câu hỏi dễ nhận dạng nên em làm bài rất nhanh. Với phần đọc hiểu em làm trong thời gian chưa tới 20 phút. Sau đó bắt tay vào phần làm văn nhưng vẫn thừa 1/3 thời gian”.
Bên cạnh đó, Nguyễn An Huy (Q.8, TP.HCM) cũng khá vui vẻ: “Phần làm văn yêu cầu phân tích tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân em gần như trúng tủ vì ôn rất kỹ...”. Huy cho biết bài làm sáng nay thấp nhất cũng được khoảng 7-8 điểm. Lam Ngọc (ghi)
* Sau giờ thi văn, một nhóm TS dự thi tại HĐT Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP.HCM) hào hứng chia sẻ với nhau: “Đề không lạ, nội dung học ôn rồi”.
TS Bảo Khuyên cho biết: “Em thấy đề dễ vì em học ôn môn văn rất kỹ. Các câu hỏi, tác phẩm trong đề tụi em đều đã được học ôn. Vì vậy, em không thấy lúng túng hay bất ngờ gì khi đọc đề, làm bài”.
Đánh giá mức điểm mình có thể đạt được, Khuyên cho rằng hy vọng được 7-8 điểm.
TS phấn khởi vì làm tốt bài thi môn văn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trong khi đó, TS Nguyễn Phương Thanh (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) nhận xét: “Em làm được hết các câu trong đề. Nhưng em học khối B, em viết văn không hay nên chắc điểm không cao, còn để xét tốt nghiệp thì với đề thi này, em nghĩ mình cũng được trên trung bình môn văn vì em viết đủ ý như được thầy cô dạy”. Nguyên Mi (ghi)
* Khi trống hiệu báo hết 2/3 thời gian làm bài, nhiều TS cụm thi Đà Nẵng đã rời phòng thi.
TS Nguyễn Hoàng Kim Ngân, học sinh Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng cho biết em thi khối A nên môn văn chỉ thi để đủ điểm đậu tốt nghiệp.
Những thí sinh ra sớm cho hay, chỉ dự thi văn để tránh điểm liệt tốt nghiệp ẢNH: DIỆU HIỀN
Nhiều TS thi tại HĐT THPT Phan Châu Trinh cùng chung quan điểm, cố làm bài thi môn văn để tránh điểm liệt, nên không quan tâm nhiều đến đề thi... Diệu Hiền (ghi)

* Sáng 2.7, trong buổi thi môn ngữ văn, khi thời gian làm bài còn hơn 30 phút nhưng nhiều TS ở Quảng Ngãi đã rời phòng thi sớm với tâm trạng khá thoải mái.

Tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, em Nguyễn Lê Quỳnh Chi (Trường THPT số 1 Tư Nghĩa), là một trong số những TS rời phòng thi sớm, cho biết đề thi vừa sức. “Riêng phần nghị luận xã hội khá hay, tạo nguồn cảm hứng cho các TS viết về thực tiễn cuộc sống”, em Chi nhận xét.

Nhiều TS dự thi xét tuyển ĐH khối A cũng cho rằng đề thi ngữ văn "dễ thở” nên tâm trạng thoải mái sau khi rời phòng thi.

Nhiều phụ huynh "đội nắng" chờ con trước cổng trường thi Ảnh: HIỂN CỪ

Trong khi đó, các bậc phụ huynh “đội nắng” chờ đợi trước cổng trường để đón, động viên con em mình sau một buổi thi căng thẳng. Hiển Cừ (ghi)

* Trưa 2.7, các TS tại Bình Định tiếp tục ra khỏi phòng thi dưới trời nắng nóng. TS Đỗ Ngọc Quý (ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) hào hứng cho biết: “Em làm được hết các câu. Trong đề thi năm nay, em thích nhất là câu nghị luận xã hội nói về sự hèn nhát và dũng khí của con người. Theo em, mỗi người nên học tập, rèn luyện bản thân mình. Có kiến thức để tự tin và nuôi dưỡng dũng khí từ bên trong”.
Th.S Võ Công Trí, Tổ trưởng Tổ Văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Bình Định nhận định: “Đề văn năm nay có cấu trúc không có gì thay đổi so với mọi năm, việc phân bổ các mức đánh giá, phân hóa học sinh nằm ở 2 câu làm văn. Câu làm văn 4 điểm có đề tài tác phẩm Vợ nhặt là không mới nhưng cách hỏi thì mới, chú trọng việc cảm thụ của học sinh hơn”. Tâm Ngọc (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.