Để thoát khỏi tình trạng thất nghiệp kéo dài

28/07/2016 10:20 GMT+7

Một số người làm trong lĩnh vực nhân sự, giới thiệu việc làm, thậm chí là giảng viên đã có những gợi mở giúp bạn trẻ có thể tự hóa giải bài toán thất nghiệp cho riêng mình sau khi ra trường.

Chịu khó ra khỏi trung tâm thành phố
Lý giải tại sao cử nhân ra trường thất nghiệp nhiều, ông Hoàng Ngọc Gia Long, Giám đốc Công ty TNHH Yesiwant Vietnam, nói: “Người trực tiếp tuyển dụng họ thường ưu tiên tuyển thợ lành nghề hơn vì họ làm được việc, hiệu quả”.
Theo ông Long, hầu như 80% công việc của 1 công ty trung bình không đòi hỏi những người có đầu óc quá cao siêu để đảm đương. Vì những vấn đề khó khăn, đã có lãnh đạo doanh nghiệp giải quyết rồi, còn lại các vấn đề phổ thông thì chỉ cần người tay quen làm sẽ hiệu quả hơn. Những công việc này thường sẽ hiệu quả theo tỷ lệ thuận với kinh nghiệm, thời gian làm việc của nhân viên. “Chẳng hạn, công ty tôi tuyển thợ may thường tuyển người có từ 8 đến 10 năm kinh nghiệm, vì họ có góc nhìn thực tế hơn về cuộc sống, chú tâm làm việc chứ không mơ mộng nên năng suất làm việc cao”, ông Long, nói.
Trong khi đó, nếu doanh nghiệp tuyển cử nhân, kỹ sư nhiều thì họ phải trả lương cao hơn. Hơn nữa, những cử nhân, kỹ sư mặc dù mới ra trường, được tuyển vào công ty làm việc thì họ thường tự cho rằng mình giỏi hơn thợ, đòi hỏi cao hơn, không tập trung làm việc mà hay tính xa xôi dẫn đến độ thuần thục giảm, hiệu quả công việc thấp hơn thợ lành nghề. “Và họ không chấp nhận làm công việc có tính tay chân cấp thấp vì cho rằng mình xứng đáng làm việc ở cấp cao. Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ quan tâm hiệu quả cuối cùng và thực tế rất nhiều công việc phải làm cả nhỏ lẫn lớn mới có kết quả cuối cùng”, ông Long lý giải thêm.
Trả lời câu hỏi sở dĩ hiện nay bạn trẻ khó tìm được việc làm là do tình hình kinh tế khó khăn? Anh Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH thiết bị viễn thông Lê Nguyễn, Q.Tân Bình, TP.HCM cho rằng: “Nói nguyên nhân do nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp lao đao từ đó nhu cầu việc làm giảm sút chỉ đúng một phần”.
Vậy nguyên nhân do đâu? Anh Đức, phân tích: “Phần lớn do các bạn trẻ thiếu kỹ năng sống, ngại va chạm và hầu như không có kinh nghiệm bươn chải trong những năm tháng còn là sinh viên. Những kiến thức trên sách vở dường như đã được lập trình sẵn, sinh viên cứ chăm bẩm vào đó để học và cứ nghĩ là đủ và luôn mơ về một tương lai tươi sáng, một vị trí cao sang sau khi ra trường nhưng khi ra trường lại không tìm được việc làm dẫn đến chán chường. Cái cần làm để khắc phục điều này là bạn hãy 'lăn' vào làm những công việc 'không tên' để nuôi sống bản thân và tích lũy kinh nghiệm. Và đừng bao giờ nghĩ hễ mình học ở những ngôi trường danh tiếng hay ngành học thời thượng thì khi ra trường sẽ tìm được công việc ngay. Điều quan trọng là khi chưa tìm được việc làm, bạn càng phải quyết tâm và nỗ lực nhiều hơn nữa mới mong sớm tìm được cơ hội”.

tin liên quan

Những cách tìm việc thông minh trong hè
Có một công việc trong mùa hè có thể là mục đích gần nhất của nhiều sinh viên đại học. Nhưng làm cách nào để bạn có thể nhận được nhiều hơn một công việc?
Cũng lý giải về tình trạng cử nhân ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều, ông Nguyễn Triệu Long, Trưởng phòng nhân sự của một công ty cổ phần chuyên cung cấp các loại thiết bị văn phòng ở Q.7, TP.HCM, cho rằng: “Tâm lý sinh khi ra trường thường nhắm vào các công ty lớn để nộp đơn xin việc. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển nhân sự của các công ty như thế gần như đã ổn định, có chăng lâu lâu họ mới có một đợt tuyển nhân sự bổ sung nhưng mỗi đợt như thế cũng chỉ cần tuyển một vài người là cùng”.
Ông Long dẫn chứng: “Trung bình một năm công ty chúng tôi chỉ tuyển thêm một vài nhân sự để bổ sung cho bộ phận nào đó khi bị khuyết, nhưng khi chúng tôi rao tuyển một vị trí thì có tới từ 200 đến 300 hồ sơ nộp vào. Hiện tại trong tủ hồ sơ lưu của phòng nhân sự công ty chúng tôi có cả ngàn bộ hồ sơ nhưng nhu cầu tuyển dụng của chúng tôi dường như không có”.
Ngược lại, ông Long cho rằng nhiều bạn bè của ông làm trong lĩnh vực nhân sự tại các khu công nghiệp như: Tân Thuận, Linh Trung (TP.HCM) hay một số khu công nghiệp của các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An lại đang rất cần nhân lực ở nhiều lĩnh vực nhưng lại tuyển không ra.
“Theo tôi tìm hiểu thì lương bổng và chế độ đãi ngộ của nhiều công ty tại các khu công nghiệp này hiện nay khá tốt không khác gì những công ty như chúng tôi, thậm chí còn cao hơn. Vì vậy, nếu các bạn chịu khó bước ra khỏi trung tâm thành phố một chút thì cơ hội việc làm đến với mình sẽ dễ dàng hơn”, ông Long khuyên.
Nhà trường liên kết với doanh nghiệp
Thạc sĩ Lê Huy Bình, nguyên giảng viên Trường ĐH Việt-Đức, từng du học tại Anh, nhận xét: “Tôi nhận thấy tại các trường đại học ở Việt Nam, sinh viên được học rất nhiều môn nhưng lại thiếu kiến thức kết nối các môn học lại với nhau để giúp các em có một cái nhìn tổng quát. Đồng thời, sinh viên cũng thiếu hẳn kỹ năng làm việc nhóm. Hiện nay, bên ngoài có rất nhiều khóa học về kỹ năng mềm nhưng chỉ mới dừng lại ở mức định hướng, cung cấp thông tin, chưa kể chất lượng cũng thượng vàng hạ cám. Lý do cũng đơn giản, để thay đổi một thái độ, hành vi cần phải có quá trình lâu dài, trong khi đó những khóa kỹ năng đó chỉ gói gọn trong vài tiếng, vài buổi, học viên tham dự lại đông thì làm sao hiệu quả”.
Sinh viên cần chủ động trang bị kỹ năng thông qua việc học nhóm Ảnh: Tuyết Trang
Cũng theo ông Bình, nếu sinh viên chỉ trông chờ vào đội ngũ giảng viên tại các trường ĐH-CĐ thì việc này không khả thi vì không phải giảng viên nào cũng có nhiều kinh nghiệm thực tế, họ chỉ mạnh về nghiên cứu, giảng dạy.
Vì thế, các trường phải mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp để trang bị cho sinh viên biết những kỹ năng, kiến thức nào phù hợp với ngành nghề của mình; chủ động liên hệ với doanh nghiệp để họ cử chuyên gia đến trường nói chuyện và nhận hồ sơ của sinh viên. Sau đó sàng lọc lại, chọn sinh viên phù hợp để mời đi thực tập và cử riêng một người làm công tác huấn luyện theo sát nhóm đó.
Về phía sinh viên, có một thực tế là hiện nay sinh viên thiếu sự chuẩn bị chu đáo cho ngành nghề mình muốn làm, chỉ thụ động trông chờ vào nhà trường và doanh nghiệp “dâng tận miệng”. Muốn có việc làm tốt, phải chủ động tự học hỏi, tìm hiểu thông tin qua các kênh báo chí, internet, và những người đi trước có kinh nghiệm.
Ông Bình nói thêm: “Để nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu ra cho cử nhân, các trường CĐ-ĐH cần cải thiện giáo trình để mang tính thực tiễn, cập nhật hơn, chuyển tải được các vấn đề kinh doanh, công nghệ mới nhất cho sinh viên. Đồng thời, đội ngũ giảng viên cũng cần bổ sung kinh nghiệm (thông qua các đợt trao đổi kiến thức, hoặc hợp tác nghiên cứu với các doanh nghiệp). Ngoài ra, nhà trường nên giảng dạy thêm kỹ năng mềm nhằm giúp các cử nhân dễ hòa nhập vào môi trường làm việc thực tế, đặc biệt là các công ty đa quốc gia”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.