Để thực thi chương trình giáo dục phổ thông mới - Kỳ 3: 100% giáo viên cần bồi dưỡng

08/08/2015 07:44 GMT+7

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ là một chuyển biến lớn trong giáo dục nước nhà nếu chương trình này được tổ chức thực hiện theo đúng những gì mà những người thiết kế đặt ra.

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ là một chuyển biến lớn trong giáo dục nước nhà nếu chương trình này được tổ chức thực hiện theo đúng những gì mà những người thiết kế đặt ra. 

Giáo viên là một trong những nhân tố quyết định thành công khi thực hiện chương trình mới - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
So với những gì chúng ta đã biết về giáo dục nước nhà, cái mới của đổi mới giáo dục phổ thông kỳ này căn bản ở việc coi trọng hình thành phẩm chất và năng lực học sinh (HS) hơn là chú ý tới việc trang bị kiến thức.
Một vấn đề quan trọng cần đặt ra là công tác đào tạo giáo viên (GV) như thế nào và GV phải làm gì khi thực hiện chương trình mới này?
Giáo viên hợp tác, nhà trường liên kết
Đề cao tính chủ động và hướng nghiệp cho học sinh
Nhìn tổng thể, số tiết học thể hiện trong chương trình mới không ít hơn so với chương trình hiện hành, nhưng sự khác biệt về môn học bắt buộc, môn học tự chọn nhất là ở THCS và THPT cho thấy tính chủ động và tiếp cận nghề nghiệp tương lai của HS được đề cao.
Ngay từ bậc tiểu học, HS đã có thể lựa chọn những môn học như thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, kỹ thuật, tin học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Khi lựa chọn trong các môn học cấp THPT, chương trình đã đảm bảo HS không học lệch (nếu chọn môn khoa học tự nhiên thì không tự chọn các môn lý, hóa, sinh; nếu chọn môn khoa học xã hội thì không chọn các môn sử, địa). Để đảm bảo sự chuyên sâu, phần tự chọn ở lớp 12 là 3 môn gắn nhiều với kiến thức HS cần tích lũy khi vào đại học. Việc tăng các môn tự chọn sẽ giúp HS có thể phát huy tốt hơn năng lực bản thân, hướng tới sự phát triển năng lực cá nhân của người học - xu hướng của giáo dục hiện đại.
Việc sắp xếp lại một số môn học là một sự thay đổi lớn. Theo dự thảo chương trình, ở cấp tiểu học và THCS thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. Như vậy môn học tích hợp như: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội... không phải là tổng các môn lý, hóa, sinh hay sử, địa, các kiến thức xã hội khác mà là một môn học bao gồm các kiến thức tự nhiên (trong môn khoa học tự nhiên) và các kiến thức xã hội (trong môn khoa học xã hội).
Vì thế hoạt động của GV cần đến sự hợp tác nhiều hơn. Chẳng hạn những kiến thức liên ngành cần được giải quyết cụ thể như thế nào? Thời lượng những tiết học liên quan đến các môn học tồn tại riêng biệt trước đó nay được tích hợp ra sao?... Rõ ràng đây là một sự khác biệt lớn. Nếu chương trình được thông qua, GV phải chấp nhận sự thay đổi và thích ứng.
Với các chuyên đề tự chọn lại cần GV kinh nghiệm để sao cho HS lựa chọn chuyên đề của mình, của trường mình. Việc xây dựng kiến thức các môn/chuyên đề theo hình thức mô đun để HS có thể chỉ lựa chọn là những công việc mới mẻ với nhiều GV.
Các trường phổ thông phải làm công việc phát triển chương trình nhà trường - đây cũng là một yêu cầu mới đối với đội ngũ cán bộ quản lý và GV. Điều này đòi hỏi thay đổi trong quản lý và hoạt động của các trường phổ thông. Việc các phòng học cố định, HS di chuyển tới các phòng học khi lựa chọn môn học cũng là những vấn đề mới đặt ra trong từng nhà trường. Ngoài ra, sự hợp tác giữa các nhà trường với nhau khi HS chọn các môn học/chuyên đề ở các trường khác cũng là một vấn đề trong văn hóa trường học. Rồi đây sự liên kết giữa các nhà trường sẽ trở nên chặt chẽ, thường xuyên hơn.
Nhanh chóng tiếp cận
Các trường sư phạm cũng phải thay đổi cách tiếp cận đào tạo GV nhằm đáp ứng sự đổi thay của chương trình giáo dục. Đây là công việc cần phải làm ngay vì thời điểm 2018 - 2019 đã gần kề. Cho tới thời điểm hiện tại, các trường ĐH sư phạm vẫn đang đào tạo GV các môn khoa học riêng biệt (lý, hóa, sinh, địa, sử...), nhưng khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, họ vừa dạy các môn khoa học riêng biệt vừa giảng dạy các môn tích hợp. Vì ở cấp THPT, các môn học kể trên vẫn là những môn học riêng biệt mà HS có thể lựa chọn bên cạnh những môn học tích hợp nên để đáp ứng điều này, những vấn đề về phương pháp giảng dạy tích hợp chắc chắn sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy các năm tới.
Ngoài ra, những vấn đề như: soạn thảo tài liệu học tập theo hướng xây dựng các mô đun, thiết kế các bài giảng nhằm hình thành phẩm chất và năng lực cho HS theo từng bài giảng, tiết học, lớp và bậc học. Đây là những yêu cầu mới với nhiều trường sư phạm trong đợt đổi mới này và cũng là một trong những chuyên đề bồi dưỡng cho toàn bộ GV hiện nay.
Ước tính có hàng trăm ngàn GV cần phải bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu này. Sự phối hợp giữa các sở và trường sư phạm sẽ quyết định sự thành công của chương trình vì có thể nói 100% GV cần bồi dưỡng để thực thi chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ý kiến
Vẫn còn ôm đồm
Định hướng, mục đích... của chương trình mới đều tốt nhưng thực tế khi thực hiện sẽ như thế nào, cơ sở vật chất, GV, cán bộ quản lý ra sao? Ngay từ bây giờ phải chuẩn bị các điều kiện đi kèm một cách bài bản, có lộ trình phù hợp.
Riêng ở cấp THPT, coi chừng mọi người hồ hởi hơi sớm. Chương trình mới nhìn qua tưởng chừng giảm số lượng môn nhưng thực tế là không bao nhiêu. Người xây dựng chương trình còn hơi ôm đồm, nặng về tinh thần giáo dục toàn diện trong khi định hướng của giáo dục phổ thông giai đoạn mới là nâng cao tính định hướng nghề nghiệp.
CAO HUY THẢO  (Nguyên Hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Úc TP.HCM - SJC)
Để không bỡ ngỡ khi áp dụng
Với chương trình mới, nhà trường và HS đều có sự chủ động, nhưng cũng đặt ra những yêu cầu mà Bộ cần tính toán ngay sau đó là GV, cơ sở vật chất... Thực tế lâu nay dù các trường sư phạm đào tạo GV tích hợp toán - tin, toán - vật lý hay hóa học - sinh học... nhưng khi giảng dạy thì chuyên trách một môn. Các trường phổ thông cần từng bước thay đổi bắt đầu từ năm học mới. Trường sư phạm cũng cần xây dựng chương trình đào tạo và bồi dưỡng GV hiện có để không bỡ ngỡ khi áp dụng.
NGUYỄN VĂN VƯỢNG (Nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều
Q.Tân Bình, TP.HCM)
Giáo viên cần được tập huấn sớm
Đây là vấn đề lớn đòi hỏi GV phải thay đổi phương pháp giảng dạy. Như vậy, Bộ cần phải tập huấn, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để cán bộ quản lý, GV được học tập, trao đổi, cọ xát. Đừng nên gần đến thời điểm triển khai đưa bộ sách giáo khoa ra rồi bắt GV thực hiện.
Một giáo viên THPT tại Q.1, TP.HCM
B.Thanh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.